Thảm kịch "máu chảy đầu rơi" chấn động Minh triều: Chỉ vì lỡ lời

Trần Quỳnh |

Là một trong những vị vua có xuất thân khiêm nhường nhất trong lịch sử Trung Hoa, quá khứ bần hàn đã trở thành “cái gai” trong lòng Hoàng đế khai quốc Minh triều Chu Nguyên Chương.

Chu Nguyên Chương sinh ra trong một gia đình bần nông, cha mẹ đều là nông dân nghèo. Vì gia cảnh khốn khó, thôn làng lại bị bệnh dịch, hạn hán tấn công, ông từng phải cạo đầu, đi tu, tá túc trong chùa cho qua nạn đói kém.

Do hoàn cảnh xô đẩy, ông phải rời chùa đi ăn mày trong 3 năm. Sau đó, Chu Nguyên Chương lại tiếp tục trở về làm hòa thượng cho đến ngày khởi nghĩa chống lại Nguyên triều.

Kể từ khi Minh Thái Tổ đăng cơ, chuyện quá khứ bần hàn của ông đã trở thành chủ đề cấm kỵ đối với quan quân và bách tính Minh triều.


Mặc dù là một người anh hùng áo vải, nhưng tới lúc lên ngôi, Chu Nguyên Chương rất bận lòng với xuất thân và quá khứ bần hàn của mình. (Ảnh minh họa).

Mặc dù là một người anh hùng áo vải, nhưng tới lúc lên ngôi, Chu Nguyên Chương rất bận lòng với xuất thân và quá khứ bần hàn của mình. (Ảnh minh họa).

Do xuất thân liên quan đến hòa thượng, ăn mày, vị Hoàng đế họ Chu này vô cùng kiêng kỵ các chữ “quang” (nhẵn bóng), “thốc” (trọc), “tăng” (nhà sư), “tắc” (phát âm gần giống “tặc” – kẻ trộm).

Xuất phát từ tâm lý mặc cảm và lòng nghi ngờ của mình, Minh Thái Tổ đã âm thầm đặt ra “luật rừng” – ngầm yêu cầu các đại thần không được phép sử dụng những chữ trên.

Đây chính là nguyên nhân gây nên một loạt các thảm án liên quan tới chữ nghĩa vào đầu thời nhà Minh, được sử cũ gọi là “án văn tự”.

Vào thời nhà Minh, những người liên quan tới “án văn tự” đều bị đưa vào “chiếu ngục”, xếp vào hàng trọng tội, bị cẩm y vệ đích thân thẩm vấn, tra xét và do Hoàng đế tự tay ban án tử.

Trong những năm Chu Nguyên Chương tại vị, có vô số người đã rơi đầu vì vô tình vi phạm “luật rừng” của Hoàng đế.

Sử cũ có ghi: Lý Sĩ Lỗ trong lúc can gián Thái Tổ có nhắc tới một chữ “tăng”, liền bị Chu Nguyên Chương sai võ sĩ đánh chết ngay trên thềm điện chầu.

Giáo thụ Hàng Châu là Từ Nhất Quỳ vì muốn nịnh bợ Hoàng đế mà viết bài tấu chúc mừng, trong đó có câu: “Quang thiên chi hạ, thiên sinh thánh nhân, vi thế tác tắc" (Dưới trời sáng láng, trời sinh thánh nhân, làm khuôn phép cho đời).

Chu Nguyên Chương đọc xong, cho rằng Từ Nhất Quỳ nhắc tới chữ “quang” (trọc đầu) và chữ “tắc” (phát âm gần giống chữ “tặc” – kẻ trộm), vô cùng giận dữ, xử chết không thương tiếc.


Luật rừng của Hoàng đế Chu Nguyên Chương là nguyên nhân dẫn đến nhiều thảm cảnh đầu rơi máu chảy. (Ảnh: nguồn internet).

"Luật rừng" của Hoàng đế Chu Nguyên Chương là nguyên nhân dẫn đến nhiều thảm cảnh "đầu rơi máu chảy". (Ảnh: nguồn internet).

Năm xưa, triều đình có mời một vị cao tăng Ấn Độ tên là Thích Lai Phục tới Trung Hoa để truyền thụ Phật giáo. Lúc đầu, hòa thượng này được Chu Nguyên Chương hết mực kính trọng, ban thưởng cho vô số bổng lộc.

Tới lúc muốn hồi hương, Thích Lai Phục làm một bài thơ tạ ân dâng lên Hoàng đế. Bài thơ có câu: “thù vực cập tự tàm, vô đức tụng đạo đường”.

Câu thơ này có ý nói Thích Lai Phục xấu hổ vì mình không sinh ở Trung Hoa mà sinh ra ở dị quốc (thù vực), do đó cảm thấy bản thân không có tư cách ca ngợi Hoàng đế.

Tuy nhiên, Chu Nguyên Chương lại “đọc” ra một hàm ý khác. Minh Thái Tổ cho rằng: chữ “thù” có ý ám chỉ ông ta xuất thân khác biệt, hai chữ “vô đức” mang hàm ý châm biếm Hoàng đế là người không có phẩm chất.

Do cách nghĩ “chẳng giống ai” này, Chu Nguyên Chương trở mặt với Thích Lai Phục, lập tức ban án tử, tiễn vị cao tăng ấy “đến miền tây phương cực lạc”.


Vị Hoàng đế khai quốc của Minh triều sẵn sàng xử tử bất cứ kẻ nào đụng chạm tới xuất thân bần hàn của mình. (Ảnh minh họa).

Vị Hoàng đế khai quốc của Minh triều sẵn sàng xử tử bất cứ kẻ nào "đụng chạm" tới xuất thân bần hàn của mình. (Ảnh minh họa).

Có một ngày, anh trai của Ninh phi là Quách Đức Thành uống rượu cùng Thái Tổ. Trong lúc ngà ngà say, Đức Thành dập đầu trước nhà vua.

Bởi đình đầu của họ Quách có buộc tóc, Chu Nguyên Chương mới pha trò: “kẻ say nên đầu tóc mới ngốc nghếch thế này…”

Đúng lúc đang cao hứng, Quách Đức Thành không suy nghĩ gì nhiều mà đáp lại: “Tóc của thần vẫn còn là nhiều. Phải cạo trọc đầu mới thực sự đã đời…”

Chu Nguyên Chương nghe xong, sắc mặt không biểu lộ cảm xúc, cũng không nhắc lại. Ngày hôm sau tỉnh rượu, Quách Đức Thành biết mình đã lỡ lời. Để tránh khỏi mối họa vong mạng, ông chỉ còn cách cạo trọc đầu, giả bộ điên loạn mới thoát khỏi tay Hoàng đế.

Kỳ thực, trong số các nạn nhân của những thảm án về chữ nghĩa, có nhiều người không hề có ý châm biếm hay miệt thị Hoàng đế. Trong lòng Chu Nguyên Chương hiểu rõ điều này hơn ai hết.

Tuy nhiên, tâm thức của vị Hoàng đế này luôn mang mặc cảm về thân phận và lòng nghi ngờ đối với quần thần. Do đó, ông mới đưa ra thứ “luật rừng” như vậy để “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại