Có hơn một nửa số công việc trên thế giới không được trả lương và hầu hết các công việc này do phụ nữ đảm nhận. Sự mất cân bằng này không chỉ ảnh hưởng đến cơ hội kinh tế của nữ giới mà còn gây ra những tổn thất cho xã hội.
Do đó, việc giảm mất cân bằng giới tính trong những công việc không lương là một phần trong Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.
Những công việc không lương có thể kể đến như nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái và người lớn tuổi,...
Những công việc này không được xếp vào các hoạt động phát triển kinh tế bởi vì chúng khó đo lường về giá trị thị trường. Tuy nhiên, giá trị kinh tế của những việc này là rất lớn, chiếm 10% đến 60% GDP thế giới.
Theo các nghiên cứu mới nhất, những công việc không lương giảm khi tình hình kinh tế phát triển, đó là bởi vì con người đã dành ít thời gian hơn cho công việc nội trợ. Chế độ xã hội và giá trị xã hội có thể ảnh hưởng đến việc đàn ông chia sẻ gánh nặng gia đình và phân phối lại những công việc không lương.
Phụ nữ đã “ôm” quá nhiều việc không lương, điều này không có gì bí mật nữa. Nhưng thứ mà mọi người không biết chính là, so với nam giới, nữ giới đã dành bao nhiêu thời gian trong một ngày để làm những công việc đó?
Trên phạm vi toàn thế giới, trung bình thì người phụ nữ đã làm những công việc gia đình trong 4,4 giờ/ngày, trong khi đó nam giới chỉ dành 1,7 giờ/ngày để làm những việc đó.
Tuy nhiên, ở Na Uy chỉ có một khoảng cách rất nhỏ giữa số giờ làm việc không lương giữa nữ giới và nam giới: Nữ giới là 3,7 giờ/ngày và nam giới là 3 giờ/ngày. Đối lập hoàn toàn với Na Uy là Ai Cập.
Tại quốc gia kim tự tháp, đàn ông chỉ dành 3 phút mỗi ngày để làm những công việc trong nhà, gánh nặng đè lên vai phụ nữ khi họ phải làm việc nhà trong 5,4 giờ/ngày.
Ở Mỹ, phụ nữ làm việc nhà 3,8 giờ/ ngày và đàn ông là 2,4 giờ.
Phụ nữ dành nhiều thời gian để làm việc không lương, không thể hết mình với những công việc trên công ty. Điều này dẫn đến sự giảm sút năng suất làm việc. (Ảnh minh họa).
Nền kinh tế đang phân bổ sai nguồn lực khi để phụ nữ dành quá nhiều thời gian để làm việc tại nhà, thay vì tận dụng tối đa tiềm năng của họ. Điều này dẫn đến kết quả suy giảm năng suất và tăng trưởng kinh tế.
Tất nhiên, một số công việc không lương là hoàn toàn tự nguyện. Và hơn 80% thời gian làm việc không lương trong gia đình, người phụ nữ đã dành cho việc chăm sóc trẻ em và người lớn tuổi.
Việc phụ nữ chọn công việc không lương tại gia dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như các chuẩn mực văn hóa, thiếu hụt dịch vụ công cộng hay các chính sách liên quan đến gia đình.
Nếu mức lương làm việc trên thị trường quá thấp, người phụ nữ cũng có thể chọn làm việc tại nhà toàn thời gian hoặc bán thời gian.
Chính sách có thể giúp giảm tỉ lệ hoặc phân phối lại các công việc không lương.
Ở các nền kinh tế đang phát triển, các biện pháp cải thiện điện, nước, vệ sinh và giao thông thật sự rất cần thiết nếu muốn “giải phóng” phụ nữ khỏi những công việc “tỉ lệ tăng trưởng kinh tế thấp”.
UNICEF ước tính, phụ nữ trên toàn thế giới dành 200 triệu giờ mỗi ngày chỉ để đi lấy nước. Ở Ấn Độ, phụ nữ mất hơn 1 giờ để đi kiếm củi mỗi ngày.
Phụ nữ Ấn Độ dành hơn 1 giờ để đi kiếm củi mỗi ngày.
Ở Mexico và Brazil, nơi có điều kiện điện nước và các thiết bị tốt hơn góp phần tăng tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của người phụ nữ.
Việc phát triển mạng Internet cũng giúp phụ nữ có thể sắp xếp công việc linh hoạt và tham gia lao động trên nền tảng trực tuyến như Gig worker (“Gig worker” là những người làm việc theo yêu cầu, họ thực hiện những dự án có thời hạn, thường là những việc không đòi hỏi quá nhiều kĩ năng).
Chính phủ cũng cần đảm bảo phụ nữ được tiếp cận với giáo dục và dịch vụ y tế. Theo UNESCO, 130 triệu cô gái trong độ tuổi đi học không được đến trường.
Đây không chỉ là vấn đề về cung cấp dịch vụ giáo dục và y tế mà còn phải đảm bảo mọi người sử dụng những dịch vụ đó.
Nhiều gia đình ở Pakistan không cho con gái đi học vì lo ngại về an ninh. Việc đưa nữ quyền vào luật có thể giúp định hình lại xã hội và các yếu tố đang cản trở nữ giới tiếp cận giáo dục và y tế.
Một môi trường lao động hiệu quả và linh hoạt cũng giúp phân phối lại mặt bằng các công việc không lương.
Chẳng hạn như ở Thụy Sĩ, các chính sách tác động thị trường lao động tích cực có thể giảm tải những công việc không lương ở nhà và giúp họ cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống.
Chính sách có lợi cho gia đình cũng có thể đưa ra nhiều sự hỗ trợ cho phụ nữ. Chính sách nghỉ thai sản cũng góp phần làm tăng sự tham gia của nữ giới vào lực lượng lao động.
Nhiều quốc gia Bắc Âu đã sớm đầu tư nhiều vào giáo dục và chăm sóc trẻ em, đảm bảo tỷ lệ nhập học cao; cho phép phụ nữ trở lại làm việc sau khi sinh con.
Chính sách “nghỉ phép làm bố” ở Iceland là một ví dụ điển hình: Thời gian nghỉ thai sản là 9 tháng và cả bố mẹ đều được nghỉ cùng một khoảng thời gian.
Ngoài ra, các vị phụ huynh cũng có đến 2 năm để sử dụng thời gian nghỉ này và được hưởng 80% thu nhập trong thời gian đó.
Ở Iceland, thời gian nghỉ thai sản là 9 tháng và cả bố mẹ đều được nghỉ cùng một khoảng thời gian.
Việc giảm tải và phân phối lại công việc không lương là điều thật sự quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, cần có những hành động dứt khoát từ chính phủ và các công ty tư nhân để có thể sử dụng những lợi ích tiềm năng từ bộ phận nữ giới này.