Tờ Straits Times (Singapore) cho biết tổng cộng 612 đại biểu từ các nước ASEAN, châu Á, châu Âu, Trung Quốc và Mỹ sẽ tham dự hội nghị do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức.
Tại Đối thoại Shangri-la 2015, 26 đoàn đại biểu quân sự cấp cao các nước, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Anh, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc... đã góp mặt.
Giống như năm ngoái, Đối thoại Shangri-la 2016 dự kiến tập trung thảo luận về tình hình căng thẳng ở biển Đông.
Trong khi Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), Mỹ cũng đẩy mạnh hoạt động thực thi quyền tự do hàng hải tại vùng biển quốc tế này bằng cách điều máy bay, tàu chiến tiếp cận trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo bồi lấn phi pháp của Bắc Kinh.
Ngoài ra, phần lớn sự chú ý tại hội nghị sẽ tập trung vào Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.
Tuần trước, ông Carter cảnh báo hành động khiêu khích của Trung Quốc có thể dựng lên một “Vạn lý trường thành” khiến nước này tự cô lập mình.
Đoàn đại biểu Trung Quốc đến Singapore năm nay do Đô đốc Tôn Kiến Quốc (Sun Jianguo), Phó Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang, làm trưởng đoàn. Ông Tôn cũng tham dự Đối thoại Shangri-la hồi năm ngoái.
Một số vấn đề quan trọng khác được mổ xẻ tại diễn đàn là chống khủng bố, đặc biệt là mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng; chương trình hạt nhân Triều Tiên; an ninh mạng; cạnh tranh quân sự ở châu Á và khủng hoảng di cư.
Straits Times cho hay IISS đã mời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu mở màn.
Phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, thiếu tướng Werachon Sukondhapatipak, tiết lộ ông Prayut dự kiến nhấn mạnh sự phát triển của quân đội là yếu tố quan trọng thúc đẩy an ninh trong khu vực.