Nhận xét về phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-La, chuyên gia Trương Quân Xã của Sở nghiên cứu học thuật quân sự Hải quân (Trung Quốc) đánh giá những bình luận của Carter về Trung Quốc "ôn hòa hơn" so với hội nghị năm ngoái.
"Quan điểm của Ashton Carter chủ yếu là 'bổn cũ soạn lại', chỉ trích Bắc Kinh xây đảo nhân tạo (trái phép-PV) trên biển Đông và ủng hộ vụ kiện biển Đông ở Tòa trọng tài thường trực (PCA) mà Philippines là nguyên đơn chống Trung Quốc," Trương Quân Xã nói.
Ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh tăng cường các quan hệ đồng minh song phương với Nhật Bản, Philippines và Australia, và ba bên như Mỹ-Nhật-Hàn, Mỹ-Nhật-Ấn Độ...
Có mặt tại buổi phát biểu của Bộ trưởng Carter, ông Trương cho biết Washington đang lặp lại cách tiếp cận thông qua đẩy mạnh quan hệ hợp tác an ninh đa phương để củng cố địa vị bá chủ khu vực.
Các đồng minh của Mỹ đều ủng hộ quân đội Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra thể hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông.
Bộ trưởng Carter cũng đề cập, nếu Trung Quốc tiến hành xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough thì Washington sẽ coi đây là hành động thách thức và gây bất ổn.
Tuy nhiên, học giả Trung Quốc đặc biệt đánh giá tích cực khi ông Carter cho biết Mỹ "coi trọng quan hệ với Trung Quốc và muốn tăng cường hợp tác", "hai nước có nhiều lợi ích chung"...
Trương Quân Xã cho rằng, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ "nhận thức rõ vai trò quan trọng của Trung Quốc".
Bộ trưởng Ashton Carter họp báo cùng Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La ngày 4/6. (Ảnh: @PentagonPresSec/Twitter)
Carter phát biểu xong, Bắc Kinh thoát mối lo "bị bao vây"
Nhận định của ông Trương về thái độ của Mỹ qua bài phát biểu của Ashton Carter đã xoa dịu lo ngại những ngày vừa qua của Bắc Kinh về "nguy cơ" bị công kích mạnh liên quan tới vấn đề biển Đông trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La.
Thậm chí, có bình luận rằng ông Carter đã "nói hết lập trường cứng rắn" từ trước vì biết rằng cần thể hiện thái độ "hòa hoãn hơn" trong nghị trình chính thức của Shangri-La.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) nhận xét, mức độ đối đầu giữa các bên ở diễn đàn năm nay đã được kiểm soát trong giới hạn "an toàn".
Theo tờ này, Đối thoại Shangri-La năm nay "tương đối cân bằng", không bị cuốn vào một chủ đề đơn lẻ hay khiến diễn đàn trở thành "đại hội bao vây" Trung Quốc.
Việc mời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu diễn văn khai mạc tối 3/6 chính là tín hiệu giảm căng thẳng, Hoàn Cầu cho hay. Thái Lan là nước không liên quan đến các tranh chấp trên biển Đông.
Hôm 3/6, khách sạn Shangri-La ở Singapore, địa điểm tổ chức hội nghị, đã phải tăng cường lực lượng bảo vệ do giới truyền thông nóng lên bởi thông tin "Mỹ-Trung đối đầu gay gắt ở Đối thoại Shangri-La" khiến bầu không khí trở nên căng thẳng.
Đặc biệt năm nay, sự kiện quan trọng này được tổ chức trong bối cảnh vụ kiện biển Đông sắp có phán quyết từ PCA.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, trường đoàn đại biểu Trung Quốc, nói với tờ Hoàn Cầu rằng đại diện nước này tới Shangri-La 2016 "không phải để cãi nhau" hay "chỉ để bàn về vấn đề biển Đông ở một diễn đàn quốc tế hóa".