Anh Trần Nam (30 tuổi) - nhân viên thiết kế đồ họa tại Hà Nội - rất hài lòng với căn nhà cải tạo của mình.
Kể từ khi kết hôn, vợ chồng anh vẫn luôn đi thuê trọ. Bố mẹ họ sống trong căn nhà cấp bốn ba gian, không có phòng riêng, nên việc ở chung gần như bất khả thi. Sau 6 năm, gia đình có thêm con nhỏ, nên muốn có cho mình một không gian sống riêng.
"Trong thời gian 5 năm bọn mình đi thuê trọ thì cảm thấy rất nhiều bất tiện, nhất là đối với hộ gia đình có con nhỏ như bọn mình. Nên bọn mình ước ao có một căn nhà riêng để ở cho thoải mái và cũng tiện cho việc sắm sửa đồ đạc mới", anh Nam chia sẻ.
Vợ chồng anh Nam thích sống trong chung cư để tiện sinh hoạt, nhưng tình hình kinh tế lúc đó không cho phép. Nếu mua trả góp, họ sẽ phải bỏ ra khoản tiền đáng kể mỗi tháng, chưa kể còn chi phí sửa chữa và sắm sửa nội thất.
Nhớ ra bố mẹ còn sở hữu một dãy trọ rộng 60m2 đã xuống cấp trên đường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, anh Nam quyết định sẽ cải tạo nơi này thành không gian sống mới. Ở đó có sân rộng cho trẻ con vui đùa, không quá xa nhà ông bà, rất tiện cho việc chăm sóc con cái.
Dãy trọ gồm 4 phòng đã xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: NVCC)
Quá trình cải tạo diễn ra vô cùng vất vả, do vướng mắc về thủ tục và chi phí. Gia đình anh Nam không được phép đổ trần bê tông hay gia cố thêm, chỉ có thể sửa trên khung nhà cũ. Tường nhà thuộc loại 110, xây đã lâu nên không còn chắc chắn.
Dãy nhà trọ gồm 4 phòng, với 4 cửa sổ và 4 cửa ra vào. Vợ chồng anh Nam chỉ được phép bịt 4 cửa ra vào, không thể mở cửa sổ to, trừ cửa chính hướng từ sân vào. Ngoài ra, vì kinh phí eo hẹp, họ quyết định tự lên ý tưởng thiết kế rồi thuê bên thứ ba thực hiện.
Diện tích nhỏ hẹp không phù hợp với gia đình 4 người nhà anh Nam (Ảnh: NVCC)
(Ảnh: NVCC)
(Ảnh: NVCC)
"Mình rất thích những ngôi nhà hiện đại, có không gian mở, với tone màu sáng. Do đó, mình đã lựa chọn phong cách này cho ngôi nhà đầu tiên", ông bố hai con chia sẻ.
Anh Nam tiết lộ, toàn bộ chi phí cải tạo dãy phòng trọ tốn khoảng 500 triệu VNĐ. Để có được số tiền này, hai vợ chồng đã phải vay mượn thêm từ người thân và bạn bè. Hai vợ chồng không chờ tới lúc tiết kiệm đủ tiền, do lo ngại chi phí nguyên vật liệu và công thợ sẽ tăng nhiều hơn so với dự tính ban đầu.
Sau 2 tháng thi công, dãy trọ 4 phòng có tổng diện tích 60m2 vuông đã hoàn toàn "lột xác". Vẻ ngoài lụp xụp, ẩm thấp hồi đầu được thay thế bằng không gian hiện đại, thoáng đãng, với hai tông màu chủ đạo là trắng và xám. Anh Nam phá bỏ các vách ngăn phòng, chia lại bố cục thành 2 phòng ngủ, 2 WC, 1 khách và bếp.
Hai vợ chồng giữ phần mái tôn đã có từ trước, chỉ làm thêm trần thạch cao để chống nóng mùa hè. Phần trần này được thiết kế theo kiểu bằng phẳng thay vì giật cấp nên tạo cảm giác rộng rãi hơn.
(Ảnh: NVCC)
(Ảnh: NVCC)
Anh Nam chừa khá nhiều diện tích cho phần hành lang và khu vực nối cửa chính và phòng ngủ, để con cái có chỗ thoải mái vui đùa. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu khi thiết kế nhà.
Vì phòng ngủ có diện tích nhỏ, hai vợ chồng không mua giường mà sử dụng nệm gấp và 4 tấm pallet đặt phía dưới. Sau khi dùng xong, họ sẽ cất đi để có chỗ sử dụng tủ quần áo và bàn làm việc. Phòng ngủ chính lớn hơn đôi chút và có WC riêng.
Anh Nam cho biết, phòng khách và bếp là nơi anh dành nhiều tâm huyết nhất. Khu vực này được bố trí nội thất theo hướng không gian mở để tạo cảm giác rộng rãi. Để chia tách khu vực bếp và phòng khách, anh sử dụng vách ngăn bằng cây thay cho tấm vách bình phong thông thường.
(Ảnh: NVCC)
Khu vực hành lang rộng rãi cho các con vui đùa (Ảnh: NVCC)
(Ảnh: NVCC)
(Ảnh: NVCC)
"Mình lấy ý tưởng vách ngăn cây này từ quán café. Họ dùng vách ngăn cây để ngăn các bàn với nhau", anh chia sẻ.
"Khi sử dụng vách ngăn cây này, mình thấy nhà rất thoáng và tiện. Nếu có nhiều khách ngồi hội họp, ăn uống thì có thể di chuyển đồ đạc (bàn trà, bàn ăn, ghế sofa, vách ngăn,...) từ phòng khách ra ngoài sân để tăng thêm diện tích".
(Ảnh: NVCC)
(Ảnh: NVCC)
(Ảnh: NVCC)
(Ảnh: NVCC)
Theo anh Nam, gia đình nào có điều kiện nên thuê KTS tư vấn và thiết kế, bởi họ là người hiểu rõ nhất về kỹ thuật, không gian, bố cục,... trong nhà. Bản thân anh cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tự thiết kế không gian và sắp xếp đồ nội thất, vì không có nhiều kinh nghiệm thực tế.
"Nếu không thể thuê KTS, bạn nên tìm hiểu qua về kỹ thuật xây dựng ở các hội nhóm nhóm và trang web về nhà đẹp. Sau đó, hãy tham khảo cách bài trí không gian, tìm hiểu kích thước tiêu chuẩn của các món đồ nội thất, rồi tự điều chỉnh sao cho phù hợp với nhà mình", anh khuyên.
Vợ chồng anh Nam đặt tên cho ngôi nhà là Domy House, thỉnh thoảng gọi vui là "chung cư mặt đất". Dù quá trình xây dựng tổ ấm đầu tiên khá vất vả, họ vẫn vui vì thành quả thu về xứng đáng với công sức đã bỏ ra.
"Từ khi có nhà riêng, gia đình mình sống rất thoải mái, không phải chịu cảnh chung đụng như thời thuê trọ", anh Nam tâm sự.
"Hai vợ chồng có thể tùy ý trang trí và sắm sửa cho căn nhà. Các bé cũng thích vì có thêm không gian chơi đùa ở cả trong nhà lẫn ngoài sân. Xem phim hay nghe nhạc cũng không ảnh hưởng tới hàng xóm. Tiền điện nước cũng giảm đáng kể. Mỗi lần người thân và bạn bè sang chơi đều có chỗ để xe, việc ăn uống tiệc tùng cũng không cần hạn chế".
(Ảnh: NVCC)
Từng chịu cảnh thuê trọ suốt nhiều năm liền, anh Nam hiểu rõ sự vất vả của việc không có một không gian sống riêng. Một số bất tiện có thể kể đến như phải chia sẻ không gian với người khác, phải tìm nơi ở mới khi chủ nhà đòi lại chỗ thuê, không đủ diện tích sống khi số lượng thành viên trong gia đình tăng lên,...
"Khi bạn còn trẻ, lại đang sống độc thân, việc thuê nhà là hợp lý. Tuy nhiên, khi đã có gia đình, bạn nên sở hữu một ngôi nhà cho riêng mình nếu điều kiện kinh tế cho phép", anh nhận xét.
Với những trường hợp muốn mua nhà nhưng chưa tiết kiệm đủ tiền, anh Nam khuyên mọi người nên mạnh dạn vay mượn thêm người thân và bạn bè, thậm chí là ngân hàng. Bởi lẽ, thời gian chờ tiết kiệm rất lâu, trong khi giá nhà đất ngày càng tăng cao.
"Việc có một khoản nợ lớn khiến bản thân mình có thêm động lực để kiếm tiền trả nợ. Nếu không đi vay mà chỉ chờ tiền tiết kiệm, chúng mình sẽ mất nhiều thời gian hơn", anh giải thích.
Chưa kể, đất đai hay nhà cửa chưa bao giờ là khoản đầu tư sai lầm.
"Đã đầu tư vào nhà đất thì chỉ có lãi chứ không bao giờ lỗ", anh Nam nhận định.
"Nếu mua nhà để ở, ở càng lâu thì giá đất càng tăng, nghĩa là lãi thu được càng nhiều. Nếu mua nhà để kinh doanh bất động sản, không bán năm nay thì cũng bán năm khác, tiền lãi cũng sẽ tăng lên. Bạn bỏ trống đất để sau xây nhà cũng được, hoặc có nhà rồi mà chưa bán được thì mình cho thuê, thế là có thêm tiền hàng tháng".
Coi nhà như một khoản đầu tư cho tương lai nên vợ chồng anh Nam đang cố gắng phấn đấu để mua thêm một căn hộ nữa. Đây sẽ là nơi ở của con trai anh chị sau khi trưởng thành và cưới vợ. Mục tiêu của hai người là tìm kiếm những không gian sống trong lành, đầy đủ tiện nghi, gần nhà bố mẹ và có khuôn viên xanh để đi dạo mỗi buổi chiều tối.
Ảnh NVCC