Một chén rượu làm khuynh đảo binh quyền
Khi Đại Tống mới thành lập, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn cũng gặp vấn đề giống với Hán Cao Tổ Lưu Bang năm xưa: làm thế nào để các đại công thần không cậy uy mà làm ảnh hưởng đến hoàng quyền.
Kỳ thực, Triệu Khuông Dẫn không có đầu óc đa mưu túc trí như Lưu Bang. Vị Hoàng đế khai quốc của Tống triều này lúc đầu vẫn giao binh quyền cho các võ tướng, tin tưởng vào thứ gọi là tình nghĩa huynh đệ vào sinh ra tử.
Kế sách “dùng rượu tước binh quyền” được khởi xướng từ Triệu Phổ. Vị quân sư “đọc nửa bộ Luận ngữ có thể cai trị thiên hạ” này đã không ít lần nhắc nhở Tống Thái Tổ đề phòng những vị tướng quân có địa vị cao, lại nắm trong tay nhiều binh quyền.
“Đoạt lại quyền lực, áp chế bằng lương bổng, thu hồi binh quyền” – đây chính là một trong 12 đạo trị quân mà Triệu Phổ dâng lên Hoàng đế.
Những điều này cũng không phải là dự kiến riêng của Triệu Phổ. Trên thực tế, việc quân phiệt nổi dậy cướp ngôi Hoàng đế đã là “chuyện cơm bữa” từ thời Ngũ Đại. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Triệu Khuông Dẫn đau đầu lo lắng.
Một minh chứng đáng sợ hơn nữa được Tống Thái Tổ nghiệm ra chính từ bản thân mình: năm xưa ông có được hoàng quyền cũng nhờ soán ngôi của tiểu Hoàng đế Hậu Chu khi đó mới 7, 8 tuổi – Sài Tông Huấn.
Ngươi đã cướp đoạt thiên hạ của người khác, sao dám chắc chắn người khác sẽ không đoạt lại thiên hạ từ tay ngươi? Đạo lý đơn giản này, Triệu Khuông Dẫn thấu hiểu hơn ai hết.
"Dùng rượu thu lại binh quyền" của Tống Thái Tổ trở thành kế sách nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Dựa theo tình hình thực tế lúc bấy giờ, mối đe dọa chủ yếu đến từ hai nhóm người trong triều.
Một là Tiết độ sứ – những kẻ có thế lực, lại nắm trong tay quyền tự quyết.
Hai là những người nắm trong tay quyền thống lĩnh binh lực, cũng là các bằng hữu đã từng vào sinh ra tử cùng Triệu Khuông Dẫn – Điện tiền đô điểm kiểm. Điện tiền đô điểm kiểm là chức danh có từ thời Hoàng đế Hậu Chu – Sài Vinh.
Xưa nay, thân quân, cấm vệ là những lực lượng tồn tại trong các triều đại, phụ trách phòng thủ cho kinh sư, bảo vệ cung đình, đương nhiên mục đích cuối cùng chính là “hộ mạng” cho Thiên tử.
Tuy nhiên Chu Thế Tông khi đó cảm thấy đội quân này chưa đủ sức mạnh để đảm bảo triều đình không bị xâm phạm, liền tiến hành chiêu mộ thêm binh sĩ để xây dựng một đội quân đặc thù.
Có người nói rằng, tiêu chuẩn chiêu mộ của Hoàng đế khi ấy chỉ dành cho những “kẻ cướp” (nghĩa là chỉ cần có thân thủ lợi hại, bất chấp thân phận trước đó là sơn tặc hay thổ phỉ).
Lực lượng này trải qua huấn luyện khắc nghiệt, sau lại tuyển chọn ra những thành phần tinh anh, đảm nhiệm chức vụ “điện tiền thị vệ”. Thủ lĩnh của đội quân này chính là “Điện tiền đô điểm kiểm”.
Đội quân vũ trang đặc thù này được trang bị đầy đủ, lại có địa vị cao hơn cả đội thân quân cấm vệ, nên quyền lực của người chỉ huy đương nhiên vô cùng lớn.
Trước cuộc binh biến Trần Kiều, Triệu Khuông Dẫn cũng nhờ đảm nhiệm chức vị này mới có thể khởi binh đoạt quyền từ tay nhà Hậu Chu.
Khác với “Điện tiền đô điểm kiểm”, Tiết độ sứ lại là chức quan không còn xa lạ. Chức vị này có từ thời nhà Đường, vốn là những người thay Thiên tử đóng giữ ở các phiên trấn.
Tuy nhiên sau đó, những kẻ này lại coi đây là đất của mình, thấy bản thân được hành sự tùy ý, liền nuôi mộng làm Hoàng đế.
Chính vì các cuộc khởi nghĩa của các Tiết độ sứ mà Đường triều sau này lâm vào tình trạng “chủ nhược thần cường” (vua không mạnh bằng thần tử).
Những minh chứng lịch sử không thể chối cãi trên đã thức tỉnh Triệu Khuông Dẫn, nhắc nhở ông cần nghiêm túc đề phòng hai loại người kể trên.
Chiêu bài “dùng rượu tước binh quyền” được hậu thế lưu truyền lại có nhiều phần hư cấu. Dân gian cho rằng, Triệu Khuông Dẫn quá cao tay, dùng một chiêu này để thu lại binh quyền, vừa tài tình khéo léo, lại không mất nhiều công sức.
Kỳ thực, Tống Thái Tổ năm xưa đã phải tốn rất nhiều mưu trí và tài lực cho kế sách này, chứ không chỉ dựa vào mấy chén rượu mà làm nên đại sự.
Trên bàn tiệc rượu năm đó, để đổi lại binh quyền, Tống Thái Tổ đã đưa ra ba điều cam kết với các tướng sĩ:
Một là cấp ruộng lớn đất tốt, lại xây trang viên, phủ đệ xa hoa.
Hai là ban thưởng nhiều mỹ nữ trẻ đẹp.
Ba là cho những người này được kết thông gia với hoàng tộc.
Như vậy, Triệu Khuông Dẫn không chỉ tốn rượu, mà còn phải hy sinh quyền lợi của bản thân, phải đem gia quyến nhà mình đổi với binh quyền, xã tắc.
Thu về vạn bạc cũng nhờ...rượu!
Sau khi kế sách này thành công, triều đình dần ổn định, Tống Thái Tổ lại bất bình trong lòng.
Thiên hạ vốn là của họ Triệu, sao trẫm lại phải nghiễm nhiên dâng tặng cho thần tử từ ruộng lớn, nhà tốt cho tới mỹ nữ, con cái? Lẽ nào ngồi trên long ỷ, binh quyền lại không danh chính ngôn thuận thuộc về mình hay sao?
Nghĩ vậy, Tống Thái Tổ lại tự tay đạo diễn một màn kịch đặc sắc hơn để “đòi lại” những gì đã mất về tay mình.
Chiêu kế này càng làm cho người ta tán dương, được gọi là “quán túy đào ngân tử” (quá chén lấy lại bạc).
Một chén rượu vừa có thể thu lại binh quyền, vùa thu về cho vị Hoàng đế này...vạn bạc!
Cuốn “Trí nang” của Phùng Mộng Long từng ghi chép đôi điều về chiêu thức “đòi bạc” có một không hai của vị vua này.
“Thái Tổ dùng rượu thu lại binh quyền của chư tướng, nhưng trong lòng lại buồn lo vô kể. Trao thưởng đất tốt, nhà đẹp cho những người này đã hao tổn mất mấy vạn.
Sau lại bày ra tiệc rượu, mời chư tướng đến. Sau khi họ uống say, Hoàng đế gọi con em của những người này tới đưa về.
Thái Tổ khi ấy tiễn ra đến của điện, liền thong thả mà nói: “Phụ thân các ngươi đều ai nấy đều bằng lòng quyên góp cho triều đình mỗi người 10 vạn xâu tiền.”
Khi tỉnh rượu, các tướng thấy mình đã ở nhà, liền hỏi gia quyến xem mình đã về thế nào, có làm điều gì thất lễ với Hoàng thượng hay không?
Khi con em nhắc tới chuyện quyên tiền, họ mới ngờ ngợ, không nhớ mình có hứa hay không. Nhưng hôm sau đó, các tướng lĩnh đã uống say hôm qua ai nấy đều răm rắp đem 10 vạn xâu tiền đi nộp cho triều đình.”
Trên thực tế, các tướng lĩnh trong lúc uống say nào nhớ được mình đã hứa những gì, mà chỉ lo lắng bản thân có ăn nói hàm hồ hay thất lễ trước mặt Thánh thượng.
Đối với việc quyên tiền, nếu quả thật đã hứa mà không làm thì không đáng mặt quân tử, lại bị khép vào tội khi quân. Hơn nữa, họ cũng không thể tìm đến Hoàng đế để ba mặt một lời đối chứng.
Chư tướng khi ấy không còn cách nào khác, đành phải gom góp gia sản, mượn tiền, bán đất, bán nhà, sau đó ngậm ngùi dâng số tiền “không biết từ đâu mà có” ấy lên triều đình.
Thu hồi binh quyền bằng rượu, thu về vạn bạc cũng bằng rượu. Kế sách cao tay này của Tống Thái Tổ đã khiến vụ “buôn bán quyền lực” của vị Hoàng đế này thắng lớn!