Lữ đoàn được thành lập vào cuối năm 2012 để bảo vệ Nhà nguyện Hồi giáo Sayyidah Zaynab và các thánh địa khác của người Hồi giáo Shia ở Syria.
Al-Abbas ban đầu được coi như là một hành động quyết liệt của người Shia để phản ứng lại với sự phá huỷ có hệ thống của các nhóm phiến quân đối lập (đa phần là mang tư tưởng Hồi giáo Sunni cực đoan) nhằm vào các nhà nguyện, thánh tích của người Shia trong cuộc nội chiến Syria.
Lữ đoàn al-Abbas cộng tác mật thiết với quân đội Syria trong các chiến dịch tái kiểm soát các lãnh thổ. Có thể kể tới các chiến dịch Rif Dismaq (khu vực xung quanh thủ đô Damascus) từ 2012 tới 2013; chiến dịch Thành phố Damascus năm 2013, chiến dịch Aleppo năm 2015. Đối thủ chính của al-Abbas là các nhóm phiến quân:
- Các nhóm tự xưng Quân đội Syria tự do (FSA).
- Mặt trận Hồi giáo (Jaysh al-Islam và Ahrar al-Sham) mà hiện tại là Mặt trận giải phóng Syria (JTS).
- Tổ chức khủng bố Jahbat al-Nusra (al-Qaeda Syria) mà hiện tại là Hội đồng giải phóng vùng Sham (HTS).
- Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (ISIL-ISIS-IS-Daesh).
Lữ đoàn al-Abbas tái lập và tham chiến tại Yarmouk, Damascus.
Các chiến binh của al-Abbas gồm trên 10.000 người là những người Shia tình nguyện bao gồm người Shia ở thủ đô Damascus, người Shia ở Iraq và người Shia các nước khác như Afghanistan, Pakistan, Lebanon, Yemen...
Người Iraq tình nguyện theo chiêu mộ của các giáo sĩ Shia hình thành thành phần lõi của Lữ đoàn. Đa phần chiến trường mà al-Abbas tham chiến chủ yếu xung quanh thủ đô Damascus, dù đã có những thời điểm Lữ đoàn chiến đấu ở Aleppo.
Khi IS tổ chức tấn công vào các lực lượng chính phủ Iraq và giành được những thắng lợi ở hàng loạt đô thị phía Tây Iraq vào giữa năm 2014, các các thành viên người Shia Iraq của Lữ đoàn al-Abbas đã bị buộc phải trở về nhà để bảo vệ chính quyền do người Shia lãnh đạo ở Baghdad.
Những binh lính Shia người Syria còn lại được tái cấu trúc trong thành phần chính quy của Sư đoàn 4 Bộ binh cơ giới - Vệ binh Cộng Hoà Syria vẫn với tên cũ Lữ đoàn Abu al-Fadl al-Abbas.
Những người trở về cũng trở thành lực lượng an ninh chính quy của Iraq
Trở về nhà từ Syria năm 2014, các thành viên người Shia Iraq tái lập Lữ đoàn vẫn dưới cái tên Abu al-Fadl al-Abbas. Al-Abbas tại Iraq cũng tuyên bố với công chúng Iraq mối quan hệ tuy 2 mà 1 với Lữ đoàn Liwa Abu al-Fadl al-Abbas trong Vệ binh Cộng Hoà Syria.
Gần như ngay lập tức, khi chính phủ Iraq tái tập hợp các lực lượng dân quân bán vũ trang tôn giáo và phi tôn giáo trở thành một khối thống nhất nhằm mục tiêu tiêu diệt IS tại Syria trong năm 2014, al-Abbas Iraq trở thành một trong 40 lữ đoàn với quân số lên tới 150.000 người của cái gọi là Các lực lượng vận động tình nguyện (PMU hay Al-Hashd Al-Sha'abi).
PMU chủ yếu là các nhóm Hồi giáo Shia, nhưng cũng bao gồm cả những người Hồi giáo Sunni, người Thiên Chúa Giáo, người Turkmen và người Yazidi.
Các lữ đoàn dân quân của PMU đã chiến đấu trong hầu hết các trận chiến lớn chống lại IS tại Iraq bên cạnh quân đội và lực lượng an ninh Iraq. Có thể kể đến các chiến dịch từ năm 2014 như:
- Cuộc vây hãm Amirli, Giải phóng Jurf al-Sakhar, Trận Baiji, Trận Dhuluiya (2014),
- Chiến dịch Anbar (2015–16), Trận chiến thứ hai tại Tikrit, Trận Ramadi (2014–15), Cuộc vây hãm Fallujah (2016), Cuộc tấn công Ar-Rutbah (2016), Cuộc tấn công ngoại vi Mosul (2016), Trận vây hãm Mosul (2016–2017), chiến dịch tái kiểm soát Kirkuk (2017)...
Sau khi kết thúc các chiến dịch lớn nhằm tiêu diệt các nhóm IS kiểm soát đô thị ở Iraq, công việc còn lại của PMU chỉ đa phần là lực lượng trù bị. Trên thực địa, kể từ cuối năm 2017 các lực lượng an ninh Iraq chỉ còn làm nhiệm vụ truy quét tàn quân IS.
Nhằm chính quy hoá lực lượng dân quân PMU, đầu năm 2018 Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã ban hành "quy định để thích ứng với tình hình hiện tại của các chiến binh PMU", cho họ được hưởng quy chế cấp bậc và hưởng lương tương đương với các nhánh khác của quân đội Iraq.
PMU được gọi là Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iraq mới (Vệ binh Cộng Hoà Iraq thời Saddam Hussein được coi là tiền thân của lực lượng này). Sau khi được Thủ tướng - Tổng tư lệnh Haider al-Abadi tái cấu trúc lại PMU.
Trở lại tham chiến bên cạnh các đồng đội Syria
Việc các chiến binh các Lữ đoàn Shia thuộc PMU Iraq tham chiến bên cạnh lực lượng ủng hộ chính phủ Syria chỉ bắt đầu vào cuối năm 2017, trong chiến dịch al-Bukamal tại tỉnh Deir Ezzor.
Chiến dịch hiệp đồng tác chiến giữa Hezbollah Lebanon, Hezbollah Syria và Kaitab Hezbollah thuộc PMU Iraq tại khu vực giáp ranh al-Bukamal.
Trong thời gian từ 23/10 tới 6/11 năm 2017, ở hai phía biên giới các Lữ đoàn Hezbollah Syria, Hezbollah Lebanon, Hezbollah Afghanistan-Pakistan (Liwa al-Fatimioun) và Lữ đoàn Kaitab Hezbollah Iraq thuộc PMU đã tổ chức hàng loạt các cuộc tấn công.
Họ đã sử dụng xe tăng T-90A, xe tăng M1A2 Abrams và hàng loạt các trang bị cơ giới hạng nặng của Mỹ và Nga tập kích vào hai phía của khu vực thị trấn al-Bukamal. Chiến dịch kết thúc với việc IS ở khu vực này phải chạy trốn ra khu vực hoang mạc.
Tuy nhiên các hoạt động tấn công của PMU chỉ dừng lại sau khi kiểm soát thị trấn biên giới al-Bukamal chứ không thâm nhập vào sâu vào lãnh thổ Syria. Việc mở rộng can thiệp của lực lượng PMU vào nội chiến tại Syria chỉ chính thức được 4 nước Nga - Iran - Iraq - Syria thống nhất vào ngày 20/4 năm 2018.
Trong cùng ngày, không quân Iraq bắt đầu tổ chức không kích trên lãnh thổ Syria tại bờ Đông sông Euphrates.
Các quan chức quân sự Iraq, Iran, Syria và Nga họp tại tổng hành dinh lực lượng tình báo chung 4 nước tại Baghdad ngày 20/4.
Từ ngày 20 tới 23/4, máy bay vận tải của Vệ binh Cộng hoà Iran và Không quân Iraq chở hàng trăm dân quân Shia Iran và PMU Iraq hạ cánh tại sân bay quân sự Abu al-Duhour và sân bay Damascus.
Đồng thời, từ nhiều tháng trước đó đã có hàng nghìn chiến binh PMU đã di chuyển từ Iraq sang Syria bằng đường bộ mang theo vũ khí hạng nhẹ, trong đó có binh lính người Iraq của Lữ đoàn al-Abbas. Kế hoạch được thực hiện sẽ là hai chiến dịch Bắc Homs và Yarmouk.
Tại Bắc Homs, các nhóm quân Shia Afghanistan-Pakistan và PMU sẽ tham gia cùng các đơn vị quân đội Syria tham chiến trong chiến dịch Bắc Homs.
Đơn vị xung kích Ibn al-Alqami thuộc Lữ đoàn PMU al-Abbas Iraq tham chiến ngày 23/4 gặp thương vong nặng nề, phe đối lập trong khu vực Bắc Homs tuyên bố bắt sống 5 lính và hạ 17 lính Ibn al-Alqami, hạ 1 xe thiết giáp phòng không Shilka và 2 xe bán tải vũ trang tại mặt trận Salem và Hamrat, Bắc Homs.
Về phía Ibn al-Alqami tuyên bố diệt tại trận 15 đối phương.
Tại thủ đô Damascus, một sự tái lập hoàn toàn giữa 2 lữ đoàn al-Abbas Syria và Iraq cùng các đơn vị PMU khác tham chiến như Lữ đoàn Liwa Al-Imam Al-Hussein phối thuộc với các lực lượng sư đoàn 4 Vệ binh Cộng hoà tham chiến tại trại tị nạn Yarmouk.
Mức độ ác liệt trong giao tranh tại trại Yarmouk đến mức Lữ đoàn al-Abbas công bố tử trận 16 chiến binh người Syria và Iraq trong 3 ngày qua.
Một số chiến binh al-Abbas bị IS bắt sống cũng bị chúng chặt đầu.
Lữ đoàn al-Abbas tái lập và tham chiến tại Yarmouk, Damascus.
Lữ đoàn al-Abbas tái lập và tham chiến tại Yarmouk, Damascus.
Kết luận
Các diễn biến tại Syria cho thấy, 4 nước Nga-Iran-Iraq-Syria đã hình thành một liên minh tiêu diệt khủng bố của riêng họ.
Ngay sau khi các chiến dịch tại Bắc Homs và trại Yarmouk kết thúc, liên minh này sẽ hướng tới khu vực sa mạc hai bờ sông Euphrate. Với sự chỉ huy thống nhất, liên minh này sẽ trở thành nhân tố chính tiêu diệt khủng bố, bảo vệ hoà bình tại hai nước Syria và Iraq.
Còn ở tương lai xa, các lực lượng chính quy như al-Abbas trong thành phần lực lượng vũ trang Syria và Iraq sẽ là nòng cốt cho các lực lượng chiến đấu chung trong tương lai của 3 nước Iran - Iraq - Syria nhằm đối phó với các thế lực ngoại bang can thiệp vào bờ Đông sông Euphrates.