"Hâm nóng" tình yêu giản dị mà bền chặt của bố mẹ bằng lễ kỷ niệm theo phong cách xưa
Chuyện tình ông bà, bố mẹ chúng ta thời chưa có tivi, chưa có xe hơi giản dị nhưng chân thành vượt thời gian vẫn luôn khiến thế hệ trẻ ngưỡng mộ. Chuyện tình yêu của cụ ông Nguyễn Thanh Toan (70 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Mận, đến từ Thái Bình là một câu chuyện như thế.
Cách đây 45 năm, họ về chung một nhà. Quãng thời gian tân hôn chỉ vỏn vẹn một tuần. Sau đó, ông đi bộ đội, 3 năm sau mới trở về, chính thức sống cuộc sống vợ chồng với người bạn đời.
Ông Toan và bà Mận kết hôn cách đây 45 năm, chỉ sau một vài lần hò hẹn
Bao nhiêu năm ông đi xa, một năm chỉ có đôi cánh thư đưa về. Trong thiếu thốn trăm bề, bà ở nhà quán xuyến việc gia đình, phụng dưỡng cha mẹ hai bên, chẳng một lời kêu ca.
Chị Luyến (42 tuổi), hiện đang định cư ở Úc, con gái của ông Toan và bà Mận chia sẻ về đám cưới bố mẹ mình 45 năm về trước:
"Mỗi lần chúng tôi ngồi với mẹ hỏi chuyện ngày xưa, mẹ lại bảo "Ngày xưa mẹ cưới đâu có được mặc lộng lẫy như các con bây giờ. Cô dâu chỉ mặc quần satin màu đen, áo bà ba trắng. Còn chú rể thì mặc bộ quân phục" nhưng mà ánh mắt mẹ vẫn sáng lên một niềm vui khó tả".
Chị Luyến cùng bố mẹ trong buổi lễ kỷ niệm bất ngờ
Ngưỡng mộ và trân trọng tình cảm bền chặt, cùng nhau đi qua những tháng ngày khó khăn nhất của bố mẹ, chị Luyến cho hay chị và các em luôn mong muốn tổ chức một buổi lễ kỷ niệm ngày cưới đặc biệt cho bố mẹ.
Đến cuối tháng 3 vừa qua, dù không lên kế hoạch trước, gia đình chị Luyến vẫn muốn về thăm Việt Nam một vài tuần. Khi nhìn lịch, chị thấy đây đúng vào thời điểm tròn 45 năm ngày cưới của bố mẹ. Ý tưởng mượn dịp đặc biệt này để làm một điều gì đó đáng nhớ, giúp gắn kết cách thành viên trong gia đình được nhen nhóm từ đây.
Chị Luyến kể, khi chị đưa ra ý tưởng, các thành viên đều hưởng ứng nhiệt tình: "Năm nay bố tôi 70 tuổi, biết rằng thời gian của bố mẹ không còn nhiều nên mấy chị em quyết định bí mật tổ chức một buổi lễ kỷ niệm ngày cưới, tái hiện đám cưới năm xưa của bố mẹ.
Điều này giúp "hâm nóng" tình cảm, để bố mẹ phấn chấn hơn, tình trạng bệnh của bố tôi cũng cải thiện. Các em tôi ở gần bố mẹ nhận "nhiệm vụ" hỏi chuyện, thăm dò mẹ về lễ cưới năm xưa để nhặt nhạnh những thông tin cần thiết".
Đám cưới phong cách xưa với những vật dụng thời "ông bà anh" được chị Luyến và các thành viên trong gia đình bí mật chuẩn bị
2 ngày trước khi diễn ra buổi lễ kỷ niệm, chị Luyến mới tìm được địa điểm ưng ý là một homestay ở ngoại thành Hà Nội mang phong cách xưa.
Lễ kỷ niệm 45 năm ngày cưới bí mật cho bố mẹ được chị Luyến cùng các em bàn bạc trong một buổi tối trước thời điểm dự kiến chưa đầy 48 giờ.
Họ tiến hành họp gia đình, lên ý tưởng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Họ có đúng một ngày để chuẩn bị bao gồm mua sắm vật dụng trang trí, hoa, cắt chữ, chuẩn bị đồ ăn, bánh.... và sau đó là 4 giờ đồng hồ để thực hiện việc trang trí.
Chị kể: "Chúng tôi muốn tái hiện đám cưới của bố mẹ vào năm 1978. Ngày đó có hai loại họa tiết phổ biến trên vải đó là vải màu bộ đội (tận dụng những tấm vải dù, làm võng, làm phông bạt, làm áo choàng...) và vải chăn con công, gắn bó với những kỷ kiệm đẹp của gia đình khi chúng tôi còn nhỏ.
Khi cả gia đình cùng chung tay bí mật chuẩn bị, tôi nhận ra cả gia đình phối hợp với nhau rất ăn ý, đoàn kết, gắn bó, yêu thương và biết cảm thông hơn".
Nhìn thấy khung cảnh đám cưới 45 năm về trước của mình, bà Nguyễn Thị Mận không khỏi bất ngờ và bật cười. Còn ông Thanh Toan lại cố nén những giọt nước mắt, nhìn con cháu xung quanh vỡ òa cảm xúc.
Lễ kỷ niệm đám cưới thời "1900 hồi đó" của cụ ông Nguyễn Thanh Toan và cụ bà Nguyễn Thị Mận diễn ra vô cùng đặc biệt, đáng nhớ và khiến cộng đồng mạng không khỏi trầm trồ, xúc động.
Chuyện tình chỉ với "những dòng thư tay viết vội" nhưng chan chứa yêu thương, thủy chung son sắt
Được biết, cụ ông Nguyễn Thanh Toan và cụ bà Nguyễn Thị Mận vốn là người cùng làng. Họ quen nhau trong một lần ông nghỉ phép vỏn vẹn 2 tuần, sau đó lại lên đường vào miền Nam.
Như bao câu chuyện tình yêu thời "ông bà anh", ông Toan và bà Mận vun đắp tình cảm dần đần qua bằng lá thư tay qua lại ít ỏi khi mỗi lần đồng đội của ông về phép. Và 1 năm sau, họ chính thức nên duyên vợ chồng bằng một lễ cưới đơn sơ, cũng trong một lần ông về phép.
Tình yêu một năm, nhưng thực tế họ chỉ mới quen biết nhau được ít ngày. Khi cưới nhau về, vẫn còn ngại ngùng, bỡ ngỡ.
Về chung nhà, ông lại lên đường biền biệt, 3 năm sau mới trở về, bắt đầu xây dựng gia đình, sinh con. Tuy cuộc sống vất vả, khó khăn, đói kém nhưng họ luôn đồng lòng, lèo lái "con thuyền" gia đình để chăm lo cho các con ăn học nên người.
"Bố mẹ tôi trước đây dù sống ở nông thôn, nghèo khó nhưng rất hạnh phúc, không bao giờ tranh cãi nhau. Ông là người rất tâm lý, yêu chiều vợ, thương con. Còn mẹ thì luôn ngưỡng mộ và tin tưởng bố. Bố mẹ bên nhau bình dị mà bền chặt, có bất kỳ khúc mắc gì đều cùng nhau giải quyết bằng sự nhường nhịn, thấu hiểu.
Mấy năm trước, bố bị bệnh. Một người luôn thông minh sáng suốt, hoạt bát như bố bỗng nhiên trở lên lầm lì ít nói. Mẹ tôi vốn hiền lành, luôn lùi về phía sau làm hậu phương cho bố nay bỗng nhiên trở thành trụ cột, thành chỗ dựa của bố và luôn cố gắng tỏ ra tích cực.
Bởi thế mà dù sống xa gia đình nhưng cứ có điều kiện, tôi lại bay về bên bố mẹ vài ngày, trò chuyện, tỉ tê tâm sự. Nhờ vậy mà bố mẹ vui vẻ, tích cực hơn." - Chị Luyến tâm sự.
Trong buổi lễ, các chi tiết trang trí, các tấm hình và các chia sẻ của các thành viên trong gia đình đã gợi nhắc cho ông Toan và bà Mẫn nhớ lại những năm tháng khó khăn nhưng hạnh phúc khi còn trẻ.
Điều này giúp ông trở nên minh mẫn hơn, bà cũng cảm thấy vui vẻ, thương yêu "người bạn đời" nhiều hơn.