Trở thành mẫu nghi thiên hạ khi lên 6
Thượng Quan Phụng Nhi sinh năm 89 trước công nguyên, là con gái của Thượng Quan An, cháu gái của Thượng Quan Kiệt, Tả tướng quân dưới triều Hán Vũ đế.
Do nhà Thượng Quan Kiệt và nhà Đại tướng quân Thôi Quang là thông gia, nên Phụng Nhi cũng là cháu ngoại của Thôi Quang.
Thôi Quang và Thượng Quan Kiệt là 2 trong 4 đại thần phụ chính được Hán Vũ đế giao phó sứ mệnh giúp đỡ Hán Chiêu đế Lưu Phất Lăng khi đó mới chỉ 8 tuổi (hai đại thần khác là Tang Hoằng Dương và Kim Nhật Đê).
Do họ Thượng Quan và họ Thôi là thông gia nên hai họ này trở thành một thế lực rất lớn trong triều đình. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa hai dòng tộc lại bắt nguồn từ chính cô cháu gái chung.
Vì muốn mở rộng thế lực của mình trong triều đình, Thượng Quan Kiệt muốn đưa cháu gái vào cung làm phi tần của Hán Chiêu đế.
Tuy nhiên, Thôi Quang phản đối kịch liệt, cho rằng Phụng Nhi còn quá nhỏ (khi đó, Phụng Nhi mới chỉ 3 tuổi, kém Hán Chiêu Đế 5 tuổi).
Thực tế, nhiều người cho rằng, Thôi Quang sợ rằng các thế lực ngoại thích sẽ lộng quyền, khiến nhà Hán trở nên suy bại nên mới phản đối việc đưa cháu ngoại của mình vào hậu cung chứ không phải vì lớn hay nhỏ.
Mặc dù vậy, sự phản đối của Thôi Quang vẫn không làm thay đổi được ý định của Thượng Quan Kiệt.
Nhờ giỏi tạo lập mối quan hệ, 2 năm sau đó, khi Phụng Nhi chưa đầy 5 tuổi, Thượng Quan Kiệt đã đưa cô cháu gái của mình vào cung.
Hán Chiêu đế ban chiếu, phong cho Phụng Nhi làm tiệp dư. Nhờ con gái vào cung, cha của Phụng Nhi cũng được phong chức làm Kỵ đô úy.
Điều đáng nói là 1 năm sau, khi mới tròn 6 tuổi, với sự hậu thuẫn của cha và ông, Thượng Quan Phụng Nhi được tấn phong làm hoàng hậu.
Việc một cô bé 6 tuổi trở thành hoàng hậu triều Đại Hán đã trở thành sự kiện hy hữu trong lịch sử suốt mấy nghìn năm của phong kiến Trung Quốc. Tuy nhiên, sự kỳ quái và hy hữu vẫn chưa dừng lại ở đó.
Công cụ tranh đoạt quyền lực
Thực tế, khi trở thành hoàng hậu, Phụng Nhi mới chỉ 6 tuổi, tới chiếc áo của mình cũng chưa thể tự mặc được, huống hồ là làm chuyện gì khác.
Với cô bé Phụng Nhi thì một cái kẹo lúc đó còn hấp dẫn gấp chục lần so với chiếc mũ miện hoàng hậu vừa to vừa nặng. Tuy nhiên, điều này đối với cha và ông của Phụng Nhi không quan trọng.
Điều quan trọng với họ chính là việc Phụng Nhi trở thành hoàng hậu triều Đại Hán, là công cụ giúp họ có được quyền lực mà họ đang tìm kiếm.
Sau khi Phụng Nhi trở thành hoàng hậu, cha con Thượng Quan Kiệt và Thượng Quan An càng ngày càng lộng quyền.
Sử sách chép rằng, có lần, Thượng Quan An uống say, đứng giữa triều đình cầm chén rượu chỉ vào mặt Hán Chiêu đế mà nói rằng: “Uống rượu với con rể thật vui!” khiến cả triều đình tái xanh mặt mũi.
Cũng vì sự lộng quyền của cha con nhà Thượng Quan, mâu thuẫn giữa nhà Thượng Quan với Thôi Quang càng ngày càng trở nên gay gắt.
Thôi Quang vốn là một người ngay thẳng, liêm chính, muốn đeo đuổi lý tưởng phò vua giúp nước.
Trong khi đó, Thượng Quan Kiệt và Thượng Quan An lại chỉ muốn dựa hơi vua để thỏa mãn quyền lực. Chính vì thế, hai nhà không tránh khỏi việc đối đầu nhau.
Một lần, Thượng Quan Kiệt và Thượng Quan An muốn xin cho một người trong họ mình được phong tước hầu.
Tuy nhiên, người phụ trách việc này là Thôi Quang thì nhất định không đồng ý. Vì chuyện này, Thượng Quan Kiệt đã rất ghét Thôi Quang.
Sau đó, cha vợ của Thượng Quan Kiệt, vốn là quan thái y trong triều, do mắc tội tự tiện vào cung nên bị tống giam vào ngục và xử tội chết.
Thượng Quan Kiệt đem rất nhiều vàng bạc, chạy khắp các cửa nhưng vì Thôi Quang kiên quyết xử vụ án theo luật nên cha vợ của Kiệt vẫn phải chịu tội chết.
Từ hai vụ việc kể trên, mâu thuẫn giữa Thượng Quan Kiệt và Thôi Quang trở nên gay gắt tới mức không thể điều hòa được nữa.
Là ông nội của hoàng hậu đương triều, một phụ chính đại thần nhưng hết lần này tới lần khác bị Thôi Quang dùng lý do “công lý” để đè nén, Thượng Quan Kiệt uất giận tới tận cổ.
Vì vậy, hai cha con Thượng Quan đã quyết định liên minh với Yên vương Lưu Đán, anh trai của Hán Chiêu đế Lưu Phất Lăng, cùng Thiện Trưởng công chúa rắp tâm giết Thôi Quang, lật đổ Lưu Phất Lăng, âm mưu lên làm hoàng đế.
Người ta nói rằng, Thượng Quan Kiệt là kẻ có tham vọng trở thành hoàng đế, song lại không có số làm hoàng đế.
Âm mưu của bọn Kiệt và Đán đã nhanh chóng bị Đại tướng quân Thôi Quang phát hiện. Thôi Quang chủ động tấn công trước, tiến hành trấn áp âm mưu của Kiệt và Đán.
Kiệt và Đán vốn là những người chuẩn bị chính biến, lợi thế duy nhất là sự bất ngờ, nhưng nay lại bị Thôi Quang ra tay trước, không có sự chuẩn bị nên nhanh chóng tan vỡ.
Thiện Trưởng công chúa và Yên vương Lưu Đán tự sát để tránh tội, cả gia tộc Thượng Quan bị tru di.
Lúc bấy giờ, Thôi Quang thấy hoàng hậu Phụng Nhi vẫn còn quá nhỏ, thực chất không có liên quan gì tới âm mưu của ông nội và cha, do vậy quyết định tha cho Phụng Nhi.
Vì thế, dù gia tộc Thượng Quan bị tru di không còn một ai song Phụng Nhi vẫn tiếp tục làm hoàng hậu của Hán Chiêu đế.
Trở thành hoàng thái hậu
Tới năm 74 trước công nguyên, Hán Chiêu đế Lưu Phất Lăng qua đời ở tuổi 20. Mới 15 tuổi, hoàng hậu Phụng Nhi đã là một góa phụ.
Do tuổi còn quá nhỏ, Phụng Nhi và Hán Chiêu Đế vẫn chưa kịp có con cái gì nên Đại tướng Thôi Quang đã quyết định lập cháu trai của Hán Vũ đế là Xương Ấp vương Lưu Hạ lên ngôi hoàng đế.
Về thân phận, Lưu Hạ là cháu gọi Phụng Nhi là thím. Do vậy, khi Lưu Hạ lên ngôi, Phụng Nhi chính thức trở thành hoàng thái hậu.
Tuy nhiên, Lưu Hạ vốn là kẻ hoang dâm vô độ, sau khi lên ngôi đã dâm loạn khắp chốn hậu cung của chú mình.
Chính vì vậy, mới ở ngôi được 1 tháng thì Lưu Hạ đã bị Thôi Quang phế truất. Lần này, Thôi Quang đưa một người chắt (gọi Hán Vũ đế là cụ) tên là Lưu Tuần lên ngôi, sử gọi là Hán Tuyên đế.
Về địa vị, Phụng Nhi là bà của Lưu Hạ, do vậy khi Lưu Hạ lên ngôi, Phụng Nhi nghiễm nhiên trở thành thái hoàng thái hậu.
Sáu tuổi trở thành hoàng hậu, 15 tuổi trở thành hoàng thái hậu rồi thái hoàng thái hậu, có thể nói, về danh phận, Thượng Quan Phụng Nhi có được vinh dự mà tất cả những người phụ nữ sống dưới thời phong kiến đều mơ.
Tuy nhiên, đối với một cô bé 15 tuổi như Phụng Nhi, những tước vị này hoàn toàn không có ý nghĩa.
Bởi lẽ, chính những tước vị này đã cướp đi cuộc sống tuổi thơ của cô, khiến cô phải chịu cuộc sống buồn tẻ trong chốn hậu cung lạnh lẽo suốt những năm sau đó.
Sử sách chép rằng, Thượng Quan Phụng Nhi chết năm 47 trước công nguyên, ở tuổi 52, nghĩa là bà đã phải sống như một quả phụ trong suốt gần 40 năm.