Chữ “trinh” trong “trinh tiết” chỉ sự đoan chính, thường được dùng để nói về lòng chung thủy của phụ nữ đối với nam giới. Người khởi xướng cho quan niệm này chính là Hoàng đế nổi danh Trung Hoa – Tần Thủy Hoàng.
Xuất thân có một người mẹ không tuân thủ “nữ tắc” (quan niệm xưa về đạo đức của người phụ nữ), Tần Thủy Hoàng càng đề cao hai chữ “trinh tiết”. Dù nổi tiếng bạo tàn, nhưng ông vua này rất coi trọng những người phụ nữ đoan chính, biết thủ tiết.
Ông từng phong cho người quả phụ họ Thanh ở quận Ba danh hiệu “Trinh phụ”, còn xây dựng Hoài Thanh Đài để tưởng niệm.
Từ đó, lễ giáo phong kiến Trung Hoa đề cao quan niệm về đạo đức, đặc biệt là chữ trinh và sự thuần khiết, trong trắng. Chính vì vậy, đối với người con gái đã đính hôn hay phụ nữ đã xuất giá nếu bị phát hiện có hành vi ngoại tình sẽ phải chịu hình phạt nặng nề, hà khắc.
Hình phạt này có tên gọi “Tẩm trư lung” (nhốt trong rọ heo). “Tẩm trư lung” là cách thức xử phạt cho những người mắc tội “thông dâm”, “tư thông”, được áp dụng phổ biến cho nữ giới và đôi khi là cả nam giới.
Cho tới nay, nguồn gốc của “tẩm trư lung” vẫn là một điều bí ẩn. Vì thuộc vào loại “tư hình” (hình phạt riêng không có trong pháp chế), nên cách trị tội này được lưu truyền ở một số địa phương từ đời này sang đời khác. (Ảnh: nguồn internet).
“Tẩm trư lung” được tiến hành bằng cách nhốt phạm nhân vào một chiếc rọ heo, dùng dây thừng buộc vào phía trên, sau đó thả xuống sông hoặc hồ.
Trong toàn bộ quá trình trên, chỉ có đầu nạn nhân được lộ ra trên mặt nước. Đối với một số trường hợp bị xếp vào loại “trọng tội” (tội nghiêm trọng), phạm nhân sẽ bị dìm xuống nước cho tới chết.
Dựa theo quan niệm trọng nam khinh nữ của Trung Hoa, “tẩm trư lung” phần lớn thường áp dụng cho nữ giới.
Thời xưa, nếu một nam nhân bị bắt quả tang thông dâm, người này sẽ dễ dàng “chạy án” bằng cách đẩy cho nữ tình nhân của mình tội danh “dụ dỗ”. Do đó, nạn nhân của hình phạt “tẩm trư lung” chủ yếu là phụ nữ, chỉ có một số trường hợp ngoại lệ mới áp dụng cho đàn ông.
Đứng ra chủ trì hình phạt này thường là người có quyền lực lớn nhất trong thôn, xã, hoặc tộc trưởng của một gia tộc.
Người Trung Quốc từ xưa tới nay đều vô cùng căm hận những đôi “gian phu dâm phụ”, do đó buổi hành hình “tẩm trư lung” thường được rất nhiều người… hoan nghênh.
Nạn nhân của "tẩm trư lung" phần lớn là nữ giới. (Ảnh: nguồn internet).
Tuy nhà nước phong kiến có pháp chế riêng, nhưng có câu “phép vua thua lệ làng”, các thôn xã vẫn thường đưa ra những luật lệ riêng để giải quyết những vấn đề nội bộ.
Dù vậy, “tẩm trư lung” thường chỉ xuất hiện ở những địa phương xa xôi, đại đa số các khu vực khác đều để quan lại địa phương xử phạt tội danh “thông dâm”, “tư thông”.
Không chỉ là biểu hiện của “xã hội nhân trị” thời cổ đại, hình phạt trên còn thể hiện quan niệm của người xưa với hành vi thiếu chung thủy trong hôn nhân.
Mặc dù ngày nay, ngoại tình được đưa vào phạm trù đạo đức, nhưng “tẩm trư lung” đã nói lên nỗi thống hận sâu sắc của cổ nhân đối với hành vi phản bội này.