Tại Ukraine, Trung Quốc không gây áp lực về cải cách chính trị hay pháp lý, họ cũng không mấy quan tâm tới cuộc xung đột đang âm ỉ ở miền Đông Donbass. Thay vào đó, Bắc Kinh theo đuổi một lập trường tích cực, tập trung vào kinh tế
Khi Cách mạng Maidan diễn ra năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea và khi xung đột tại Donetsk, Lugansk bùng phát, Ukraine đều tìm tới phương Tây như những đồng minh mới, hợp lý. Trên nhiều phương diện, những mối quan hệ ấy đều lớn mạnh hơn.
Nhưng giờ đây, Bắc Kinh đã bắt đầu cạnh tranh với các đối tác phương Tây của Ukraine để giành lấy một chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế quan trọng này.
Trong khi đầu tư và viện trợ từ châu Âu, Bắc Mỹ đi kèm với một "mức giá" thì Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc lại sẵn tiền để chi mà không cần điều kiện rõ ràng.
Một thỏa thuận thương mại tự do và cơ chế miễn visa đã mang tới cho đối tác thương mại song phương lớn nhất của Ukraine khoảng 35 tỉ USD/năm, tăng trưởng 27% qua từng năm. Canada cũng có hiệp định thương mại tự do với Ukraine trong khi thương mại với Mỹ đang ở mức đều.
Tuy nhiên, đôi khi những bằng hữu phương Tây này lại là các nhà phê phán gay gắt nhất với Kiev.
Gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tuyên bố rằng có thể Ukraine sẽ không được hỗ trợ thêm cho tới khi họ tiến hành một phiên tòa chống tham nhũng thẳng thắn. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đang rút 600 triệu euro hỗ trợ tài chính vĩ mô với lý do họ không hài lòng với tốc độ cải cách pháp lý ở Ukraine.
Các nhà đầu tư nước ngoài của phương Tây chia sẻ, tham nhũng và bất ổn chính trị là những trở ngại lớn nhất cản trở họ làm ăn ở Ukraine.
Thế nhưng, trong bối cảnh ấy, Trung Quốc lại tiến tới với các vụ đầu tư và cho vay lãi suất thấp trị giá hàng tỉ USD, đổi lại rất ít yêu cầu, ngoài việc được tiếp cận một quốc gia mà với họ có tầm quan trọng chiến lược.
Trung Quốc sẵn lòng rút hầu bao
Không có nhiều bên sẵn sàng và đủ lực để cạnh tranh với khả năng chi tiêu của Bắc Kinh ở Ukraine.
Trong môi trường kinh tế thị trường tự do non nớt này, các công ty Trung Quốc giờ đang cạnh tranh với các đối thủ châu Âu để giành lấy các dự án hạ tầng lớn. Khả năng bỏ giá thầu thấp và hoàn thành các dự án lớn trước thời hạn giúp họ có được các hợp đồng lớn.
Ảnh minh họa: Sputnik
Trong khi Bắc Kinh cam kết chi ít nhất 7 tỉ USD cho các dự án hạng tầng chính của Ukraine, các công ty Trung Quốc cũng bắt tay vào thực hiện sách lược của mình.
Bên bờ Đông Nam Biển Đen, công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC) vừa hoàn thiện một dự án trị giá 40 triệu USD để tạo điều kiện cho các tàu lớn có thể tiếp cận cảng Yuzhny. Người ta dự đoán rằng các cảng quan trọng khác ở Odessa, Chornomorsk và Izmail cũng sẽ nhận được sự chú ý tương tự của Trung Quốc.
"Chúng tôi có thể trông đợi thêm nhiều dự án như vậy do người Trung Quốc đảm nhiệm", Bộ trưởng Bộ Hạ tầng Ukraine Volodymry Omelyan nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây, "Họ trở nên quan tâm tới Ukraine".
"Tôi hy vọng rằng các công ty khác của Trung Quốc sẽ noi gương và tiếp cận thị trường Ukraine", đại sứ Trung Quốc tại Ukraine Du Wei nói trong một cuộc gặp cấp cao ở Kiev.
Và đúng là họ đã noi gương. Từ Biển Đen tới Kiev, các công ty Trung Quốc đang giành phần và "cắm cờ" của mình.
Một công ty Trung Quốc sẽ sớm khởi công xây dựng một tuyến đường cao tốc ven biển dài 200km, có khả năng chịu được tải trọng lớn. Một công ty khác thì đang đầu tư vào các tháp chứa ngũ cốc mới và thang cảng để giúp đẩy nhanh công tác vận tải.
Tại thủ đô Kiev, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương Trung Quốc mới đây đã ký một thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD với Thị trưởng Kiev Vitaliy Klitschoko để xây dựng tuyến tàu điện ngầm thứ tư - một ngân hàng của Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm cho vay 85% chi phí.
Đằng sau các công trình hạ tầng, Trung Quốc còn mua thêm nhiều cổ phần ở Ukraine.
Cuối năm nay, Tập đoàn Xây dựng Kỹ thuật Dân sự Trung Quốc sẽ bắt đầu đầu tư một dự án bất động sản mới bằng một khoản vay 500 triệu USD. Điều đó có nghĩa là 1 công ty Trung Quốc sẽ có cổ phần trong sở hữu nhà ở Ukraine.
Một số nhà quan sát cho rằng, tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng và lợi ích của Trung Quốc ở Ukraine không gắn liền với tham vọng gia nhập EU và có được tư cách thành viên NATO của Kiev. Tuy nhiên, trong hành lang quyền lực của Kiev, phản ứng đối với vấn đề này rất rõ ràng: Ukraine cần tiền còn Trung Quốc thì sẵn lòng rút hầu bao.
"Chúng tôi không tìm tới Trung Quốc vì các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài", một cố vấn kinh tế hàng đầu của Thủ tướng Volodymyr Groysman cho hay, "Chúng tôi ưu tiên Đức, Pháp, Anh. Nhưng nếu Trung Quốc muốn tới đây và cải thiện cầu cảng, đường sắt và xây đường cho chúng tôi thì vì sao chúng tôi lại cản họ?"
Theo Thủ tướng Groysman, Trung Quốc là một "đối tác chiến lược" và "ưu tiên chiến lược" của Ukraine: "Chúng tôi sẵn sàng khuyến khích và thúc đẩy quan hệ hợp tác".
Hành lang vận tải hoàn hảo
Câu hỏi rằng vì sao Trung Quốc lại quan tâm và đầu tư mạnh vào một quốc gia cách mình 6.500km rất dễ trả lời.
"Mối quan tâm ngày càng gia tăng của Trung Quốc với Ukraine rất hợp lý", nhà sử học Anh-Ukraine Bohdan Nahaylo nhận định, "Ukraine có tài nguyên, nhân công trình độ cao, chi phí thấp và xét về mặt địa lý thì nước này nằm ở vị trí chiến lược".
Khả năng tiếp cận Biển Đen, Biển Azoz và sông Danube của Ukraine đã khiến Trung Quốc chú ý khi họ lên kế hoạch cho sáng kiến Vành đai - Con đường, nhằm dễ dàng đưa hàng hóa Trung Quốc đi khắp thế giới.
Vị trí như một hành lang vận tải kết nối Đông - Tây với 170.000 km đường bộ và 22.000 km đường sắt (mặc dù cần sửa chữa) của Ukraine mở ra cơ hội giảm bớt thời gian vận chuyển đáng kể cho hàng trăm nghìn tỉ USD hàng hóa Trung Quốc trên đường tới phương Tây.
Thỏa thuận thương mại mới đây với EU càng khiến Kiev trở thành hàng lang vận chuyển hoàn hảo cho thị trưởng tiêu dùng giàu có nhất thế giới.
(*) Trên đây là phần lược dịch bài viết của nhà báo Anh Jack Laurenson đăng trên tạp chí Diplomat.