Đội trưởng đặc nhiệm khuất phục nghi can không cần súng

NGUYỄN TRÀ |

Được trang bị vũ khí nhưng hiếm khi đặc nhiệm nổ súng mà chủ yếu sử dụng võ thuật, thậm chí dùng tình cảm để thu phục nghi phạm.

“Tội phạm cướp giật ngày càng manh động, liều lĩnh nên chuyện anh em bị ngã xe, trầy xước, phóng xe máy gần 100 km/giờ truy đuổi nghi phạm gần như là chuyện hằng ngày…” - Trung tá Mai Thống Nhất, Đội trưởng Đội Hình sự đặc nhiệm (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM), trải lòng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng sử dụng vũ lực mà nhiều khi phải thu phục nghi can bằng cái tâm của người cảnh sát nhân dân.

Khuất phục kẻ cướp bằng lẽ phải

“Không khẩn cấp, đặc nhiệm không nổ súng” - Trung tá Nhất nói. Theo ông Nhất, năm qua lính đặc nhiệm phá gần 200 vụ án, bắt gần 300 nghi phạm nhưng chưa lần nào phải nổ súng mà chỉ sử dụng võ thuật khống chế nghi phạm.

Tuy nhiên, có nhiều vụ không bắt được quả tang nhưng sau đó xác định nghi can, các đặc nhiệm phải làm “công tác dân vận” là đi thuyết phục nghi can ra đầu thú.

Cao Hồng Phúc (tự Phúc “nhỏ”), đồng phạm Nguyễn Tấn Phúc (Phúc “lớn”, người mang bốn lệnh truy nã), là một ví dụ.

Theo tin trinh sát, trong vụ án giết người trong quán nhậu ở quận 8, TP.HCM và cướp xe cuối tháng 12-2015, Phúc “nhỏ” là một trong những đồng phạm.

Trung tá Nhất biết gia đình nghi phạm khi còn là trưởng Công an xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nhưng tung tích nghi can như bóng chim tăm cá.

Đội trưởng đặc nhiệm khuất phục nghi can không cần súng - Ảnh 1.

Săn bắt cướp nổ súng vào nghi phạm bắt cóc con BS Nguyễn Lã Hỷ. Ảnh: TƯ LIỆU. Trung tá Mai Thống Nhất (ảnh nhỏ) khi còn là chiến sĩ săn bắt cướp huyện Bình Chánh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau nhiều hôm suy tính, Trung tá Nhất quyết định đến gia đình vận động đưa Phúc “nhỏ” ra đầu thú.

“Cha mẹ ai không thương con, càng không muốn con họ ngồi tù. Phúc đã nhiễm HIV, sống bất cần đời. Chắc chắn Phúc sẽ tiếp tục đi trộm cắp, cướp giật, tội chồng thêm tội, chưa kể là những rủi ro ập đến bất kỳ lúc nào khi đi cướp giật” - ông cho hay.

Từ suy nghĩ này, ông đến nhà nghi phạm phân tích điều hơn lẽ thiệt cho gia đình hiểu. Thời điểm đó Phúc có liên lạc qua điện thoại với gia đình bằng SIM rác và họ cũng không biết Phúc đang ở đâu.

“Sau đó, hai vợ chồng nước mắt lưng tròng đưa đứa con trai hơn 20 tuổi lên tận trụ sở Đội Hình sự đặc nhiệm đầu thú” - ông Nhất kể.

Mua nước sạch cho gia đình kẻ trộm

Trước khi trở về nhận nhiệm vụ ở Đội Hình sự đặc nhiệm Công an TP.HCM, khoảng năm 1989-1990, Trung tá Nhất là trinh sát đặc nhiệm Công an huyện Bình Chánh. Trong thời gian này xảy ra một vụ trộm tài sản lớn trên địa bàn.

“Ngay trong ngày, Công an xã Bình Hưng đã bắt được nghi phạm nhưng tang vật vụ án thì không thu được. Công an địa phương đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ nhưng người đàn ông nhất quyết không khai nhận.

Công an đến nhà nghi can không tìm thấy tang vật, đặt ra câu hỏi khó cho anh em. Tôi quyết định đến nhà nghi can tìm hiểu” - ông Nhất nhớ lại.

Theo ông Nhất, sau đó một mình ông đến nhà nghi can. “Đến nơi, nhìn cảnh tượng nhếch nhác, kham khó của gia đình mà chạnh lòng.

Vợ thì ốm đau dặt dẹo, con còn nhỏ, nhà nghèo đến nước sạch cũng không có mà dùng, hũ gạo cạn queo.

Chưa nói chuyện vội, tôi lục túi đi mua nước sạch cho gia đình rồi mới thuyết phục người vợ, phân tích điều hơn lẽ thiệt cho người này nghe rồi chở chị lên công an thăm chồng” - ông kể.

Khi đưa người vợ đến nơi, ông bảo anh em ra ngoài để họ nói chuyện. Sau đó, khi chị vợ mở cửa, nghi can nói với ông: “Em có đi tù, anh thi thoảng qua ngó vợ con giùm em!” rồi người này khai nhận toàn bộ vụ trộm, chỉ nơi cất giấu tang vật…

“Vụ án khép lại nhưng tôi vẫn cảm giác buồn buồn vì hoàn cảnh khốn khó của gia đình nghi can” - ông thở dài, nói.

Theo trinh sát Lê Thanh Vủ, Trung tá Nhất từng là một chiến sĩ săn bắt cướp Đội Cảnh sát hình sự huyện Bình Chánh và ông thấm những vất vả của lính đặc nhiệm…

Vì thế anh em trong đội đặc nhiệm luôn kính trọng vị đội trưởng của mình không chỉ vì thâm niên, kinh nghiệm trong nghề mà còn vì ông sống có tâm, nghĩa tình…

Năm 1986, khi còn là CSGT huyện Bình Chánh, khi đi tuần tra trở về, ông thấy cả đội xôn xao, người dân đứng xúm đen quanh trụ sở công an nhìn một thanh niên ngồi vắt vẻo trên lầu ba, không ai dám tới gần.

Trung tá Mai Thống Nhất khi còn là chiến sĩ săn bắt cướp huyện Bình Chánh

Trước đó, nam thanh niên trên cướp giật, bị cảnh sát hình sự bắt, còng tay đưa về trụ sở nhưng không hiểu sao người này phá được còng, chạy lên tầng ba dọa tự tử nếu ai tới gần. Liên quan đến tính mạng con người nên không ai dám liều.

Sau khi xem xét, ông Nhất phát hiện lầu bốn cách nơi người thanh niên ngồi chừng 3 m, có thể nhảy từ lầu này xuống khống chế.

Sau khi trao đổi, xin ý kiến lãnh đạo, ông chạy lên lầu bốn, bay người xuống tung đòn xô ngã người đòi nhảy lầu vào trong.

"Hồi trẻ còn sức, giờ mà tung mình như thế, có khi… đi luôn" - Trung tá Nhất tếu táo.

Năm 1987 cướp giật hoành hành, ông là một trong bốn trinh sát đầu tiên của huyện Bình Chánh tham gia vào lực lượng săn bắt cướp huyền thoại…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại