Đôi vợ chồng "ba chân" rau cháo nuôi nhau
Ở độ tuổi lẽ ra phải được an hưởng tuổi già nhưng cái nghèo cứ đeo bám đôi vợ chồng chú Lê Văn Đực (SN 1955) và cô Nguyễn Thị Vĩnh mãi không thôi. Hiện cô chú vẫn chưa có lấy một chốn an cư lạc nghiệp. Không chỉ rau cháo nuôi nhau, cô chú trăn trở nỗi lo cho cô con gái út năm nay 15 tuổi.
Gần 50 năm trước, chú Đực không may gặp tai nạn mất chân phải, người đàn ông ấy nói vui là"chỉ có một chân rưỡi". Tình cờ trong lần đi câu cá, chú gặp cô Vĩnh - người phụ nữ từng lỡ một lần đò, gặp tai nạn chấn thương đầu. Cả hai mảnh đời không hoàn hảo ấy cứ thế tự nhiên ráp lại vào nhau.
Không có tấc đất cắm dùi, cô chú tha phương lên TP.HCM kiếm kế sinh nhai. Ngày ngày, đôi vợ chồng sống trên chiếc ghe lênh đênh từ khúc sông này sang khúc sông khác mong muốn thay đổi số phận. Chú Đực sớm tối làm đủ nghề, thấy ai làm gì có tiền cũng học hỏi làm theo nhưng ấy thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo.
Căn lều ghe của vợ chồng chú Đực ở gần đường Nguyễn Hữu Thọ, TP.HCM
Tất thảy tài sản của đôi vợ chồng U70 là cô con gái nhỏ tên Diễm My, năm nay đang học lớp 9. Cũng vì cô con gái, nhiều năm nay chú Đực tính kế ổn định lên gần bờ ở quận 7, đường Nguyễn Hữu Thọ, TP.HCM để bán vé số và thuận tiện cho con đi học.
Gia đình ba người sống ở "căn lều ghe" được mạnh thường quân hỗ trợ. Nói là căn lều khi nước sông cạn, còn khi nước dâng đó chính là chiếc ghe chính hiệu. Hôm nào nắng thì chú Đực trải bạt, chăn mùng ngủ tạm gốc cây cạnh đó, còn mẹ con cô Vĩnh chia nhau diện tích ít ỏi trong căn lều. Căn lều ấy thông hống tứ phía, mùa hè thì mát mẻ lắm nhưng mưa gió thì tạt ướt sạch.
Chỗ ngủ của chú Đực
Để phụ chồng, cô Vĩnh mở quán bán nước ở ngay dốc chân cầu, cạnh căn lều. Thu nhập chẳng là bao, nhưng cô cố gắng ngày kiếm vài chục nghìn đỡ đần chi phí sinh hoạt, cơm nước hàng ngày.
Dù đôi chân không lành lặn nhưng chú Đực vẫn một mình chèo ghe, lặn lội sình lầy. Hôm nào khỏe chú đi bán vé số, hôm nào mệt thì ở nhà đơm cá, đặt lọp... Tất cả thu nhập chính phụ thuộc vào việc bán vé số nên gia đình 3 người chỉ mong đủ ăn.
Tấm màn rách tả tơi cũng phải dùng băng keo dán chằng chịt chứ không có tiền thay mới. Có lúc đi bán vé số, chú Đực nghĩ đến việc giữ lại 1 tờ "mong sao đổi đời". Thế nhưng, tính di tính lại, số tiền ấy cũng bằng 1 kg gạo cho cả gia đình ăn mấy ngày nên chú đành thôi.
Nỗi lòng của cha mẹ già lo cho con gái nhỏ
Chấp nhận cho phận mình nhưng vợ chồng chú Đực, cô Vĩnh luôn trăn trở nỗi lo lắng cho cô con gái. Chú Đực kể, hồi còn nhỏ, có hôm đi học về thấy con khóc thút thít, hỏi ra mới biết vì bạn bè chê nhà nghèo nên chẳng ai chơi cùng. Đổi lại biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Diễm My rất hiểu chuyện, chăm học và hiếu thảo với cha mẹ.
Cô Vĩnh và chú Đực đã sống 20 trên ghe.
"Mình ở dưới ghe hoài cũng được, tuổi già trôi đi đâu thì trôi chỉ lo con gái tương lai sau này không biết sẽ ra sao. Ước mơ có một căn nhà ấm cúng cho con gái có chỗ ở, học hành mà không biết phải làm sao, làm cách nào. Rầu dữ lắm nhưng rầu lo cũng không có tiền để làm được", cô Vĩnh ngậm ngùi nói.
"Một ngôi nhà" nghe có vẻ đơn giản nhưng là một điều gì đó thật xa xỉ đối với gia đình chú Đực. Người cha già chỉ mong được mạnh khỏe để lo cho vợ con. Với chú, may mắn còn đôi bàn tay đã là có tất cả rồi.
"Không có gì khó khi có hai bàn tay, làm được hết mọi việc từ giặt đồ, rửa chén... Tôi chỉ lo lúc trái gió trở trời, chân nhức không có thuốc uống, không có dầu xức. Nhưng may mắn bên cạnh luôn có bà ấy ân cần chăm sóc lúc ốm đau, mệt mỏi trong cuộc sống", chú Đực tâm sự.
Ngày ngày, chú Đực trèo ghe đơm cá, nhặt ve chai trên sông bán lấy tiền
Nguồn: Nghệ sĩ du ký