Tại đây, những người đàn ông Nhật có thể thoải mái "biến hình"

Thu Trang |

Onnanoko Club là một quán bar ở Nichome, Nhật Bản. Tại đây, quán chào đón khách hàng đủ mọi giới tính và khuyến khích những người đàn ông tới đây thử một lần mặc váy.

Giống như nhiều quán bar dành cho người đồng giới ở Shinjuku Nichome, khu phố dành cho dân gay ở Tokyo, Onnanoko Club (Girls’ Club: tạm dịch là CLB Bạn gái) cố gắng đem lại cho khách quen của quán một không gian ấm áp như gia đình.

Quán là nơi khách có thể thoải mái trò chuyện, dốc bầu tâm sự về những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.

Công cuộc "biến hình" để sống thật với chính mình

Nhân viên quán tươi như hoa trong những bộ cánh được lựa chọn cẩn thận, có gu cùng cách trang điểm, đầu tóc trang nhã. Chỉ có một thứ mà những “người phụ nữ” Nhật “sành điệu” này bỏ qua – đó là nghệ thuật làm móng.

Móng tay được cắt tỉa gọn gàng nhưng không sơn màu là điểm duy nhất để nhận biết bước ra khỏi quán bar, họ phải ăn mặc và xử sự theo cách xã hội mặc định một người đàn ông phải làm.

Chủ quán Kuriko, 31 tuổi, ngồi ngay ngắn trên chiếc sofa hồng với tất cả những cử chỉ, điệu bộ của một người phụ nữ trẻ tràn đầy tự tin nhưng lại giới thiệu mình dưới danh xưng của một người đàn ông.

“Ngoài xã hội, tất nhiên, tôi vẫn là một người đàn ông. Tôi chỉ hóa trang thành phụ nữ khi tới làm việc tại quán bar này. Phải đóng vai 2 người như vậy vừa mệt mỏi nhưng cũng khiến tôi hoàn toàn thỏa mãn”, cựu nhân viên bất động sản trải lòng bên tách trà.


Tại đây, những người đàn ông có thể thoải mái biến hình.

Tại đây, những người đàn ông có thể thoải mái biến hình.

Onnanoko Club không phải là một quán bar thu hút sự chú ý với những bộ trang phục sân khấu và các buổi diễn. Quán là không gian thư giãn mà sau giờ làm khách có thể tới để “biến hình”, để nuông chiều góc khuất trong tâm hồn mình.

Một góc quán bar là giá treo quần áo đủ mọi thể loại từ áo khoác nhẹ cho tới váy ren tay phồng. Những miếng dán đủ màu sắc được trang trí dọc tấm gương dài phía sau giá treo.

Trên đó, mỹ phẩm, tóc giả và các sản phẩm dưỡng da bày la liệt, sẵn sàng cho công cuộc “biến thân” của khách hàng.

Theo Kuriko, trang phục được ưa chuộng tại quán không phải là những bộ cánh màu mè mà là những bộ đồ phong cách.

“Tôi thích khách hàng mặc đồ trắng và những màu sáng sủa hơn nhưng khách có vẻ như chuộng những màu trầm hơn do ảnh hưởng từ phong cách thời trang nam mặc hàng ngày. Ít nhất úc ban đầu là vậy”, Kuriko cho biết.

Quán đón cả khách nam và khách nữ, bất kể đó là những người mới thử mặc trang phục phụ nữ, những tín đồ thời trang hay những người đơn thuần tới đây vì tò mò.

Kuriko cảm thấy thỏa mãn vì nhiều khách quen đã dần tự tin sống với chính mình hơn trước sự chứng kiến của anh.

“Có thể lần đầu tới quán họ không hề thay trang phục mà chỉ ngồi lặng im quan sát mọi người. Nhưng sau khi thử nghiệm “lên đồ”, họ nhận ra mình đẹp như thế nào và những lần tiếp theo họ sẽ tự tin bước ra khỏi vỏ ốc của mình”, chủ quán bar chia sẻ.


Tới đây, nhiều người đàn ông đã mạnh dạn sống thật với chính mình.

Tới đây, nhiều người đàn ông đã mạnh dạn sống thật với chính mình.

Đấu tranh đòi quyền công nhận giới tính thật

Bất chấp thời tiết lạnh buốt vào một đêm chủ nhật tháng 12, tiếng cười đùa và âm nhạc vẫn văng vẳng đâu đó trên đường phố Nichome. Một nhóm trai tráng ăn mặc sành điệu đang ngồi tán dóc bên ngoài một quán bar trong khi vài cặp đôi tay trong tay hạnh phúc đi qua.

"Nichome trước đây là một cộng đồng khép kín nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế những năm gần đây, các quán bar dành cho người đồng tính buộc phải mở cửa cho “người ngoài” vào để tồn tại", Kuriko giải thích.

Kuriko cho biết anh thấy vui với những gương mặt mới tới quán tuy nhiên chủ nhiều quán bar khác và khách quen lâu năm ở đó lại cảm thấy bị đe dọa. Họ mong "Nichome ngày xưa" quay trở về.

Những quán bar như vậy chỉ mở cửa với khách đã đăng kí thành viên hoặc chuyển tới khu vực khác ở Tokyo. Sự phát triển của truyền thông xã hội cũng mang lại nhiều thay đổi cho khu vực này.

"Với lượng người theo dõi khá cao trên mạng xã hội, mỗi nhân viên của tôi có thể trở thành siêu sao theo cách riêng của họ", Kuriko cho biết.

Kuriko phát hiện mình thích cả nam lẫn nữ từ hồi trung học. Chính vì vậy, anh rất ủng hộ những tiến bộ gần đây của chính quyền đối với những nhóm người có xu hướng tình dục thiểu số ở Nhật Bản.

Quyết định cho phép kết hôn đồng tính hồi tháng 3/2015 của chính quyền quận Shibuya là một minh chứng cụ thể.

"Tuy nhiên, tôi vẫn lo ngại các vấn đề liên quan tới LGBT bị truyền thông khai thác quá mức. Hơn nữa, họ lại đưa tin theo kiểu đó là một xu thế. Để cộng đồng có thể nhận thức được vấn đề một cách đúng đắn hơn thì vẫn còn cả chặng đường dài phải cố gắng", Kuriko cho biết.

Kuriko thừa nhận khả năng việc nam giới ăn mặc như phụ nữ sẽ gây bất bình trong cộng đồng người chuyển giới. Có thể họ sẽ nghĩ sở thích này làm tầm thường hóa cuộc đấu tranh đòi quyền công nhận giới tính thật của mình.

"Đa số đàn ông giả trang nữ giới đều cực kỳ tôn trọng những người phụ nữ chuyển giới và công nhận sự khác biệt giữa hai bên", Kuriko nói.

"Đó là một trong những lý do quan trọng khiến chúng tôi không được phép cư xử không đứng đắn, gây ra những cái nhìn tiêu cực khi đang trong vai một người phụ nữ".

"Chúng tôi không muốn làm tổn thương ai, còn tôi thực sự nghĩ rằng ăn mặc như thế chẳng có hại gì, ngược lại, chỉ có lợi", anh nhận định.

Theo Kuriko, ăn mặc như phụ nữ là điều cần thiết để tạo ra sự đồng cảm giữa các giới trong xã hội mà nhiều phụ nữ cảm thấy áp lực khi phải đắp cả tấn đồ trang điểm lên mặt chỉ để đi chợ hoặc siêu thị.

"Đây không phải là việc mà mỗi người đàn ông khi mặc trang phục phụ nữ phát hiện ra mình thích nó, mà theo ý tôi, họ sẽ hiểu và thông cảm được cho phụ nữ qua trải nghiệm này", Kuriko nói.

Đàn ông sẽ có cái nhìn khác về nỗ lực không ngừng nghỉ để duy trì vẻ bề ngoài xinh đẹp theo kỳ vọng của người khác giới.

"Một khi đã trải qua cảm giác khó chịu vì phải đứng lâu trên một đôi giày cao gót, người đàn ông đó sẽ biết mình không nên đưa người phụ nữ đang lênh khênh trên đôi giày cao gót tới chỗ cô ấy sẽ phải đứng lâu.

Nếu phụ nữ họ có đến trễ một chút, anh ta cũng biết mình nên kiên nhẫn chờ đợi và sẽ hiểu được họ đã mất nhiều thời gian trang điểm để khiến mình đẹp hơn", Kuriko giải thích.

Tuy nhiên, Reiki, 24 tuổi, một nhân viên của Onnanoko Club lại không đồng tình với suy nghĩ của Kuriko.

"Ăn mặc như phụ nữ sẽ giúp đàn ông hiểu được sự phiền toái của phụ nữ khi phải duy trì vẻ ngoài nữ tính, xinh đẹp nhưng những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt trong cuộc sống không phải chỉ có vậy", Reiko lên tiếng.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại