Tuyển Thái Lan thiệt quân nghiêm trọng
Không còn úp mở nữa, HLV Masatada Ishii của đội tuyển Thái Lan đã thừa nhận khả năng thiếu vắng nhiều ngôi sao hàng đầu tại AFF Cup 2024. Trong danh sách tập trung mới nhất, nhà cầm quân người Nhật Bản thậm chí đã phải gọi tới 8 tân binh lên tuyển Thái Lan.
Khi nhắc đến 2 trụ cột Supachok và Sarach Yooyen, ông Masatada Ishii cũng tỏ ra ngập ngừng: “Nếu không vướng lịch thi đấu cấp CLB, họ sẽ hội quân cho AFF Cup”.
Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do Thai League đã sắp xếp một loạt lịch đấu bù trong tháng 12. Các CLB mạnh và sở hữu nhiều tuyển thủ như Buriram, BG Pathum, Bangkok United hay Muangthong đều có lịch ra sân.
Theo luật FIFA, do AFF Cup không thuộc lịch thi đấu quốc tế chính thức, các CLB không bắt buộc phải nhả người. Điều này buộc HLV Masatada Ishii phải tính đến trường hợp không thuyết phục được các CLB và thiếu hụt nhân sự.
Thậm chí trận đấu giữa Buriram và BG Pathum – 2 CLB đóng góp 17 tuyển thủ Thái Lan trong 1 năm qua – còn diễn ra vào 29/12, trùng với lượt về bán kết AFF Cup.
Lên danh sách cầu thủ đã khó, đảm bảo họ đủ điều kiện thi đấu AFF Cup mà không bị CLB chủ quản gọi về cũng là bài toán nan giải dành cho ông Masatada Ishii.
“Tử huyệt” của AFF Cup
Qua thời gian, AFF Cup ngày càng thu hút sự chú ý lớn hơn. Trong 3 chiến dịch vòng loại World Cup liên tiếp 2018, 2022 và 2026, khu vực Đông Nam Á đều có đại diện tại vòng loại thứ ba.
Tuy nhiên, dù chủ tịch FIFA Infantino đã đến dự khán trận chung kết, AFF Cup vẫn chỉ được tính điểm với hệ số thấp nhất trong danh mục (tương đương với các trận giao hữu không thuộc lịch FIFA). Để so sánh, 1 trận thắng tại vòng loại Asian Cup hay World Cup có thể giúp 1 đội bóng tích lũy điểm số trên BXH FIFA gấp 5 lần AFF Cup.
Cũng vì thường tổ chức ngoài lịch thi đấu chính thức của FIFA, AFF Cup luôn đối mặt với nguy cơ thiếu đi các ngôi sao hàng đầu. Thủ môn Neil Etheridge – cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên thi đấu tại Premier League – ra mắt vòng bảng AFF Cup năm 2010. Nhưng kể từ khi gắn bó với các CLB châu Âu, anh gần như “mất tích” luôn ở những kỳ giải đấu tiếp theo. Các CLB chủ quản của Neil Etheridge đương nhiên có quyền giữ chân cầu thủ của mình theo luật.
Điều tương tự từng diễn ra nhiều lần với đội tuyển Thái Lan. Chanathip Songkrasin cùng hàng loạt ngôi sao thi đấu ở nước ngoài không thể đạt được thỏa thuận với CLB để khoác áo ĐTQG thi đấu AFF Cup.
Năm 2016, một sự kiện hi hữu xuất hiện ở đội tuyển Indonesia. Nhiều CLB không cho phép cầu thủ lên tập trung cho AFF Cup. Để rồi, HLV Alfred Riedl phải thỏa hiệp bằng cách mỗi đội chỉ gọi tối đa 2 cầu thủ. Tới năm nay, HLV Shin Tae-yong quyết định chỉ dùng đội U22 dự giải nhằm tập trung lực lượng chính cho vòng loại World Cup 2026. Và giải VĐQG Indonesia sẽ diễn ra như bình thường xuyên suốt tháng 12.
Trong bối cảnh các đội bóng Đông Nam Á ngày càng đặt mục tiêu cao hơn tại đấu trường châu lục, câu hỏi “liệu AFF Cup có còn là cái đích lớn nhất?” được đặt ra. Nhưng nhìn nhận thực tế tương quan giữa bóng đá Đông Nam Á và mặt bằng chung châu Á, AFF Cup vẫn là một giải đấu quan trọng và mang rất nhiều ý nghĩa.
Chỉ có điều, các nhà tổ chức sẽ phải cân nhắc đến những phương án cân bằng lợi ích giữa các bên hơn, nhằm giúp giải đấu có thể diễn ra một cách trọn vẹn với đầy đủ các ngôi sao.