Theo khảo sát của người viết, mức đổi tiền lẻ tại chợ đen năm nay cao hơn năm ngoái khá nhiều, mỗi nơi áp dụng mức giá khác nhau. Mệnh giá càng nhỏ, mức phí phần trăm càng cao. Ví như tiền mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng,... có phí đổi từ 5%-7% tùy tổng số tiền đổi, còn những tờ tiền có mệnh giá dưới 5.000 đồng có mức phí đổi cao hơn nhiều.
Trong đó, những tờ tiền 500 đồng được rất nhiều người quan tâm hỏi đổi, mức phí để đổi tờ tiền mệnh giá này cũng rất cao, hiện phổ biến vào khoảng 70-100% và có thể cao hơn nữa trong thời gian tới. Tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng có mức phí 20-30% tổng giá trị số tiền đổi. Tiền mệnh giá nhỏ được người dân đổi để phục vụ đi lễ đầu năm.
Hoạt động đối tiền lẻ không chỉ diễn ra sôi nổi ở những khu vực cố định quen thuộc từ bao năm nay như phố Nguyễn Xí, Hà Trung, Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng,... mà trên các trang web trực tuyến, mạng xã hội cũng hấp dẫn không kém. Các chủ đổi tiền lẻ trên mạng hồ hởi tư vấn, trả giá nhiệt tình và sẵn sàng "ship" tiền đến tận nơi cho khách đổi.
Có một nghịch lý là, trong khi đổi tiền tại ngân hàng không phải mất phí theo quy tắc ngang giá, thế nhưng theo quan sát thì nhu cầu đổi tiền lẻ vẫn rất lớn và mặc dù phải chịu mức rất cao, nhiều người vẫn chấp nhận đổi tiền trên thị trường chợ đen.
Trao đối với người viết, chị Nguyễn T.Th – giao dịch viên của một chi nhánh Ngân hàng ở Q. Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, từ cách đây mấy tuần đã có nhiều người hỏi đổi tiền lẻ nhưng không được.
Dù các ngân hàng có cho đổi tiền lẻ không thu phí, tuy nhiên, do nguồn tiền lẻ chuẩn bị cũng có hạn, thường ngân hàng chỉ ưu tiên đổi tiền cho các khách hàng VIP, khách hàng thân quen.
Trong khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch thì liên tục kêu không đủ tiền lẻ để đổi cho khách hàng thì giao dịch đổi tiền lẻ trên thị trường chợ đen vẫn rất sôi nổi. Vậy lượng tiền lẻ trên thị trường chợ đen là từ đâu tới mà vừa mới, nguyên seri, nguyên thếp, nguyên cọc và nhiều như vậy?
Theo tìm hiểu, nhiều năm qua vẫn có hiện tượng nhân viên ngân hàng khi được ưu tiên có suất đổi tiền lẻ nhưng không dùng tất cả để đổi tiền cho các khách hàng mà tuồn phần nào đó ra ngoài thị trường trợ đen để ăn chênh lệch.
Liên hệ với một đầu mối đổi tiền lẻ trên thị trường chợ đen, khi bị nghi ngờ nhiều tiền lẻ còn mới và nguyên seri như vậy liệu có phải là tiền giả hay không, người này liền quả quyết: “Tiền chắc chắn là tiền thật vì có người thân làm trong ngân hàng nên có được nguồn tiền lẻ mới như vậy”. Có người còn mang cọc tiền còn nguyên niêm phong để giới thiệu chào mời.
Nhu cầu tiền lẻ để phục vụ cho văn hóa lì xì ngày tết là thực sự có, tuy nhiên với mức sống như hiện nay, số tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng đã ít được dùng cho việc lì xì đầu năm. Do đó, có thể thấy nhu cầu đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ như 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng trên thị trường hiện đang chủ yếu phục vụ cho việc đi lễ chùa, lễ hội đầu năm.
Việc đặt tiền hay đi công đức khi đi lễ hội là một nét văn hóa lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, văn hóa này đang bị biến tướng thành hành động "rải" tiền lẻ ở mọi nơi trong khuôn viên di tích. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn làm ảnh hưởng tới hình ảnh đồng tiền và văn hóa của Việt Nam.
Chủ trương của NHNN trong việc hạn chế in tiền mới mệnh giá nhỏ những năm gần đây là điều dễ hiểu nhằm chấn chỉnh những tình trạng trên, tuy nhiên, cũng chính điều này làm cho tiền lẻ ngày càng khan hiếm, người kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ trên thị trường chợ đen lại được cơ hội hét mức phí cao.
Theo Chỉ thị số 48/CT-TTg mới đây, Thủ tướng đã giao cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết, đảm bảo an ninh, an toàn kho quỹ, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, những trường hợp đổi tiền lẻ trái phép, có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20-40 triệu đồng.