Vào lúc 19h tối 31/5, theo giờ Việt Nam, Hội nghị cấp cao An ninh châu Á (hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La) lần thứ 18 chính thức khai mạc và kéo dài đến 2/6. Đặc biệt, tại Đối thoại Shangri-La lần này, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang căng thẳng, làm dấy lên những mối lo ngại về an ninh trong khu vực thì lần đầu tiên sau 8 năm, lãnh đạo quốc phòng của cả Mỹ và Trung Quốc cùng góp mặt tại diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á tại Singapore, với những bài phát biểu được trông chờ.
Đối thoại Shangri-La lần này có 6 phiên toàn thể với các chủ đề: Tầm nhìn của Mỹ về an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; An ninh Triều Tiên: Những bước tiếp theo; Trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á và những thách thức; Trung Quốc và hợp tác an ninh quốc tế; Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh; Đảm bảo một khu vực tự cường và ổn định. Ngoài ra có 6 phiên họp đồng thời với các chủ đề liên quan đến an ninh hàng hải, phát triển công nghiệp quốc phòng, hợp tác quốc phòng. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ có bài phát biểu khai mạc vào tối nay (31/5).
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ có bài phát biểu "rất được trông chờ" tại sự kiện mà từ năm 2011 đến nay Bắc Kinh mới lại cử quan chức cấp cao như vậy tham dự. Ông Ngụy Phượng Hoà dự kiến phát biểu vào ngày 2/6, một ngày sau phát biểu của ông Patrick Shanahan, người đang tạm thời lãnh đạo Lầu Năm Góc sau khi tướng James Mattis từ chức bộ trưởng quốc phòng Mỹ hồi cuối năm 2018.
Theo tiến sĩ John Chipman, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) trụ sở tại London, đơn vị tổ chức sự kiện, Tướng Ngụy Phượng Hòa sẽ nói về vai trò của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào một thời điểm then chốt cho khu vực.
Trong khi đó, về phía Mỹ, dự kiến Quyền Bộ Quốc phòng Mỹ Shanahan sẽ trình bày về chiến lược mới với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ xác định Ấn Độ-Thái Bình Dương là ưu tiên chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh quốc gia của nước này.
Ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Quốc tế tại châu Á (IISS-Asia) - đơn vị tổ chức sự kiện cho rằng: “Bài phát biểu của Tướng Shanahan tại diễn đàn có thể cung cấp cái nhìn sâu rộng về nhìn nhận hiện nay của chính quyền Washington đối với những thách thức từ Trung Quốc, Triều Tiên cũng như một số vấn đề an ninh khu vực khác”.
Tại Đối thoại Shangri-la lần này, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan sẽ có cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Cuộc gặp giữa lãnh đạo quốc phòng hai nước sắp diễn ra vào thời điểm đang căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về thương mại và an ninh.
Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc đối thoại nhấn mạnh mối quan hệ quân sự mang tính xây dựng, hướng tới kết quả, thông qua tập trung vào duy trì đối thoại mở và rõ ràng, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng.
Theo các nhà phân tích, thông qua các bài phát biểu hay cuộc gặp song phương, việc hai quan chức lần lượt "chiếm sóng" hai ngày của sự kiện sẽ được dư luận theo dõi sát sao.
Tuy nhiên, không thực tế nếu kỳ vọng hai bên sẽ có bước đột phá vì quan điểm của hai nước khá khác biệt.
Ông Wen-Qing Ngoei, giáo sư trường Đại học công nghệ Nanyang của Singapore nhận định: “Chỉ mới đây thôi quan chức Mỹ và Trung Quốc có nói những mâu thuẫn về thương mại giữa hai nước sẽ không ảnh hưởng đến cuộc đối thoại quốc phòng.
Nhưng tôi nghĩ rằng, hai lĩnh vực này không tách biệt dễ dàng bởi với những căng thẳng xuất phát từ các tranh chấp thương mại sẽ tràn vào các cuộc đàm phán về quốc phòng tại Đối thoại Shangri-la lần này".
Về phía Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 tại Singapore. Tham dự đối thoại lần này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Phiên toàn thể thứ năm, diễn ra ngày 2/6, với chủ đề “Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh”.
Sự tham dự của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và đoàn đại biểu quân sự cấp cao tại đối thoại lần này khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung./.