Dồn dập điều chiến đấu cơ đến gần Triều Tiên, Nga-Trung "liên thủ" trấn an ông Kim Jong Un?

Lưu Bình |

Trên thực tế, những can thiệp của Nga và Trung Quốc quanh bán đảo Triều Tiên còn ẩn chứa nhiều ẩn ý đằng sau những tranh chấp địa chính trị căng thẳng tại khu vực này.

Máy bay liên tục xuất kích

Ngày 24/8, Nga đã điều máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang theo bom hạt nhân Tupolev-95MS (Tu-95MS), máy bay chiến đấu Su -35S cùng máy bay cảnh báo sớm A-50 bay qua vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, vùng biển phía đông của bán đảo Triều Tiên, biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông.

Cùng ngày, Trung Quốc đã lần đầu tiên phái 6 máy bay ném bom chiến lược tầm trung H-6 bay gần bán đảo Kii ngoài khơi phía Nam Osaka, Nhật Bản.

Trước đó, ngày 23/8, Hàn Quốc lần đầu tiên tiến hành tổ chức diễn tập sơ tán phòng không trên quy mô lớn đối với dân chúng, nhằm đối phó với nguy cơ giả định là các cuộc không kích nhắm vào Hàn Quốc bằng máy bay chiến đấu, tên lửa, pháo binh cũng như các loại vũ khí khác do Triều Tiên phát động.

Cuộc diễn tập được triển khai tại 40 thành phố của Hàn Quốc, trong đó có Seoul.

Đây là một tín hiệu nguy hiểm. Từ những hành động này, không khó để hiểu vì sao trong thời gian Mỹ-Hàn tiến hành cuộc tập trận chung Người bảo vệ Tự do Ulchi (UFG), các máy bay chiến đấu tiên tiến của Trung Quốc và Nga lại đồng thời xuất kích đến các cứ điểm quan trọng phía Tây Thái Bình Dương.

Dồn dập điều chiến đấu cơ đến gần Triều Tiên, Nga-Trung liên thủ trấn an ông Kim Jong Un? - Ảnh 1.

Máy bay ném bom Tu-95MS của Nga bay qua Tây Bắc Thái Bình Dương (Ảnh:VCG)

Cuộc tập trận UFG được Mỹ – Hàn đồng tổ chức, lấy Triều Tiên làm kẻ thù giả định, mỗi năm có hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ và hàng trăm ngàn binh lính Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận này.

Mục tiêu tác chiến rõ ràng và quy mô lực lượng tham gia rất lớn của cuộc tập trận khiến Triều Tiên luôn cảm thấy bất an.

Năm 2015, Bình Nhưỡng đã đe dọa nếu phía Mỹ – Hàn không hủy bỏ cuộc tập trận, họ sẽ tiến hành trả đũa Washington.

Năm 2016, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên tuyên bố, một khi phát hiện kẻ thù có dấu hiệu xâm lược, quân đội Triều Tiên sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu.

Bình Nhưỡng tin rằng mục đích của cuộc tập trận này là để "hủy diệt Triều Tiên, tiêu diệt lãnh đạo tối cao của Triều Tiên và phá hủy các tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng."

Trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa công bố kế hoạch "tấn công đảo Guam" không lâu, năm nay, cuộc diễn tập quân sự giữa hai nước Mỹ - Hàn, mặc dù đã giảm về quân số, nhưng lại tăng sắc thái thù địch.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã ra lệnh tăng cường khả năng đáp trả của đầu đạn tên lửa.

Điều này càng cho thấy những lo ngại của Bình Nhưỡng về cuộc tập trận UFG của liên quân Mỹ - Hàn. Do đó, Trung Quốc và Nga đồng thời điều máy bay ném bom chiến lược của mình đến khu vực nhạy cảm, mục tiêu có thể là nhằm làm giảm bớt những lo ngại của Bình Nhưỡng.

Nga - Trung bất an

Trên thực tế, không chỉ Bình Nhưỡng, ngay cả Bắc Kinh và Moscow đều tỏ ra rất cảnh giác đối với cuộc diễn tập quân sự UFG nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng trên bán đảo của liên quân Mỹ-Hàn.

Hôm 24/8, Nga tuyên bố, cuộc tập trận quân sự trên quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ không giúp làm giảm bớt những căng thẳng trên bán đảo. "Xét đến việc các bên trong khu vực đang mở rộng lực lượng, bất cứ hành động hoặc các sự kiện liều lĩnh nào đều sẽ dẫn đến xung đột quân sự."

Ngày 21/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, việc Mỹ và Hàn Quốc tổ chức một "cuộc tập trận chung" không có lợi trong việc giảm bớt căng thẳng hiện tại; đồng thời tiếp tục kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc một lần nữa nghiêm túc xem xét ý kiến tạm dừng cuộc tập trận này.

Dồn dập điều chiến đấu cơ đến gần Triều Tiên, Nga-Trung liên thủ trấn an ông Kim Jong Un? - Ảnh 2.

Trung Quốc lần đầu tiên điều 6 máy bay ném bom H-6 bay đến bán đảo Kii, phía nam Osaka, Nhật Bản (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Rõ ràng, trong thời gian Mỹ-Hàn tiến hành tập trận quân sự chung, việc máy bay chiến đấu của Nga – Trung cùng xuất kích nhắm vào khu vực nhạy cảm đều dựa trên những tính toán riêng của họ.

Kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức, bán đảo Triều Tiên lại tiếp tục căng thẳng, Mỹ-Triều nhiều lần trong tình trạng "gươm rút khỏi vỏ".

Trung Quốc và Nga đã nhiều lần chỉ trích việc Triều Tiên không ngừng tiến hành phóng thử các tên lửa đạn đạo, nhưng đồng thời cũng phản đối việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc và việc Nhật Bản có kế hoạch triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa Aegis trên đất liền của Mỹ trên lãnh thổ của mình.

Mỹ tuyên bố những hành động ở phía Tây Thái Bình Dương chủ yếu là để đối phó với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, khi Washington triển khai quân đội ở khu vực Tây Thái Bình Dương vượt quá nhu cầu quốc phòng, Nga – Trung tự nhiên sẽ đề cao cảnh giác trước các ý đồ chiến lược của Mỹ.

Từ góc độ này, việc máy bay quân sự của hai nước Nga - Trung đồng thời xuất kích từ hai hướng Bắc-Nam cũng chính là nhằm "thị uy" với cuộc tập trận chung của liên minh Mỹ – Hàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại