Bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng người Ý Sergio Canavero sẽ phụ trách ca đại phẫu mang tính lịch sử này.
Ông Sergio vốn là một thiên tài y khoa thường có những ý tưởng điên rồ gây tranh cãi, và ca phẫu thuật này cũng không phải là ngoại lệ. Ông bị rất nhiều người gọi là bác sĩ Frankenstein hiện đại.
Bản thân anh Valery Spiridonov, 30 tuổi, cũng là một người khuyết tật, anh bị mắc chứng bệnh co cơ Werdnig-Hoffman hiếm gặp nên bị liệt toàn thân, cuộc sống của Valery gắn liền với chiếc xe lăn trong hơn 20 năm nay.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, Valery cho biết anh vừa phấn khích vừa sợ hãi trước khi ca đại phẫu diễn ra, nhưng anh sẵn sàng đánh đổi để có cơ hội sống trong một cơ thể khỏe mạnh.
"Tôi không có nhiều lựa chọn, đây là cơ hội hiếm, rất hiếm đối với tôi" - Valery chia sẻ.
Để chuẩn bị cho ca phẫu thuật có thể sẽ ghi tên mình vào sử sách, bác sĩ Canavero đã tập trung nghiên cứu không ngừng nghỉ 2 năm trở lại đây, ca phẫu thuật dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2016 nhưng ông chưa tiết lộ thời gian cụ thể.
Trong buổi phỏng vấn với CNN, bác sĩ Canavero nói rằng đầu của Valery sẽ được cấy sang cơ thể của một người bị hôn mê sâu và không có khả năng hồi tỉnh.
Cả bệnh nhân và người hiến xác đều bị cắt rời đầu ra khỏi thân trong cùng thời điểm.
Đầu của bệnh nhân sẽ được cấy ghép vào thân của người hiến xác bằng một loại chất giống keo có tên là polyethylene glycol. Loại hợp chất này có tác dụng gắn liền phần cột sống bị tách rời.
Sau khi giai đoạn ghép nối thành công, bác sĩ tiếp tục khâu cơ và các mạch máu của bệnh nhân lại. Để phần đầu và phần thân có thể dính liền lành lặn, bệnh nhân sẽ phải nằm hôn mê bất động trong 4 tuần sau đó.
Khi tỉnh dậy, bệnh nhân vẫn phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều mạnh để ngăn chặn tình trạng cơ thể đào thải phần đầu được cấy ghép.
Phẫu thuật ghép đầu chưa từng được thử nghiệm trước đây, nhưng ông Canavaro cho biết, công nghệ y khoa hiện nay đã đủ để thực hiện điều vĩ đại nhưng cũng đầy điên rồ này.
Theo dự kiến, bác sĩ Canavero và ekip gồm 150 bác sĩ sẽ mất 36 tiếng đồng hồ để hoàn thành ca đại phẫu và tổng chi phí sẽ lên đến 11 triệu USD (237 tỷ đồng).
Ca phẫu thuật ghép đầu đầu tiên được tiến hành năm 1970 trên một chú khỉ, vì bác sĩ phẫu thuật không ghép tủy sống nên chú khỉ không cử động được, nó sống được 9 ngày thì qua đời do hệ thống miễn dịch của cơ thể không chấp nhận cái đầu được cấy.