Trung Quốc
Tết cổ truyền ở Trung Quốc được xem là ngày lễ quan trọng nhất trong năm.
Vào đầu tháng Chạp (tức tháng 12 âm lịch), người dân Trung Quốc trên khắp thế giới đã rục rịch chuẩn bị mọi thứ để có thể chào đón một năm mới thật hoành tráng và ấm no bên gia đình.
Với những người ở xa gia đình, họ bắt đầu đổ về quê ăn Tết, quây quần bên nhau, làm những món ăn ngon để thờ cúng tổ tiên, ông bà trong dịp năm mới.
Tết ở Trung Quốc được chuẩn bị trước 1 tháng và kéo dài ngày lễ đến hết ngày 15/1 âm lịch.
Mỗi năm, trong lịch của người Trung Quốc sẽ tương ứng với một con vật trong năm. Vì vậy, trong gia đình ai thuộc tuổi con giáp nào thì sẽ tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm.
Theo truyền thống, vào dịp Tết người Trung Quốc thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ, dán giấy đỏ và đốt pháo để xua đuổi những điều không may mắn và mong muốn có một cái Tết rực rỡ, vui vẻ.
Không những thế, trong những ngày đầu năm, người Trung Quốc cũng kiêng kị quét nhà vì sợ quét đi hết may mắn, tài lộc, bên cạnh đó phong tục lì xì cho trẻ nhỏ và người già vẫn được tuân thủ một cách tự nguyện trong niềm vui hân hoan.
Hồng Kông (Trung Quốc)
Tết cổ truyền của người Hồng Kông có những nét tương đồng với Trung Quốc. Tuy nhiên, cách đón Tết của họ có chút khác biệt với nhiều hoạt động đa dạng phong phú.
Người Hồng Kông pha trộn cách đón Tết truyền thống Phương Đông và kết hợp với nét phóng khoáng của phương Tây nên có rất nhiều người trên thế giới muốn trải nghiệm sự mới mẻ của Tết cổ truyền đều tìm đến Hồng Kông làm điểm dừng chân.
Trong dịp Tết cổ truyền, người Hồng Kông sẽ quây quần bên nhau, ăn cơm gia đình và chúc Tết truyền thống.
Vào ngày đầu tiên của năm mới, họ tập trung tại cảng Tsim Sha Tsui để xem các vũ đoàn nghệ thuật biểu diễn, trong đó có các nhân vật Disney diễu hành trong tiếng nhạc vui vẻ rộn rã.
Đến ngày mùng 2 Tết, người dân lại tụ tập đến cảng Victoria để thưởng thức màn biểu diễn bắn pháo hoa kéo dài hơn 20 phút.
Đây được xem là một trong màn bắn pháo hoa đẹp nhất thế giới. Theo SCMP, năm nay Hồng Kông chi lớn để người dân có thể thưởng thức màn bắn pháo hoa ấn tượng chưa từng có.
Singapore
Tại Singapore, đa số người dân đều thuộc dân tộc người Hoa nên họ cũng đón Tết cổ truyền giống như Việt Nam, Trung Quốc.
Trong 3 ngày đầu năm, tại Singapore có những hoạt động tiêu biểu như lễ hội Hoa đăng, lễ hội Singapore River Hongbao, lễ hội đường phố Chingay và nhiều hoạt động khác.
Trong đó, lễ hội thu hút nhiều người tham gia nhất chính là lễ hội đường phố Chingay. Lễ hội bắt đầu được diễn ra từ ngày thứ 7 đầu tiên của năm mới (Năm nay sẽ là ngày mùng 5 tết) tại khu vực vịnh Marina và kết thúc vào ngày 15/1 âm lịch.
Đây là một lễ hội nghệ thuật trang phục và hóa trang với những chiếc xe diễu hành lộng lẫy cùng các điệu múa lân và những người đi cà kheo.
Mông Cổ
Ở Mông Cổ có ngày Tết lớn trong năm chính là Tết Tháng trắng, Tết này được tổ chức cùng với Tết Nguyên Đán của người Việt Nam trong 3 ngày đầu tiên của năm mới theo lịch âm lịch.
Theo truyền thống của người Mông Cổ, trước khi mặt trời mọc, họ sẽ thức dậy mặc trang phục truyền thống, xác định đúng hướng cung hoàng đạo tương ứng mà bước ra.
Đàn ông thì leo lên ngọn núi gần nhất để chờ ngắm bình minh, phụ nữ thì kính cẩn pha trà dâng trời đất.
Điều đặc biệt nhất là Tết Mông Cổ, moi người sẽ thanh toán hết nợ nần vào cuối năm, giải quyết những ân oán thù hằn trong năm cũ để đón năm mới với tình cảm mới.
Khi chúc Tết người lớn tuổi, thay vì quỳ lạy chúc thọ, họ sẽ nắm lấy 2 khuỷu tay và chạm má vào cả 2 bên.
Hàn Quốc
Người Hàn Quốc cũng vô cùng coi trọng Tết cổ truyền như các nước khác. Trong những ngày đầu năm, người Hàn Quốc mặc hanbok và quỳ lạy kính lễ với người lớn tuổi trong nhà.
Đây là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng để thể hiện sự thành kính với ông bà, tổ tiên.
Từ tối giao thừa, người Hàn Quốc đã chuẩn bị mọi thứ tươm tất, mặc đồ Hanbok truyền thống để chào đón năm mới.
Không như Trung Quốc, người Hàn Quốc chỉ ăn Tết trong 3 ngày và họ sẽ tận dụng hết khoảng thời gian này để trở về quê thăm gia đình, người thân.
Trong ngày đầu tiên của năm mới, người Hàn Quốc sẽ thể hiện sự tôn kính với tổ tiên bằng nghi lễ cúng có tên là Chesa do trưởng nam trong gia đình chủ trì.
Mâm cỗ cúng của người Hàn trong dịp đầu năm thường có đến 20 món, trong đó không thể thiếu món truyền thống là tteokguk – bánh canh gạo, mang ý nghĩa thêm tuổi mới và để ăn cùng các thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, người Hàn Quốc cũng thực hiện nghi thức Sebae.
Theo nghi thức này, người lớn sẽ ngồi ở chính giữa phòng ngủ để con cháu lần lượt xếp hang thực hiện nghi lễ mừng năm mới. Sau đó sẽ được người lớn lì xì hoặc cho bánh gạo, trái cây.
(Tổng hợp)