Từ thân phận nô lệ đến chức vị Tể tướng
Thượng Quan Uyển Nhi từng là cánh tay phải của Võ hậu. Khi Võ Tắc Thiên ở trên đỉnh cao quyền lực, Uyển Nhi thân là đương kim Tể tướng, ở ngôi vị “dưới một người, trên vạn người”.
Trong xã hội Trung Quốc thời phong kiến, với quan niệm “nam tôn nữ ti”, người phụ nữ có thể bước lên đấu trường chính trị vốn đã hiếm, người có thể nắm được quyền lực lại càng ít.
Muốn tồn tại ở chốn quan trường hiểm hóc, Uyển Nhi từ rất sớm đã biết tận dụng “vốn liếng” thiên phú của mình: tài và sắc.
Nhiều sử gia đã nhận định, Võ Tắc Thiên và Thượng Quan Uyển Nhi đều là những chính trị gia thuộc hàng xuất sắc.
Ngay từ thời thiếu nữ, bà đã bộc lộ là người có tư chất tuyệt hảo, thông minh sắc sảo, biết tiếng Nhật nên rất được Võ hậu tin dùng.
Mặt khác, nàng cũng là người “mưu sâu kế đầy”, lợi dụng vây cánh và thế lực của mình để khéo léo che giấu đi đời tư phóng đãng.
Xuất thân hèn kém
Thân là một Tể tướng đức cao vọng trọng, nhưng Thượng Quan Uyển Nhi lại có một xuất thân bần hàn cơ cực.
Ông nội bà là Thượng Quan Nghi trước kia từng bí mật theo lệnh vua thảo tấu trương nhằm phế truất Võ hậu, sau bị Võ Tắc Thiên bức chết. Năm 664, gia tộc Thượng Quan phải chịu án tru di.
Cha của Uyển Nhi cũng vì vậy mà qua đời. Khi vụ thảm sát xảy ra, Thượng Quan Uyển Nhi chỉ vừa mới chào đời. Vì muốn thoát khỏi án tử hình, mẫu thân của nàng là Trịnh thị liền xin nhập cung làm “quan nô”.
Tuy thoát được án tử hình, nhưng hoàn cảnh của hai mẹ con nàng vô cùng khổ sở. Sau này, Võ Tắc Thiên nghe danh Thượng Quan Uyển Nhi là người có học, đã quyết định cho gia tộc Thượng Quan một cơ hội để tạ tội, đồng thời vời hai mẹ con Uyển Nhi vào cung làm việc.
Thượng Quan Uyển Nhi là một phụ nữ tài sắc vẹn toàn trong lịch sử Trung Quốc.
Bước ngoặt đổi đời
Uyển Nhi từ đó được thoát khỏi thân phận nô lệ, trở thành “Tiện tịch” (chức quan lo việc soạn thảo chiếu thư trong cung). Cũng từ đó, nàng theo hầu Võ hậu, trở thành cánh tay đắc lực của vị Nữ hoàng này.
Khi ấy, Uyển Nhi chỉ mới vừa tròn 14 tuổi. Đây cũng là lúc người phụ nữ này bắt đầu tiếp xúc với chốn quan trường, lấy đó làm bước đệm để sau này thâu tóm quyền lực trong triều.
Tuy nhiên, “nghiệp quan trường” của Uyển Nhi không phải lúc nào cũng lên như diều gặp gió.
Làm bạn với vua như chơi với cọp, hơn nữa lại là một Nữ hoàng có tính cách thất thường như Võ Tắc Thiên, Uyển Nhi đã không ít lần suýt mất đầu vì không nghe lời.
Có lần, Uyển Nhi đem lòng yêu một người đàn ông được Võ Tắc Thiên sủng ái. Nữ hoàng biết chuyện, vô cùng giận dữ, sai người xăm lên mặt thuộc hạ thân cận của mình.
Đối với một phụ nữ, hình phạt này không khác gì việc hủy đi dung mạo. Tuy nhiên vết xăm hình cánh hoa mà Võ hậu thích trên trán Uyển nhi lại càng làm nàng thập phần xinh đẹp. Phụ nữ thời Đường cũng từ đó mà vẽ hoa lên trán để tô điểm dung nhan.
Nghi án tình cảm với thần thám Địch Nhân Kiệt
Sinh thời, Uyển Nhi vốn được mệnh danh là “tể tướng phong lưu”. Vậy rốt cuộc vị nữ Tể tướng của Võ hậu này “phong lưu” đến mức nào?.
Thượng Quan Uyển Nhi sở hữu một đời sống riêng tư vô cùng phức tạp. Bà từng có quan hệ với những người tình của Võ Tắc Thiên và một loạt các tình nhân nổi tiếng khác như Thôi Thực, Võ Tam Tư…
Nhiều giai thoại khác lại truyền rằng: “Đường Huyền Tông Lý Long Cơ từng ái mộ Thượng Quan Uyển Nhi, nhưng lại biết chuyện Uyển Nhi và Võ Tam Tư có gian tình, từ đó đem lòng oán hận.”
Một số câu chuyện và tác phẩm truyền hình lại gán ghép nữ Tể tướng này với Địch Nhân Kiệt. Tuy nhiên hai giả thiết này không được đánh giá cao.
Nguyên nhân là bởi các nguồn tin lịch sử đều cho thấy, Thượng Quan Uyển Nhi và Lý Long Cơ vì quyền lực mà đấu đá lẫn nhau.
Cũng vào thời đó, khi Thượng Quan Uyển Nhi 30 tuổi, Địch Nhân Kiệt đã qua tuổi thất tuần.
Dưới thời của Võ Tắc Thiên, Thượng Quan Uyển Nhi và Địch Nhân Kiệt đều là những bậc kỳ tài.
Mặc dù cùng là thân phận bề tôi dưới trướng nữ hoàng họ Võ, tuy nhiên mối quan hệ tình cảm giữa hai người này là điều khó có thể xảy ra.
Là một người tài, song cũng như Võ Tắc Thiên, Thượng Quan Uyển Nhi được ghi chép lại là một phụ nữ phóng túng trong quan hệ với người khác giới.
Đời sống riêng tư phóng đãng
Năm 16 tuổi, Thượng Quan Uyển Nhi được Hoàng tử Lý Hiển đem lòng yêu mến. Đây chính là nước cờ đầu tiên để nàng dấn thân vào chốn quan trường.
Sau khi Lý Hiển bị phế truất, Thượng Quan Uyển Nhi lại nhanh chóng ngã vào lòng Võ Tam Tư – cháu ruột Võ hậu.
Trong thời gian kề cận Võ Tam Tư, Uyển Nhi bắt đầu đi những bước đầu tiên trong bàn cờ chính trị của mình, ra sức li gián hoàng thất hai họ Võ – Lý.
Năm 705, Đường Trung Tông Lý Hiển buộc mẹ là Võ Tắc Thiên nhượng quyền. Cũng vào lúc này, Thượng Quan Uyển Nhi danh chính ngôn thuận bước vào hậu cung, được sắc phong là “Chiêu dung”.
Cuốn “Cựu Đường thư” có viết: Địa vị của Thượng Quan Uyển Nhi trong hậu cung của Trung Tông xếp sau Hoàng hậu cùng ba vị phi tử khác. Trong hàng ngũ “Cửu tần”, nàng đứng vị trí thứ hai. Đó là chưa kể Uyển Nhi vẫn giữ chức quan phụ trách Thư tịch trong Nội các.
Chưa bằng lòng với quyền lực hiện tại, Uyển Nhi liền bắt tay với Vi Hậu (hoàng hậu của Trung Tông) hòng mưu chuyện phế lập Thái tử. Sau đó, người tình một thời của Uyển Nhi là Võ Tam Tư lại có gian tình với Vi Hậu.
Đối với việc này, Đường Trung Tông Lý Hiển vì nhu nhược mà mắt nhắm mắt mở cho qua. Chuyện phóng đãng trong cung dưới thời Lý Hiển cũng từ đó mà ra.
Một trong những tình nhân nổi tiếng của Thượng Quan Uyển Nhi là Thôi Thực. Khi đó, Thôi Thực mới là thanh niên 23, 24 tuổi, dung mạo đẹp đẽ, Uyển Nhi vừa thấy liền ưng.
Khi đó Thượng Quan Uyển Nhi đã bước vào tuổi tứ tuần, so với tình nhân trẻ của mình thậm chí đã được liệt vào hàng cô, dì.
Thôi Thực nhờ Uyển Nhi mà được thăng quan tiến chức. Để “báo đáp” ơn nghĩa, Thôi liền cùng lúc dẫn ba huynh đệ của mình là Thôi Lỵ, Thôi Dịch, Thôi Địch giới thiệu cho tình nhân.
Trước sự việc này, nhà văn nổi tiếng Thanh Triều là Ngô Mai Thôn từng cảm thán: “Thê tử khởi ứng quan đại kế” (Vợ vua há lại tằng tựu với quan).
Được sủng ái nhờ có học thức
Cũng trong thời kỳ này, không chỉ có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực chính trị, Thượng Quan Uyển Nhi còn ghi dấu ấn đậm nét trên lĩnh vực văn hóa.
Dưới sự khuyến khích của nàng, trong thiên hạ rộ lên làn sóng sáng tác văn học, nhiều tao đàn với các hình thức thi thơ, đấu văn, đố chữ được mở ra, thậm chí đến ngày nay vẫn còn được lưu truyền.
Uyển Nhi cũng vì thế mà được ví như “Sao Nữ” (một ngôi sao trong Nhị thập bát tú).
Khi việc so tài văn chương trong cung thêm náo nhiệt, từ Hoàng thượng cho đến vương tôn, quan lại đều tham gia thi thơ đối chữ, Uyển Nhi vừa là người tổ chức, lại vừa làm giám khảo, nên vị thế của bà ngày càng nâng cao.
Uyển Nhi bàn riêng với Vi Hoàng hậu cùng các công chúa, tâu với Trung Tôn, xin được lập phủ đệ ở ngoài cung, để tiện cho các học sĩ lui tới bàn luận thơ văn.
Nhân việc này, những quan lại không chút phẩm hạnh cũng lợi dụng cơ hội lén lút ra vào phủ đệ, những mong được tiến dẫn, được trọng dụng.
Theo đánh giá trong cuốn “Tân Đường thư”, đám người này “Tà nhân uế phu, tranh giành đi cửa sau, tùy tiện suồng sã,…”.
Thời kỳ huy hoàng của Thượng Quan Uyển Nhi bắt đầu thoái trào khi đối thủ chính trị của nàng xuất hiện – Thái tử Lý Long Cơ.
Năm 710, Lý Long Cơ dấy lên binh biến hòng đảo chính. Cũng trong cuộc chính biến này, Thượng Quan Uyển Nhi vong mạng. Khi đó bà 47 tuổi.
Theo Qulishi - một trang web của những người nghiên cứu lịch sử của Trung Quốc: cung nữ có phẩm cấp cao thường rất ít.
Trong lịch sử Trung Hoa, cung nữ có vị trí cao nhất là Lục Đại Cơ (Lục Trinh) nhà Bắc Tề, người từng làm tới chức Thị trung quyền thế hiển hách.
Bên cạnh Lục Đại Cơ, Thượng Quan Uyển Nhi chính là một ngoại lệ hiếm hoi trong lịch sử Trung Quốc.