Hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc trích nguồn một báo cáo được gửi đến các nhà lập pháp nước này hôm 2-11 cho thấy chỉ chưa đến 59% sản phẩm kinh doanh trực tiếp năm ngoái là “hàng thật hoặc đảm bảo chất lượng”.
Trung Quốc đang nỗ lực để xóa bỏ tai tiếng liên quan đến hàng giả, hàng nhái.
Đây từ lâu đã là vấn nạn hết sức nhức nhối đối với các nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu khi nhắm đến thị trường Trung Quốc, từ nhà sản xuất điện thoại iPhone Aplle cho đến nhà phân phối hàng xa xỉ LVMH.
Công ty kinh doanh trực tuyến Alibaba của Trung Quốc đang vận động để được ra khỏi danh sách đen của Mỹ liên quan đến hàng giả.
Năm nay, công ty này đã phải chịu thêm nhiều áp lực vì bị nghi ngờ buôn bán hàng giả trên trang mua sắm của mình.
Bản báo cáo đã yêu cầu “đẩy nhanh việc ban hành quy định pháp luật về thương mại điện tử, nâng cao năng lực giám sát và làm rõ quyền lợi người tiêu dùng và trách nhiệm của người kinh doanh”.
Một cảnh sát Trung Quốc bước đi trên đống thuốc giả bị thu giữ ở Bắc Kinh (ảnh: AFP)
Báo cáo nói thêm rằng đây là những giải pháp cần thiết trước tình trạng tăng trưởng chóng mặt của hoạt động mua bán trực tuyến.
Trong năm 2014, giá trị mua bán trên mạng của Trung Quốc đã tăng đến 40% lên mức 2800 tỉ nhân dân tệ, tương đương 441,84 tỉ đô la Mỹ.
Trung Quốc muốn đẩy mạnh việc bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến khi mà thị trường ảo này vẫn còn thiếu sự đảm bảo về cách thức đòi bồi thường hoặc ràng buộc trách nhiệm của người bán hàng trên mạng.
Bản báo cáo bổ sung thêm trong năm ngoái đã có tới 77.800 lời than phiền của khách hàng đối với các đơn hàng trực tuyến. Con số này nhảy vọt đến 356,6% so với năm 2013.