Trong bối cảnh chính phủ Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga với cáo buộc nước này liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal, nhiều nghị sỹ tại Mỹ đã đề xuất thêm một loạt các biện pháp mang tính ràng buộc hơn nhằm chống lại Nga.
Một số chuyên gia cho rằng, những biện pháp này nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy để trở thành luật trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào tháng 11/2018.
Đòn trừng phạt vũ bão của Mỹ
Trước đó hôm 8/8, tờ Kommersant (Nga) công bố bản thảo của các nghị sỹ Mỹ về dự luật mang tên "Bảo vệ an ninh Mỹ trước hành động gây hấn của Nga" (gọi tắt là DASKAA), nêu chi tiết các biện pháp trừng phạt rộng rãi nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, các giao dịch nợ chính phủ, giới tài phiệt và các ngân hàng quốc gia.
Dự luật cũng kêu gọi đề ra các biện pháp bảo vệ mới đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng như yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ báo cáo tài sản cá nhân của Tổng thống Nga Putin.
Nếu được thông qua, dự luật sẽ ngăn chặn hoàn toàn các công ty Mỹ mua chứng khoán nợ của Nga, trừng phạt các ngân hàng nhà nước Nga, cho phép ban hành biện pháp trừng phạt thứ cấp nhằm vào đầu tư trong lĩnh vực dầu mỏ của Nga, tuy nhiên, điều này có thể vấp phải sự phản đối của Liên minh Châu Âu.
Các chuyên gia nghiên cứu về trừng phạt đã cho rằng đây là những biện pháp “cực đoan” với quy mô rộng và nhiều khả năng hiệu quả hơn so với những nỗ lực trước đó mà Mỹ từng thực hiện nhằm ngăn chặn Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Theo giới phân tích, mặc dù đang trong quá trình tranh luận và sửa đổi trước khi đưa ra một cuộc bỏ phiếu cuối cùng, các biện pháp nêu trong sự luật này sẽ là công cụ vô cùng mạnh mẽ chống lại Nga.
Bà Liza Ermolenko, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Barlays Plc (Anh) cho biết: “Dự luật này cho thấy quyết tâm lớn hơn của các nghị sỹ Mỹ nhằm gây tổn thất cho Nga”.
Dự luật DASKAA được đề xuất bởi nhóm thượng nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Nam Carolina Lindsey Graham dẫn đầu.
Ông Graham cho biết, dự luật sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay cùng những biện pháp cứng rắn khác nhằm vào nước Nga cho đến khi Tổng thống Putin chấm dứt can thiệp vào tiến trình bầu cử Mỹ, dừng các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng của Mỹ, cũng như dừng các nỗ lực gây ra hỗn loạn tại Syria.
Trước đó ông Graham đã mô tả DASKAA là “dự luật trừng phạt từ địa ngục” đối với Nga. Còn Thượng nghị sỹ Dân chủ Bob Menendez thì cho rằng, dự luật là bước kế tiếp trong việc thắt chặt vòng kìm kẹp đối với Điện Kremlin.
Bà Evelyn Farkas, cựu phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề Nga, Ukraine, và Á-Âu “Nếu dự luật giới hạn quyền tiếp cận với các ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại liên hệ chặt chẽ với chính phủ Nga hoặc với các nhà tài phiệt có mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Putin, thì điều đó sẽ rất có ý nghĩa”.
Kinh tế Nga sẽ sụp đổ?
Hãng tin Sputnik đã tiếp cận với các nhà phân tích tài chính của Nga để đánh giá nguy cơ đối với nền kinh tế Nga do dự luật DASKAA gây ra.
Chuyên gia Andrei Fesyun từ Trường Kinh tế cấp cao Nga cho biết: “Chắc chắn, dự luật sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga. Trước hết, trái phiếu của chính phủ Nga sẽ giảm giá, nhu cầu đối với đồng rúp sẽ giảm và lạm phát gia tăng. Đòn giáng này sẽ rất “đau đớn” nhưng chưa thể làm sụp đổ nền kinh tế Nga. Sẽ không có thảm kịch xảy ra”.
Theo nhà phân tích này, động thái của Washington cho thấy Nga và Mỹ đang bước vào “một cuộc chiến tranh lạnh” mới, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Ông Andrei Fesyun cũng viện dẫn một bài viết đăng tải trên tạp chí Bloomberg cho rằng việc đánh vào thị trường trái phiếu của Nga cũng khó tránh khỏi nguy cơ gây bất ổn đối với hệ thống tài chính trên toàn cầu”.
Đồng rúp của Nga mất giá mạnh ngày 8/8 và thị trường chứng khoán nước này cũng sụt điểm sau khi có tin Mỹ áp lệnh trừng phạt mới với cáo buộc Moscow đứng sau vụ hạ độc một cựu điệp viên hai mang người Nga ở Anh.
Anna Koroleva, chuyên gia về tài chính cho biết, các biện pháp do Mỹ đề xuất là một phần của luận điệu chống Nga trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ. “Vào tháng 11, cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ sẽ diễn ra.
Do đó luận điệu chống Nga sẽ gia tăng tại Mỹ trong những tháng tới. Các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga là một chủ điểm của cuộc thảo luận và các nghị sỹ đang bàn đến vấn đề này để ghi điểm về mặt chính trị”.
Vẫn còn nhiều tranh cãi
Lĩnh vực trừng phạt gây tranh cãi nhất của DASKAA là năng lượng. Được biết, xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt chiếm 40% nguồn thu ngân sách của Nga. Trong bối cảnh đó, dự luật kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt với những giao dịch liên quan đến đầu tư trong các dự án năng lượng, do công ty nhà nước hoặc công ty bán quốc doanh của Nga hỗ trợ.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, điều này cũng gây ảnh hưởng đến các công ty năng lượng Mỹ có quan hệ làm ăn với Nga và họ chắc chắn sẽ tích cực vận động hành lang để chống lại dự luật này.
Ông Brian O'Toole, phó chủ tịch ngân hàng BB&T có trụ sở tại Bắc Carolina, Mỹ cho biết:
“Tôi vẫn chưa biết cách nào để thực hiện điều đó một cách đáng tin cậy. Chúng ta có thể buộc các công ty Mỹ rút khỏi Nga nhưng chúng ta sẽ làm thế nào để trừng phạt các tập đoàn dầu mỏ và khí đốt quốc tế như ENI, BP và Shell làm ăn với Nga? Điều đó là phi thực tế”. Được biết, BP sở hữu 20% cổ phần của Tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga.
John Herbst, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Atlantic cho biết: “Dự luật là dẫn chứng mới nhất cho thấy vai trò mang tính quyết đoán hơn của Quốc hội trong chính sách đối ngoại, bắt nguồn từ lo ngại về sự thiếu nhất quán trong chính sách của Tổng thống Donald Trump.
Ở mức độ khác, nó tìm cách hạn chế khả năng ông Trump nhượng bộ Điện Kremlin hoặc làm suy yếu liên minh NATO”.
Dù dự luật chưa được đưa ra bỏ phiếu ở cả Hạ viện và Thượng viện do Quốc hội Mỹ đang trong thời gian tạm nghỉ, và vẫn chưa rõ có được Nhà Trắng ủng hộ hay không nhưng ngôn từ và luận điệu trong dự luật cho thấy lời kêu gọi của các nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ về một phản ứng cứng rắn đối với Nga là có thật./.