Đổi tiền lấy quốc tịch thứ 2 - Mốt mới của giới siêu giàu

An Sa |

Một tấm hộ chiếu thứ 2 được coi là biểu tượng của sự vương giả và đẳng cấp thượng lưu.

Khi Younghee Wait - một công dân Mỹ sống tại New York - đưa cả gia đình đến Malta, họ đã thực sự bị vẻ đẹp và văn hóa của quần đảo Mediteranean làm cho say đắm. “Gia đình tôi yêu thích tất cả những gì thuộc về Malta”, cô nói.

Đối với với họ, chuyến đi này còn hơn cả một kỳ nghỉ, bởi đó là bước đệm để trở thành công dân Malta, có thể sống và làm việc ở mọi nơi thuộc EU.

Wait chỉ là một ví dụ đại diện cho tầng lớp “công dân kinh tế” mới nổi và đang gia tăng một cách nhanh chóng trên toàn cầu. Có thời điểm, chiếc hộ chiếu thứ 2 giống như một vali tiền, tấm giấy thông hành của những kẻ gián điệp. Hiện nay, theo IMF, hộ chiếu thứ 2 đang ngày càng phổ biến.

Phía này cho biết, số lượng chương trình công dân kinh tế đang tăng vọt. Những người giàu có coi việc mua quyền công dân, quyền cư trú “là một công cụ để tối thiểu hóa số thuế phải đóng, tăng cường khả năng di chuyển giữa các quốc gia và đảm bảo an ninh cho gia đình mình”.

Đối với gia đình Wait, việc mua hộ chiếu Malta sẽ không đem lại lợi ích thuế nhưng nó sẽ mở ra cánh cửa việc làm tại châu Âu.

Cô nói: “Một vài người nói bạn có thể đến mọi nơi trên thế giới với tấm hộ chiếu Mỹ, nhưng nó không giúp bạn có điều kiện sống và làm việc thoải mái ở một quốc gia khác. Nếu một ai đó ước mong được làm việc và lập gia đình ở nước ngoài, họ phải tính đến việc mua quyền công dân hoặc phấn đấu để có giấy phép hành nghề".

Trong khi Wait và chồng của cô phụ thuộc vào ngân hàng nơi họ làm việc để xin visa, cô cho rằng nhiều công ty ngày nay không hào hứng giúp nhân viên của họ làm việc ở nước ngoài.

Wait dự kiến sẽ hoàn tất việc “đầu tư để hưởng quyền công dân” trong năm nay. Cô miêu tả đó là một quá trình khắc nghiệt và tốn thời gian, nhất là công đoạn kiểm tra lý lịch.

Số tiền đầu tư cũng rất quan trọng: bạn phải nộp 650.000 EUR, kèm theo các khoản đầu tư bổ sung là tài sản, trái phiếu và những khoản đóng góp trong tương lai dành cho vợ/chồng hoặc người phụ thuộc.

Chương trình đầu tư để giành quyền công dân Malta đã gây ra nhiều tranh cãi. Trong năm 2014, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu đa số cho rằng không nên “gắn giá” vào hộ chiếu châu Âu. Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Malta đã chỉ trích cách mà chương trình công dân được cấp phép.

Tuy nhiên, những lời phàn nàn chẳng mang đến nhiều hiệu quả. Bắt đầu từ năm 2009, EU đã mở rộng chương trình miễn visa cho một số hòn đảo ở vùng Caribe. Động thái này bơm sự sống vào một trong những chương trình công dân già cỗi nhất mà St Kitts và Nevis đã áp dụng kể từ năm 1984.

Mặc dù 2 hòn đảo thuộc vùng Caribe này quá đỗi xinh đẹp với những bãi cát trắng trải dài, làn nước ấm áp và khung cảnh thiên nhiên làm say đắm lòng người, không một công dân mới nào của 2 hòn đảo này cần phải có thời gian sinh sống, thậm chí là đến đây để có thể trở thành công dân. 

Với 250.000 USD, nhà đầu tư có thể sở hữu visa tự do di chuyển đến hàng chục quốc gia chỉ sau vài tháng.

Trong năm 2013, 13% ngân sách của 2 hòn đảo này đến từ các khoản đầu tư lấy visa, tương đương với 787 triệu USD. Những quy định và gánh nặng thuế ở mức tối thiểu đã lấy lòng được những người tôn thờ chủ nghĩa tự do.

Một ví dụ điển hình là Roger Ver – một nhà đầu tư start-up liên quan đến đồng bitcoin – người thường mặc chiếc áo T-shirt có in dòng chữ “biên giới chỉ là những đường kẻ tưởng tượng”. Pavel Durov – một doanh nhân công nghệ người Nga cũng tương tự. Anh tuyên bố không thích mô hình các quốc gia.

IMF cho biết phần lớn nhu cầu cho chương trình đầu tư để có quyền công dân đến từ Trung Quốc, sau đó là Nga và Trung Đông.

Trong khi một số ý kiến cho rằng cuộc trưng cầu dân ý rời EU ở Anh không ảnh hưởng gì đến những chương trình cấp quyền công dân ở châu Âu, Nuri Katz – chủ tịch Apex Capital Partners – một tư vấn về quyền công dân nhận định việc Anh rời EU sẽ có một “ảnh hưởng to lớn” đến những chương trình cấp quyền công dân ở châu Âu – nơi vốn được biết đến là một sân sau nhanh và rẻ để nhập cư vào Anh.

Trái lại, Christian Kalin thuộc Henley & Partners – một chuyên gia tư vấn tại Jersey lập luận sự kiện Brexit sẽ có ít ảnh hưởng bởi người Anh sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ với EU như cách mà Thụy Điển và Na-uy làm.

Ông cũng cho rằng tình trạng bất ổn là tăng nhu cầu mua quyền công dân, ví dụ điển hình là cuộc khủng bố năm 2008 tại Mumbai đã khiến cho nhiều người có hộ chiếu cả Anh và Mỹ buộc phải chọn 1 quốc tịch. Một số cá nhân mua hộ chiếu thứ 2 rất thận trọng tiết lộ quốc tịch của mình trên các thủ tục phổ thông như danh sách hành khách hay thủ tục nhận phòng khách sạn.

Thuế là một động lực khác. Henley cho biết việc di chuyển đến một quốc gia có mức thuế dễ thở là một lựa chọn hấp dẫn đối với những người cảm thấy đang phải trả thuế cao và không thích nền chính trị bất hòa cùng với quyền riêng tư bị xói mòn.

Quyền cư trú (khác với quyền công dân) thường được dùng làm căn cứ nơi đóng thuế của người nắm giữ, ngoại trừ công dân Mỹ bắt buộc phải nộp thuế liên bang không kể sinh sống ở đâu. Khi có nhiều hơn 1 quốc gia có quyền đánh thuế, quyền công dân có thể sẽ là một biện pháp trọng tài hiệu quả.

Visa di chuyển tự do là một vật dụng ưa thích đối với giới siêu giàu. Ví dụ, khi một người Nam Phi muốn ăn tối ở Paris mà không muốn gặp bất cứ một trở ngại nào, họ sẽ cần một tấm visa di chuyển tự do. Về mặt tâm lý học mà nói, đối với những người sở hữu khối lượng tài sản ròng cực cao, việc hỏi một người khác để họ được đi đâu đó là một điều cực tồi tệ.

Bên cạnh đó, một tấm hộ chiếu thứ 2 còn được coi là biểu tượng của địa vị. Giống như “Hội chứng thẻ đen” ở Mỹ là loại thẻ dành cho giới siêu giàu, sở hữu một quyền công dân thứ 2 thể hiện một đẳng cấp thượng lưu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại