Tấn bi kịch "trời không thấu" của vị vua trứ danh Thanh triều

Trần Quỳnh |

"Lời nguyền" này đã reo rắc nỗi sợ hãi cùng tấn bi kịch cho bản thân Càn Long Hoàng đế cùng các Hoàng tử Thanh triều.

Cùng với Khang Hy đế, Càn Long là một trong hai vị Hoàng đế trường thọ nhất trong lịch sử Thanh triều. Nhưng con cái của ông lại không được hưởng phúc thọ như cha mình.

Sinh thời, Càn Long Hoàng đế có 17 người con trai, trong số đó chỉ có 10 người sống đến tuổi trưởng thành.

Từ khi lên ngôi cho tới lúc qua đời, Càn Long là một trong số những vị vua may mắn và tài năng hiếm có trong lịch sử Trung Hoa.

Cuộc đời của ông chỉ tồn tại duy nhất một bi kịch: đó là nỗi đau khi tận mắt chứng kiến các Hoàng tử của mình lần lượt qua đời, trải qua không ít thảm cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.”

“Lời nguyền” yểu mệnh khiến Càn Long sợ hãi

Theo những nguồn tư liệu lịch sử, 17 vị Hoàng tử của Càn Long theo thứ tự bao gồm:

Con trai lớn nhất là Ái Tân Giác La Vĩnh Hoàng, bệnh nặng qua đời ở tuổi 22, vào tháng 3 năm Càn Long thứ 15, được truy thụy là Định Anh thân vương.

Hoàng thứ tử Vĩnh Liễn yểu mệnh qua đời vào năm Càn Long thứ ba. Tương truyền rằng Vĩnh Liễn thông minh, hoạt bát, được Càn Long hết mực yêu quý, nhưng nhiễm bệnh qua đời khi mới 9 tuổi, được truy thụy là Đoan Tuệ Hoàng Thái tử.

Tam a ca Vĩnh Chương qua đời cùng mẹ ruột là Hoàng quý phi Tô thị vào năm Càn Long thứ 25, thọ 25 tuổi.

Tứ a ca Vĩnh Thành được chỉ định làm con thừa tự của Lý Ý thân vương Dận Đào (con trai thứ 12 của Thanh Thánh Tổ) vào năm Càn Long thứ 28. Sau khi qua đời được truy phong Lí Đoan Thân vương.

Ngũ a ca Vĩnh Kỳ mất vào năm Càn Long thứ 31.


Không ít các Hoàng tử của Càn Long đều qua đời trước tuổi thành niên. (Tranh minh họa).

Không ít các Hoàng tử của Càn Long đều qua đời trước tuổi thành niên. (Tranh minh họa).

Lục a ca Vĩnh Dung được chỉ định làm con thừa tự của Thân Tĩnh quận vương Dận Hi (con trai thứ 21 của Thanh Thánh Tổ), được phong làm Bối lặc.

Thất a ca Vĩnh Tông chết yểu vào năm Càn Long thứ 12.

Bát a ca Vĩnh Tuyền là một trong những Hoàng tử sống lâu nhất trong lịch sử Thanh triều.

Cửu a ca và Thập a ca qua đời sau khi sinh không lâu nên chưa đặt tên.

Bên cạnh Thập nhất a ca Vĩnh Tinh, Thập Tứ a ca Vĩnh Lộ, Thập Ngũ a ca Vĩnh Diễm sống đến tuổi trưởng thành, còn lại Thập Nhị a ca Vĩnh Cơ và Thập Tam a ca Vĩnh Cảnh đều không may mất sớm (năm Càn Long thứ 41), Thập lục a ca qua đời khi mới lọt lòng.

Vị Hoàng tử cuối cùng của Càn Long là Thập Thất a ca Vĩnh Lân ra đời vào năm 1766, khi vua cha đã ở tuổi 55.

Như vậy, trong số 17 Hoàng tử của Càn Long, chỉ có 10 vị a ca sống sót đến tuổi trưởng thành. Trong số này, 2 người được Hoàng đế chỉ định làm con thừa tự cho hoàng thất, 4 người qua đời trước vua cha, chỉ còn lại 4 người có khả năng được truyền ngôi.

Tấn bi kịch “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”

Khi mới kế vị, Càn Long theo tiền lệ cũ, lập con trưởng làm Thái tử. Tuy nhiên con trưởng ở đây không phải là Hoàng tử được sinh ra đầu tiên, mà là con trai lớn của Hoàng hậu.

Theo đó, con trai của Phú Sát thị (nguyên phối với Càn Long từ trước khi lên ngôi) là Ái Tân Giác La Vĩnh Liễn được lập làm Thái tử.

Tương truyền rằng Vĩnh Liễn khi đó còn nhỏ tuổi nhưng đã thông minh hơn người, được phụ hoàng hết mực yêu quý. Nhưng vào tháng 10 năm Càn Long thứ 3, Thái tử bị nhiễm phong hàn, qua đời khi mới tròn 9 tuổi.

Việc này đối với Càn Long là một đả kích quá lớn, khiến ông 5 ngày sau đó không thể thiết triều.

Sau này, trong chiếu chỉ bố cáo với thiên hạ, vị Hoàng đế này từng ngợi khen Vĩnh Liễn “thông minh, cẩn trọng, phong thái bất phàm”, cũng truy phong cho ông làm Đoan Tuệ Hoàng Thái tử.

Khi còn tại vị, bản thân vị vua này cũng nhiều lần đến điện thờ của con trai để thăm viếng. Điều này đã khẳng định Càn Long vô cùng coi trọng Vĩnh Liễn, cũng rất mực nuối tiếc, đau lòng trước số phận của vị Thái tử yểu mệnh này.

Ái Tân Giác La Vĩnh Liễn qua đời, Càn Long vẫn chiếu theo lệ cũ, định lập con trai thứ hai của Hoàng hậu là Vĩnh Tông làm Thái tử. Nhưng tiếc thay vị a ca này chưa được 2 tuổi đã nối gót anh trai buông tay trần thế.


Cuộc đời của Càn Long Hoàng đế không ít lần bị đả kích bởi tấn bi kịch người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. (Ảnh minh họa).

Cuộc đời của Càn Long Hoàng đế không ít lần bị đả kích bởi tấn bi kịch "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh". (Ảnh minh họa).

Đứng trước bi kịch này, Càn Long không còn cách nào khác, đành phải tuyển chọn con thứ để lập làm Thái tử.

Năm Càn Long thứ 13, Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu qua đời. Ái Tân Giác La Vĩnh Hoàng khi ấy là con lớn nhất đứng ra chịu tang.

Vào thời điểm nhạy cảm này, Vĩnh Hoàng cùng Tam a ca Vĩnh Chương lại có biểu hiện thiếu thương cảm, bị Càn Long chỉ trích là “không hiểu lễ tiết”.

Cứ như vậy, hai người con thứ này bị “đánh trượt” khỏi ngôi vị Thái tử. Trên thực tế, Vĩnh Hoàng khi đó vừa 20 tuổi, Vĩnh Chương mới chỉ lên 14, lại không phải con đẻ của Hoàng hậu, khó tránh khỏi có biểu cảm thiếu hiểu biết.

Càn Long thực chất là đau đớn vì thê tử qua đời, tâm trạng không có chỗ giải tỏa nên mới trút xuống hai người con này.

Sinh thời, Càn Long Hoàng đế đối với Ngũ a ca Vĩnh Kỳ hết mực yêu quý. Đáng tiếc, vị a ca này không đợi được đến ngày tấn phong đã mất sớm.

Con lớn của Càn Long là Vĩnh Hoàng kể từ sau khi bị phụ hoàng trách cứ trong lễ tang Hoàng hậu cũng u uất mà sinh bệnh qua đời.

Hai hoàng tử của Hoàng hậu đã không may yếu mệnh, con trưởng bị ép uổng tới chết, ngay tới cả con trai mình yêu quý nhất cũng mất trước cha.

Tấn bi kịch này đã tạo nên đả kích quá lớn đối với Càn Long Hoàng đế. Đứng trước nỗi đau mất con, ông đã đưa ra quyết định không lập Thái tử.

“Nước cờ” truyền ngôi không như mơ của Càn Long

Tới khi tuổi tác đã cao, Càn Long mới có ý định phá lệ, bí mật tuyển chọn người có thể kế vị. Khi đó, ông chỉ còn lại 6 vị Hoàng tử. Trong số đó, 2 người đã được cử làm con thừa tự cho Hoàng thất, chỉ còn lại 4 người có thể làm Thái tử.

Lúc này, Thập Thất a ca mới ra đời không lâu, tuổi còn quá nhỏ, không thích hợp kế vị.

Do đó, suy tính của Hoàng đế đặt cả lên người ba vị a ca, gồm có: Bát a ca Vĩnh Tuyền, Thập Nhất a ca Vĩnh Tinh và Thập Ngũ a ca Vĩnh Diễm.

Cục diện này so với thời Càn Long chưa kế vị cũng có nhiều điểm tương đồng, bởi tiên hoàng Ung Chính năm đó cũng chỉ còn lại 3 người con trai.


Việc Thập Ngũ a ca Vĩnh Diễm (Gia Khánh đế) được vua cha truyền ngôi từ lâu đã là nước cờ nằm trong suy tính của Càn Long Hoàng đế. (Tranh: nguồn internet).

Việc Thập Ngũ a ca Vĩnh Diễm (Gia Khánh đế) được vua cha truyền ngôi từ lâu đã là nước cờ nằm trong suy tính của Càn Long Hoàng đế. (Tranh: nguồn internet).

Đối với ba Hoàng tử này, Càn Long từ sớm đã có những suy tính riêng.

Bát a ca Vĩnh Tuyền thanh danh không tốt, cả ngày sa vào tửu sắc, chân lại có tật, tuổi tác cũng lớn (sinh vào năm Càn Long thứ 11). Bởi vậy, Vĩnh Tuyền ắt không có khả năng lên làm Thái tử.

Thập Nhất a ca Vĩnh Tinh là người mẫu mực, lại tài hoa. Ông từng đứng trong hàng ngũ Tứ đại thư pháp gia nổi tiếng thời bấy giờ. Mặc dù không có khuyết điểm quá lớn nào, nhưng Vĩnh Tinh lại không được vua cha yêu quý, cũng vì vậy mà vuột mất ngôi Thái tử.

Năm Càn Long thứ 30, Thập Ngũ a ca Vĩnh Diễm từng làm một bài thơ “vịnh trà Long Tĩnh” được vua cha rất mực tán thưởng. Nhưng vị a ca này cũng không thể chỉ dựa một bài thơ mà dễ dàng lên ngôi.

Bản thân Vĩnh Diễm là người hướng nội, trầm tĩnh, bản tính lại trung hậu, thật thà, coi trọng việc nhân hiếu nên luôn phục tùng vua cha một cách vô điều kiện.

Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến một người yêu quyền lực hơn sinh mệnh như Càn Long chọn người con trai không có gì nổi bật này kế vị.

Vì vậy, vào năm Càn Long thứ 38, Thập Ngũ a ca Vĩnh Diễm bí mật được chọn làm Thái tử, sau khi lên ngôi trở thành Gia Khánh Hoàng đế.

Vậy nhưng, Càn Long tính tới tính lui, cũng không lường trước được việc Gia Khánh không thừa hưởng từ ông cái “khiếu” làm vua.

Trong suốt thời gian tại vị, bản thân ông không lập được công trạng nào hiển hách. Thời đại “Khang – Càn thịnh thế” cũng chính thức bị dập tắt từ khi vị vua này kế vị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại