Thiếu công bằng thể thao
Sau khi Triều Tiên và Hàn Quốc đồng ý cùng nhau lập 1 đội nữ vận động viên (VĐV) khúc côn cầu để thi đấu trong kì Olympic tổ chức vào tháng 2 sắp tới, người dân Hàn Quốc đã thể hiện những cảm xúc khá trái chiều.
Không phải người Hàn Quốc nào cũng hân hoan đón nhận tin này. Một vài người bày tỏ phản đối trước sự có mặt của người Triều Tiên tại kì Olympic, dù việc này giúp đảm bảo Bình Nhưỡng sẽ không có động thái thử vũ khí hay hành động khiêu khích nào làm ảnh hưởng tới Thế vận hội.
Nhiều người dân bày tỏ sự đồng cảm với những VĐV Hàn Quốc phải bỏ lỡ cơ hội thi đấu để nhường cho các VĐV Triều Tiên – những người được xem là thiếu kinh nghiệm và kĩ năng hơn.
Dù Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã chấp nhận mở rộng danh sách nhóm VĐV lên 35 thay vì 22 người, nhưng số VĐV tham gia từng trận đấu vẫn được giữ nguyên, và 3 người trong số đó phải là VĐV Triều Tiên.
Nữ trưởng đoàn tiền trạm Triều Tiên Hyon Song-wol tới Hàn Quốc hôm 21/1. Ảnh: AP
Sarah Murray, huấn luyện viên người Canada của đội tuyển Hàn Quốc, đã bày tỏ quan ngại về mức độ gắn kết của đội.
"Thêm người vào đội ngay sát kì Olympic là khá rủi ro bởi các cô gái [nữ VĐV Hàn Quốc] đã thi đấu cùng nhau trong một thời gian dài," cô Murray nói.
Choi Hyuk, một nhân viên văn phòng 40 tuổi, chỉ trích chính phủ Hàn Quốc vì không trao đổi, bàn bạc đủ với các VĐV và chính trị hóa thể thao một cách vô lí.
Ông Choi hướng lời chỉ trích tới Thủ tướng Lee Nak-yon, người đã buộc phải xin lỗi sau khi biện luận cho quyết định của chính phủ rằng "đằng nào đội khúc côn cầu nữ của Hàn Quốc cũng không đủ khả năng giành được huy chương".
Theo ông Choi, từ trước tới nay Hàn Quốc luôn đề cao thể thao. Nước này đã có hệ thống thưởng VĐV đoạt giải Olympic như trả lương cả đời hay miễn nghĩa vụ quân sự vốn là hình thức bắt buộc với tất cả nam giới đủ sức khỏe ở Hàn Quốc.
Hàn Quốc và Triều Tiên diễu hành dưới cùng 1 lá cờ thống nhất tại Olympic Sydney năm 2000. Nguồn: Youtube
"Chẳng phải hài hước sao khi chính quốc gia này lại yêu cầu các VĐV của mình từ bỏ cơ hội tham gia kì thể thao quan trọng hay chấp nhận những thay đổi khiến họ ít có khả năng chiến thắng hơn?"
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in luôn xem đại hội thể thao này là cơ hội để cải thiện quan hệ sau một năm căng thẳng với chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Ông tin rằng thời điểm đội VĐV liên Triều ra sân thi đấu sẽ là "khoảnh khắc lịch sử quan trọng", bên cạnh những động thái hòa giải khác như diễu hành chung dưới lá cờ "thống nhất" màu trắng xanh trong lễ khai mạc ngày 9/2 tới hay các cuộc biểu diễn nghệ thuật của đoàn Triều Tiên.
Ý kiến của người dân Hàn Quốc
Kim Hye-jin, một giảng viên thanh nhạc 39 tuổi, nhận định Hàn Quốc đang sử dụng một "giải pháp lỗi thời" trong vấn đề bán đảo. Theo cô Kim, các nỗ lực thành lập đội VĐV liên Triều hay diễu hành dưới chung một màu cờ chưa bao giờ mở đường cho nỗ lực gắn kết bền vững, có ý nghĩa.
"Hàn Quốc đang làm những điều vô nghĩa và Triều Tiên không phải là một đất nước dễ dàng thay đổi đến vậy," cô Kim trả lời AP.
Giảng viên Kim Hye-jin cho rằng Hàn Quốc đang sử dụng "giải pháp lỗi thời" trong vấn đề Triều Tiên. Ảnh: AP
Heo Doo-won, một giáo viên 40 tuổi, cho biết ông không quan tâm tới chuyện hòa giải bán đảo.
Ông Heo Doo-won đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta phải làm việc này? Rõ ràng Hàn Quốc và Triều Tiên là 2 quốc gia khác biệt và nên để mọi sự như vậy. Tôi không muốn một đội thể thao liên Triều hay một lá cờ thống nhất. Chẳng phải cứ để Triều Tiên tự diễu hành dưới quốc kì của họ thì tốt hơn sao?"
Oh Ju-yeon, một nội trợ người Hàn Quốc, chia sẻ: "Nhìn VĐV hai nước diễu hành dưới chung một lá cờ sẽ gợi dậy nhiều cảm xúc cho nhân dân hai nước. Tuy vậy, sau Thế vận hội, có thể nhiều người sẽ cảm thấy cay đắng khi nhận ra mọi việc sẽ ‘đâu lại hoàn đấy’".
Cô Oh Ju-yeon chia sẻ quan điểm về sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội. Ảnh: AP
Theo báo cáo của Gallup Korea – công ty nghiên cứu nổi tiếng của Hàn Quốc, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in đã xuống dưới 70% lần đầu tiên trong 4 tháng gần đây sau quyết định tạo lập đội khúc côn cầu chung của hai nước.
Nhiều người Hàn Quốc tin rằng chính phủ đã đi quá xa trong việc đẩy các VĐV vào "bàn cờ chính trị" và lo ngại sự hòa dịu tạm thời này sẽ kết thúc ngay khi Thế vận hội bế mạc.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng chính quyền ông Moon đã hành động đúng khi tận dụng cơ hội để liên lạc lại với Triều Tiên sau gần 2 năm cắt đứt quan hệ. Sự hòa hợp giữa 2 miền bán đảo là mục tiêu quan trọng trong chính sách của ông Moon nhằm giúp Seoul dẫn đầu trong các nỗ lực quốc tế để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Mặc dù các nỗ lực trước đó vào năm 1991 hay năm 2000 đều thất bại, các động thái hòa giải mới đây được cho là rất khả quan giữa tình hình căng thẳng leo thang.
Yongchul Chung, giáo sư ngành giáo dục thể thao tại Đại học Sogang của Seoul nói: "Tạo lập một đội thể thao liên Triều có ý nghĩa rất to lớn. Rõ ràng các VĐV cũng cảm nhận được sứ mệnh lịch sử họ đang gánh vác."
Nhưng không ai có thể đảm bảo trong tương lai Triều Tiên sẽ ngừng các cuộc thử hạt nhân, tên lửa của nước này.