Từ thảm đỏ Hollywood cho đến những buổi trình diễn thời trang tại kinh đô thời trang thế giới Paris hay Milan, những bức ảnh sành điệu được đăng khắp các tài khoản mạng xã hội, các ngôi sao thời trang và những cây viết ngành thời trang tích cực quảng bá, mùa đông là mùa mà các thương hiệu kinh doanh hàng xa xỉ như Gucci, Louis Vuitton, Versace và nhiều thương hiệu xa xỉ khác kiếm bộn tiền bởi được nhiều người tiêu dùng giàu có yêu thích.
Tuy nhiên, mùa kinh doanh hàng xa xỉ năm nay vắng bóng một tên tuổi vốn nổi tiếng: Dolce & Gabbana.
Thương hiệu thời trang đình đám của Italy hiện giờ vẫn đang chật vật để vượt qua những sóng gió bắt đầu từ tháng 11/2018 khi mà một đoạn quảng cáo được cho là xúc phạm người Trung Quốc cũng như bình luận kém lịch sự từ nhà đồng sáng lập Stefano Gabbana về người Trung Quốc. Sau đó, chiến dịch tẩy chay thương hiệu này bắt đầu.
Cho đến tận bây giờ, nhiều nhà bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc ví như Tmall của Alibaba và JP.Com vẫn chưa bán lại sản phẩm của Dolce & Gabbana; Lane Crawford và nhiều chuỗi kinh doanh hàng cao cấp khác vẫn không bán lại sản phẩm của Dolce & Gabbana, tạp chí thời trang danh tiếng Vogue không hề nhắc đến sản phẩm của D&G.
Thiệt hại không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Khi mà người tiêu dùng Trung Quốc ước tính chiếm khoảng 1/3 doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn cầu, những tranh cãi hiện tại tiềm ẩn mối nguy hại cực kỳ lớn với thương hiệu Dolce & Gabbana.
Công ty không cung cấp doanh số bán hàng cụ thể, thế nhưng trước đó hàng thời trang Ý này từng công bố doanh thu đạt 1,47 tỷ USD trong thời gian 1 năm tính đến thời điểm tháng 2/2018, cao gấp đôi Versace SpA.
Trước buổi trình diễn thời trang ở Thượng Hải, Dolce & Gabbana từng công bố một đoạn video trong đó người Mỹ cố gắng ăn đồ ăn Ý bằng đũa.
Chỉ riêng video này có thể được tha thứ bởi người ta có thể coi như người nước ngoài chỉ muốn vui đùa với văn hóa, thế nhưng tin nhắn bị rò rỉ bởi Gabbana trong đó có những lời xúc phạm người Trung Quốc, điều đó gây ra sự phẫn nộ lớn.
Tồi tệ hơn, ban đầu công ty còn tuyên bố tài khoản Instagram bị tin tặc tấn công và mất nhiều ngày mới gỡ video khỏi tài khoản mạng xã hội và xin lỗi. Cuối cùng, hãng phải hủy buổi trình diễn.
3 tháng sau, một cây viết thời trang người Philippines, ông Bryanboy, chỉ ra rằng ông vẫn không nhìn thấy ai mặc đồ Dolce. Dù Burberry, Gucci và Prada đều đã từng đối diện với bê bối nhưng họ giải quyết rất nhanh gọn và rồi công việc kinh doanh phục hồi nhanh.