Giờ đây, không chỉ có người thân hay bạn bè quan tâm và theo dõi những tấm hình tự sướng của bạn nữa bởi các nhà khoa học trên thế giới đã bắt đầu để mắt tới những bức ảnh tưởng chừng chỉ có ý nghĩa cá nhân để phục vụ nghiên cứu khoa học.
Cụ thể, các nhà khoa học đang bắt đầu tìm kiếm và thu thập những bức ảnh về cuộc sống xung quanh của những người dùng mạng.
Trên thực tế, những bức ảnh tự sướng có thể cung cấp rất nhiều thông tin về tình hình thời tiết, chất lượng không khí, từ đó các nhà khoa học có thể nghiên cứu rõ hơn về các thành phố trên toàn thế giới.
Tại trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, một nhóm nghiên cứu đã sử dụng những bức ảnh tự sướng của người dân để đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường tại quốc gia này.
Sau khi thiết kế ứng dụng trên điện thoại di động có tên AirTick, các nhà khoa học bắt đầu thu thập những bức ảnh từ người dùng mạng và phân tích mức độ ô nhiễm môi trường sẽ trông ra sao tại những địa điểm khác nhau.
Tiếp đến, AirTick sẽ kiểm tra từng bức ảnh dựa vào dữ liệu chất lượng không khí chính thức, và thông qua đó, ứng dụng sẽ có thể dự đoán mức độ ô nhiễm tại mỗi địa điểm dựa vào những bức ảnh sau này.
Người sáng tạo ra ứng dụng AirTick, anh Pan Zhengziang cho biết tại các quốc gia mà tình hình ô nhiễm môi trường đang nằm ở diện đáng báo động thì ứng dụng và kế hoạch này hoàn toàn có thể thực hiện được.
"Trước tình hình ô nhiễm môi trường nặng nề tại Singapore, khoảng 250.000 người đã bày tỏ sự lo lắng của mình về chất lượng cuộc sống trên Twitter. Điều này giúp cho việc quản lý chất lượng không khí dựa trên nguồn ảnh cộng đồng càng trở nên khả thi", anh Pan cho biết.
Vào tháng 11 năm ngoái, ứng dụng AirTick đã được thí nghiệm với 100 người và kết quả cho thấy khả năng chính xác mà ứng dụng này có thể phân tích, đánh giá ô nhiễm môi trường lên tới 90%.