Nói như vậy không có nghĩa những cầu thủ khác chưa từng trải qua gian truân, chỉ có điều ít ai tới mức bị người ta vùi xuống bùn đen vì những lời mạt sát không thương tiếc như Hải Quế. Nhưng sau tất cả, như ánh mặt trời vẫn ló rạng giữa đêm đen, sự đền đáp xứng đáng cũng tới với tân thủ quân đội tuyển Việt Nam - Quế Ngọc Hải.
Miếng cơm nắm của ông và điểm tựa gia đình
Trước trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 , một người bạn của tôi đăng một bài viết về Quế Ngọc Hải trên Facebook cá nhân, trong đó có đoạn:
"Nhìn đội tuyển Việt Nam bây giờ, những người hơn tuổi Quế Ngọc Hải đều đã có những danh hiệu nào đó cấp cấp câu lạc bộ, những thằng em dưới tuổi Quế Ngọc Hải đều hưởng trọn vinh quang từ 2 giải đấu đầu năm và giữa năm nay. Chỉ có Hải, là trên Google khi search tên Quế Ngọc Hải, chỉ ra toàn ảnh khóc, cúi mặt, thất bại... chứ không hề có niềm vui".
Và có lẽ nhiều người cũng có cùng suy nghĩ như vậy. Những dòng chữ trên phần nào đó đã khắc họa thế giới bóng đá của Quế Ngọc Hải khoảng một năm đổ về trước. Năm 2018 có thể nói sẽ khép lại một cách rực rỡ với cầu thủ người Nghệ An: lập gia đình, có con, giành chức vô địch Đông Nam Á cùng đội tuyển Quốc gia thế nhưng trước đó là cả một quãng thời gian thực sự khủng khiếp.
Biến cố trong sự nghiệp liên tục ập tới. Những tai nạn nghề nghiệp chẳng hề mong muốn cứ xảy ra mà đỉnh điểm là vụ va chạm với tiền vệ Anh Khoa của Đà Nẵng; lời giày xéo, chỉ trích không chịu buông tha Hải Quế. Những thâm trầm và sóng gió đến quá sớm biến một chàng trai trở nên lầm lì và ít nói ngay cả với bố mình, như ông Quế Ngọc Hùng, cha của Quế Ngọc Hải, chia sẻ.
Nhưng nghịch cảnh tôi luyện chàng trai trở thành người đàn ông mạnh mẽ còn gia đình là điểm tựa vững chắc để người đàn ông ấy vững tâm bước tiếp. Trải qua những đớn đau về tinh thần, anh hiểu giá trị của gia đình.
"Lúc bước ra sân cũng như khi ăn mừng bàn thắng, người mà tôi nhớ nhất là ông nội. Ông nội tôi mất vào tháng 6 Âm lịch năm ngoái", trung vệ 25 tuổi đã trải lòng.
Sinh ra tại Diễn Châu, Nghệ An, Quế Ngọc Hải giành những năm tháng đầu đời sống cùng ông bà nội vì điều kiện kinh tế của bố mẹ khi đó còn quá khó khăn.
Trong ký ức của cậu nhóc ngày ấy tới tận bây giờ, hình bóng của ông nội luôn thiêng liêng và đáng kính. Ở một miền quê nghèo, kỷ niệm về ông hiện ra vẫn thật đẹp đẽ như tô sơn. Và điều anh nhớ nhất luôn là những miếng cơm nắm mà ông nội chuẩn bị.
Để được là người đeo băng đội trưởng, dẫn đầu đội bóng bước ra sân như ngày hôm nay, Quế Ngọc Hải đã phải vượt qua nhiều sóng gió tưởng chừng như sẽ khiến anh gục ngã. Ảnh: Tiến Tuấn
"Tôi học mẫu giáo ở quê", Ngọc Hải chia sẻ. "Hầu như tôi ngủ cùng ông nội từ thời điểm còn nhỏ và ông đưa đón tôi đi học. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là mỗi buổi trưa khi tôi đi học về, ông đều để sẵn hai nắm cơm. Ngày xưa tôi rất thích ăn cơm nắm. Ông luôn làm như vậy để mỗi khi tôi đi học về đói bụng là ăn được ngay".
Con người chúng ta ai cũng có một miền ký ức nào đó để nương náu mỗi khi yếu lòng hay cảm thấy chênh vênh trong cuộc đời. Với Quế Ngọc Hải, miếng cơm nắm của ông nội không chỉ là món đồ "cứu đói", nó còn là một bảo vật về tinh thần giúp anh có được ngày hôm nay dù sau này không còn sống cùng ông nữa.
Không sinh ra trong gia đình khá giả, niềm vui ấu thơ của Quế Ngọc Hải và anh trai Quế Ngọc Mạnh chẳng gì khác là trái bóng tròn. Ngọc Hải yêu bóng đá và đá bóng cũng rất hay. 10 tuổi, các thầy ở Sông Lam Nghệ An đã chấm Hải và đưa về lò đào tạo sau khi tham gia giải bóng đá nhi đồng mặc cho gia đình lúc đó muốn anh đi theo con đường học vấn.
Hải lao vào tập luyện cật lực với mong muốn trụ lại được đội bóng số một của tỉnh. Nhưng đâu chỉ tập luyện không thôi, ở tuổi đó tất nhiên anh còn phải học văn hóa nữa.
Trong cuốn tự truyện của mình, cựu danh thủ Lê Công Vinh từng kể chi tiết về những năm tháng vừa học vừa tập luyện ở lò đào tạo Sông Lam ra sao. Việc tập luyện căng thẳng đến nỗi mỗi tiết học trên lớp trở thành cực hình và đó là lúc để anh ngủ cho lại sức.
Nhưng Quế Ngọc Hải thì khác. Vừa đá bóng, vừa tập luyện nhưng anh học vẫn giỏi. Thành tích học tập của Hải Quế tốt tới nỗi năm học lớp 9, giáo viên chủ nhiệm từng tới tận nhà để khuyên bố mẹ anh nên bảo cậu con trai họ hãy bỏ bóng đá để tập trung học tập vì "cho đi đá bóng thì uổng phí".
Giữa con đường sách vở và bóng đá, Hải chọn vế thứ hai. Và phần còn lại, như chúng ta hay nói, là lịch sử. Anh vươn mình trở thành trung vệ số một Việt Nam và mới đây đã chính thức gia nhập CLB Viettel với số tiền lót tay 3 tỷ đồng/năm.
Chiếc băng đội trưởng và nhiệm vụ của một người kết nối
Tại Asian Cup 2019 sắp tới, với sự vắng mặt của Văn Quyết, Quế Ngọc Hải được tín nhiệm là đội trưởng của đội tuyển Việt Nam. Đó là điều nhiều người có thể dự đoán khi mà anh đã hoàn thành quá tốt vai trò đội phó ở AFF Cup 2018.
Thế nhưng thậm chí vào thời điểm ban đầu, đã có không ít những hoài nghi dành cho trung vệ sinh năm 1993. AFF Cup 2018 là giải đấu đầu tiên mà Hải Quế làm việc cùng HLV Park Hang-seo.
Trước đó, tại vòng chung kết U23 châu Á cũng như ASIAD 2018, hai mốc son đầu tiên mà chiến lược gia người Hàn Quốc ghi dấu cùng bóng đá Việt Nam, cầu thủ người Nghệ An không có tên. Ở giải thứ nhất, Ngọc Hải quá tuổi tham dự còn tại ASIAD, anh không có tên trong danh sách ba cầu thủ trên 23 tuổi vì HLV Park Hang-seo muốn dồn sức cho hàng công.
Và thành công ở hai giải đấu ấy ghi đậm dấu ấn của hàng phòng ngự với ba "chân kiềng" là các trung vệ thép: Bùi Tiến Dũng , Trần Đình Trọng, Đỗ Duy Mạnh . Sự ăn ý và hiệu quả của bộ ba này sau những lần thử lửa liên tục khiến nhiều người cho rằng sẽ chẳng có một sự thay đổi nào hết của HLV Park Hang-seo. Nhưng Quế Ngọc Hải đã chứng minh năng lực bản thân một cách xuất sắc.
Ở hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam, trung vệ 25 tuổi là một thủ lĩnh và chỗ dựa vững chắc cho các đàn em. Có anh trên sân, Đình Trọng và Duy Mạnh yên tâm hơn trong những pha xử lý. Có Hải Quế bên cạnh, các đồng đội biết họ sẽ có một người "kéo" mình lại sau những phút bốc đồng, mất bình tĩnh.
Quế Ngọc Hải là một thủ lĩnh đích thực. Từ lứa U19 Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại, gần như anh luôn có tên và được tín nhiệm vào ban cán sự đội. Tin cậy, chắc chắn và mạnh mẽ, các HLV đều nhìn thấy phẩm chất một người dẫn đầu trong con người hậu vệ Nghệ An.
Với các đàn em U23, Hải Quế là một người anh đúng nghĩa. Với những lão tướng như Anh Đức, Văn Quyết, Trọng Hoàng, cầu thủ người Nghệ An lại là cầu nối gắn kết với lứa cầu thủ U23 nhờ sự thân thiết.
Chẳng thế mà tại đội tuyển Việt Nam lúc này, ngoài chuyên môn ra thì điều mà ai cũng có thể nhận thấy chính là sự đoàn kết. "Điều thầy Park rất thích ở các cầu thủ Việt Nam là sự đoàn kết trong đội tuyển, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam", Ngọc Hải nói.
Ảnh: Tiến Tuấn - Hiếu Lương
Hình mẫu cho một người đàn ông vượt qua nghịch cảnh
Trên đội tuyển Xuân Trường và Quế Ngọc Hải là một đôi bạn rất thân thiết. Từ lứa U23 tới đội tuyển Quốc gia, họ đã đồng hành cùng nhau qua nhiều chiến dịch và sự thấu hiểu cũng qua thời gian được bồi đắp.
Tại AFF Cup 2018, Xuân Trường thi đấu không thực sự quá ấn tượng. Nhưng với Hải Quế, vượt lên tất cả, anh trân quý cậu em của mình bởi sự trưởng thành, chín chắn hơn tuổi rất nhiều.
Tân thủ quân đội tuyển Việt Nam tâm sự: "Với tôi, Trường là người mạnh mẽ, chỉn chu, lịch sự và cậu ấy biết mình đang như thế nào trong quãng thời gian qua. Cậu ấy biết mình yếu ở đâu và phải cải thiện thêm điều gì. Trường luôn tập thêm rất nhiều, có lẽ là người tập thêm nhiều nhất ở đội tuyển.
Dù sao, cậu ấy vẫn còn trẻ. Điều tôi thích ở Trường là cậu ấy luôn muốn mọi người nói về những điểm cậu ấy chưa được để tiến bộ hơn.
Cậu ấy lúc nào cũng muốn cải thiện, thay đổi bản thân tốt hơn. Trường là một tấm gương sáng để các cầu thủ trẻ noi theo. Cậu ấy chín chắn hơn cái tuổi rất nhiều. Cậu ấy sống thiên về nội tâm và tình cảm với gia đình, tập thể. Cậu ấy sẵn sàng hy sinh vì tất cả mọi người trong đội. Đó là điều tôi quý ở Trường và rất muốn học hỏi".
Tất nhiên, Hải Quế hiểu những áp lực mà Xuân Trường đang gặp phải. Thậm chí trước đây, những lời chỉ trích dành cho anh còn nặng nề và lớn hơn rất nhiều so với người đàn em. Nhưng thời gian trôi qua, anh vẫn sừng sững đứng đó như lời khẳng định về một người đàn ông mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh cần phải như thế nào.
Và nếu Quế Ngọc Hải nể phục Xuân Trường ra sao thì chúng ta hãy dành sự trân trọng và ngưỡng mộ cho tân binh của CLB Viettel như thế.
Sau tất cả, lúc này hạnh phúc với Quế Ngọc Hải là được cống hiến cho bóng đá và trở về với tổ ấm nhỏ. Ngọc Hải nói suốt chiến dịch AFF Cup 2018, anh đã phải gạt những giọt nước mắt trong đêm vì nỗi nhớ nhà và cũng nhờ lời động viên từ người vợ tảo tần. Việc lập gia đình giúp anh chín chắn và trách nhiệm hơn trong suy nghĩ.
Giờ đây, Quế Ngọc Hải sẽ là thủ lĩnh số một của đội tuyển Việt Nam trên những hành trình chinh phục sắp tới. Hẳn ở trên trời cao, ông nội của anh sẽ mỉm cười bởi sau những sóng gió, cũng từng có khi yếu lòng nhưng cuối cùng anh vẫn không gục ngã. Và xin được mượn lời của người bạn tôi chia sẻ trước trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 về trung vệ xứ Nghệ để khép lại bài viết này:
"Cho tất cả những đau đớn, thất bại, bi kịch và những lời nguyền rủa mà bạn từng phải gánh chịu, tối nay sẽ là sự đền đáp công bằng. Một người đàn ông mới 25 tuổi và trải qua những biến cố mà có khi người khác cả đời mới gánh đủ, một người hiểu sâu sắc nhất về những nỗi đau khi thua trận, thì hôm nay, bạn xứng đáng được mang băng đội trưởng nâng cúp".
Danh sách 24 tuyển thủ đội tuyển Việt Nam chuẩn bị Asian Cup 2019:
- Thủ môn (3): Đặng Văn Lâm, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Tuấn Mạnh
- Hậu vệ (6): Quế Ngọc Hải, Đỗ Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Thành Chung, Hồ Tấn Tài
- Tiền vệ (9): Lương Xuân Trường, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Huy Hùng, Phạm Đức Huy, Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Phong Hồng Duy, Ngân Văn Đại, Trần Minh Vương, Nguyễn Quang Hải.
- Tiền đạo (6): Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn, Hà Đức Chinh, Đinh Thanh Bình, Phan Văn Đức