Nga khó đáp ứng kỳ vọng của Trung Quốc về xuất khẩu đậu tương
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời chuyên gia nông nghiệp cảnh báo, xuất khẩu đậu tương Nga sang Trung Quốc nhiều khả năng tiếp tục duy trì ở mức thấp trong vài năm tới, và tỉ trọng nhập khẩu mặt hàng này từ Nga sẽ không đủ để trở thành "phương án 2" đối với Bắc Kinh nhằm thay thế đậu tương Mỹ.
Trung Quốc đã ngừng thu mua đậu tương cùng các nông sản khác của Mỹ trong tháng này, sau khi tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế quan 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu (bên cạnh 250 tỉ USD hàng hóa đã chịu thuế 25% từ trước).
Nga là một trong số nhiều nhiều nguồn cung đậu tương dự phòng đã được Trung Quốc mở rộng khai thác kể từ khi thương chiến nổ ra hồi năm ngoái. Đến tháng trước, Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu đậu tương từ toàn bộ các khu vực của Nga - bao gồm nguồn cung từ phần lãnh thổ phía Tây nước Nga (nằm ở châu Âu).
Dù sản lượng của Nga thấp hơn nhiều so với Mỹ, giới chức Trung Quốc vẫn kỳ vọng láng giềng phương Bắc có thể đóng góp đáng kể trong tỉ trọng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc.
Hồi tháng 7, bộ trưởng thương mại Trung Quốc Chung Sơn phát biểu trong chuyến công du Moskva rằng Bắc Kinh mong muốn "làm sâu sắc hơn thương mại trong lĩnh vực đậu tương" với Nga. Trước đó vài ngày, hãng xuất khẩu nông sản Nga Rusagro đã vận chuyển tàu hàng đậu tương đầu tiên đến Trung Quốc.
Các nhà máy nông sản Trung Quốc đang tìm cách mở rộng hoạt động sang Nga để tìm kiếm nguồn cung sản phẩm bị thiếu hụt do chiến tranh thương mại với Mỹ (Ảnh: EPA)
Tuy nhiên, theo ông Dmitry Rylko, giám đốc Viện nghiên cứu thị trường nông nghiệp (Nga), Bắc Kinh không nên quá kỳ vọng vào những nguồn cung mới.
"Trong vài năm tới, xuất khẩu đậu tương từ vùng Trung Nga sang Trung Quốc có thể rất thấp," Rylko phát biểu hôm 16/8 tại một hội nghị thường niên của các nhà phát triển, thương mại và giới chức ngành đậu tương Trung Quốc tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang.
Ông Rylko nói sản lượng đậu tương ở Trung Nga sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cho đến năm 2024, bất chấp số lượng cơ sở sản xuất đã được gia tăng đáng kể. Trong khi Nga vẫn cần phải nhập khẩu đậu tương để bảo đảm nhu cầu của chính mình, nước này khó có thể mang đến giải pháp hiệu quả cho vấn đề của Bắc Kinh.
Chuyên gia Nga cảnh báo, đậu tương trồng ở các khu vực của châu Âu cũng có thể không đạt chất lượng cao do có hàm lượng protein tương đối thấp. Ông Rylko dự đoán, kịch bản khả quan nhất là Nga có thể xuất khẩu đến 2 triệu tấn đậu tương/năm - tăng đáng kể so với 800 nghìn tấn vào năm ngoái. Nhưng con số này vẫn chỉ là "muối bỏ bể" so với mức tiêu thụ đậu tương hàng năm của thị trường Trung Quốc là 100 triệu tấn - trong đó 88% đến từ nhập khẩu, với 16 triệu tấn do Mỹ cung cấp.
Đáng chú ý, số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy trong giai đoạn tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, kim ngạch đậu tương nhập khẩu từ Nga trên thực tế đã giảm so với cùng kỳ năm trước - từ 589 nghìn tấn xuống 469 nghìn tấn.
Trung Quốc có lợi ích lớn trong phát triển nguồn cung từ Nga
Yang Baolong, chủ tịch Hiệp hội đậu tương Trung Quốc, chủ tịch Công ty đầu tư nông nghiệp Hắc Long Giang, đánh giá khu vực Viễn Đông rộng lớn của Nga có tiềm năng trở thành "nguồn cung đậu tương quan trọng" và thúc giục doanh nghiệp Trung Quốc "nắm bắt cơ hội".
Quan điểm của ông Yang thể hiện sự hưởng ứng với lời kêu gọi từ Bộ thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác với Nga trong ngành đậu tương.
Joyvio Beidahuang Agricultural Holdings, công ty ở Cáp Nhĩ Tân, là một trong số doanh nghiệp Trung Quốc đang tiến vào thị trường Nga. Công ty này đã mua gần 3.100 hecta đất tại nga để trồng đậu, ngô và gạo - giám đốc điều hành Ren Jianchao cho biết.
Ông Ren nói Joyvio Beidahuang sẽ vận chuyển đậu tương sản xuất tại đây về Trung Quốc, và dù cho sản lượng từ Nga hiện nay còn quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt, nó vẫn có tiềm năng cho tương lai.
"Nga ở rất gần Trung Quốc, họ vẫn có chi phí đất đai thấp và những lợi thế rõ ràng [để trồng đậu tương]," Ren nói. "Khi lái xe đến Nga, tôi nhìn thấy rất nhiều đất trồng bỏ hoang bên đường."
Shi Yanguo, người đứng đầu trường công nghệ thực phẩm thuộc Đại học thương mại Cáp Nhĩ Tân, cho rằng Trung Quốc có thể đa dạng hóa chiến lược nguồn cung đậu tương bằng cách thuê lại đất trồng ở nước ngoài để sản xuất. Ông Shi nói Bắc Kinh nên nhìn xa hơn nước Nga và hai nhà cung cấp chủ yếu khác là Brazil và Argentina.
"Còn có nhiều nhà cung cấp khác ở Nam Mỹ, như Paraguay,... Canada cũng là một cường quốc về nông nghiệp và có rất nhiều đất trồng trọt," ông Shi cho hay. Theo ông, nhu cầu tiêu thụ đậu tương khổng lồ của thị trường Trung Quốc sẽ là động lực để các nước gia tăng sản xuất mặt hàng này nhằm lấp vào khoảng trống mà Mỹ để lại do thương chiến.
"Điều này sẽ mất một khoảng thời gian bởi đậu tương là sản phẩm thu hoạch theo năm," ông nói. "Nguồn cung năm nay có thể thiếu thốn, nhưng tình hình năm tới sẽ tốt hơn."