Nỗi "hàm oan" của Hoàng đế tai tiếng nhất lịch sử Trung Hoa

Trần Quỳnh |

Những đánh giá mới của các sử gia Trung Quốc hiện đại về Tùy Dạng Đế Dương Quảng đã khiến hậu thế không khỏi bất ngờ trước con người thật của Hoàng đế tai tiếng này.

Từ cổ chí kim, các bậc đế vương hay đại thần sau khi qua đời đều được định công, luận tội. Theo đó, họ hoặc là được hậu thế ca ngợi, hoặc là bị sử sách phê bình.

Cũng bởi vậy, những bậc minh quân thường được thêm các mỹ tự vào thụy hiệu như: Hán Vũ Đế, Hán Văn Đế, Minh Thành Tổ…

Chữ “Văn” là lời khen ngợi cho vị Hoàng đế có công với văn hóa, giáo dục, làm tốt việc nội chính. Chữ “Vũ” dành để tán dương vị vua có công mở mang bờ cõi.

Ngược lại, cũng có nhiều Hoàng đế bởi vì bạo ngược, vô năng mà phải mang những thụy hiệu có hàm ý phê bình như Chu Lệ Vương, Chu U Vương…

Trong số này, không thể không nhắc tới vị vua chịu nhiều tai tiếng hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc - Tùy Dạng Đế Dương Quảng.

Hoàng đế tai tiếng hay "nạn nhân" của hậu thế?

Tùy Dạng Đế có thể coi là một kẻ “bạo quân” (vị vua tàn bạo), nhưng tuyệt đối không phải là một “hôn quân” (Hoàng đế bất tài). Những điều tiếng ghê gớm mà Dương Quảng phải chịu được cấu thành từ nhiều nguyên nhân dưới đây:

Thứ nhất, Tùy Dạng Đế ở vào vị trí của một ông vua vong quốc. Phồn vinh và sự tồn vong của nhà Tùy đều bị chấm hết bởi vị Hoàng đế này. Theo đó, những người đứng ngoài cuộc sẽ lập tức khẳng định vị vua cuối cùng là một kẻ dốt nát, tàn bạo nên mới để mất nước.

Lối tư duy này đã trở thành nếp nghĩ “thâm căn cố đế” trong lòng những thế hệ người Trung Hoa sau này. Hoàng đế cuối cùng của Minh triều là Sùng Trinh cũng từng bị đánh giá như vậy.

Trên thực tế, không ai nhìn nhận tới những nỗ lực giữ gìn giang sơn của họ, mà chỉ biết gán cho họ tội mất nước mà thôi!

Cũng bởi chân lý “thắng làm vua, thua làm giặc” mà những vị vua cuối triều như Dương Quảng hay Sùng Trinh khó tránh khỏi những lời bình phẩm khắt khe của hậu thế.

Thứ hai, Dương Quảng phạm phải lỗi “dùng dân quá độ”, khiến cho bách tính lao lực, nhà nhà oán thán, người người lầm than.

Trong thời gian tại vị, Tùy Dạng Đế từng tu sửa thành Đông Đô, Lạc Dương, ba lần đánh Cao Ly, tu kiến kênh đào khổng lồ Đại Vận hà… Do đó, nhà Tùy đều phải chiêu mộ vô số nhân công.

Dương Quảng ngồi trên ngai vàng vài chục năm, vô số dân chúng phải chịu kiếp phu phen, lao dịch, chết tới mấy trăm vạn người. Sử cũ còn phải miêu tả Tùy triều những năm ấy bằng cụm từ tương đối gay gắt - “thiên hạ chết bởi lao dịch”!


Mặc dù sở hữu những công trạng thiên thu, nhưng Dương Quảng vẫn bị sử sách và hậu thế phê bình nặng lời vì nhiều lý do. (Ảnh: phim Tùy Đường diễn nghĩa).

Mặc dù sở hữu những "công trạng thiên thu", nhưng Dương Quảng vẫn bị sử sách và hậu thế phê bình nặng lời vì nhiều lý do. (Ảnh: phim Tùy Đường diễn nghĩa).

Thứ ba, những lời bình luận về Tùy Dạng Đế trong sử sách phần lớn đều do người nhà Đường viết lại.

Nhà Tùy bại vong, nhà Đường hưng khởi, không thể tránh khỏi việc triều đại sau dùng những đánh giá áp đặt, phiến diện để hạ thấp uy tín của triều đại trước.

Một trong những tai tiếng “trời không dung, đất không tha” của Dương Quảng là hành động giết cha, cướp ngôi. Trên thực tế, các học giả lịch sử ngày nay phần lớn đều cho rằng đây là tội danh Đường triều cố tình vu vạ cho Tùy Dạng Đế.

Cuối cùng là về phương diện sinh hoạt cá nhân. Những cụm từ như “hoang dâm”, “háo sắc” thường được đi liền với những tiếng tăm không mấy vẻ vang về đời tư của Tùy Dạng Đế.

Kỳ thực, số lượng phi tử và con cái của vị vua này vẫn thuộc hàng “ít” so với nhiều Hoàng đế khác trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Một đời tài năng, vì đâu nên nỗi?

Nói Tùy Dạng Đế oan uổng khi gánh nhiều tiếng xấu bởi mỗi việc làm và quyết định của vị vua này đều mang rất nhiều ý nghĩa với giang sơn, bách tính.

Lỗi sai duy nhất và lớn nhất của Dương Quảng chính là việc “dùng dân quá độ”, lạm dụng sức dân quá mức, khiến cho bách tính lao dịch khổ sở.

Cả hai phần công - tội của Tùy Dạng Đế đều được thể hiện xen kẽ qua những việc làm còn lưu lại đến sau này như: Xây dựng và tu sửa Đông Đô, Lạc Dương, áp dụng chế độ khoa cử, tu sửa và đào thêm kênh đào Đại Vận hà, ba lần đánh Cao Ly...


Mỗi việc làm của Dương Quảng đều có ý nghĩa đối với giang sơn và bách tính.(Ảnh: phim Tùy Đường diễn nghĩa)

Mỗi việc làm của Dương Quảng đều có ý nghĩa đối với giang sơn và bách tính.(Ảnh: phim Tùy Đường diễn nghĩa)

Phân tích kỹ phần công - tội trong những việc làm trên, có thể thấy nguyên nhân đầu tiên khiến Dương Quảng bại vong là bởi coi nhẹ sức chịu đựng của bách tính, bên cạnh đó là hành động đắc tội với các thế lực môn phiệt, khiến gia tộc họ Lý có cơ hội đảo chính.

Một nhược điểm chí mạng nữa của Dương Quảng là thái độ dễ dàng buông xuôi. Khi bản thân không thể khống chế được cục diện trong nước, vị vua này liền liều mạng đặt cược tất cả vào “canh bạc” chinh phục Cao Ly, để rồi cuối cùng chuốc lấy thất bại thảm hại.


Tuy nhiên, việc không biết dựa vào dân đã đẩy Tùy triều vào con đường diệt vong, đồng thời biến Dương Quảng trở thành vị Hoàng đế tai tiếng hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc. (Ảnh: phim Tùy Đường diễn nghĩa).

Tuy nhiên, việc không biết dựa vào dân đã đẩy Tùy triều vào con đường diệt vong, đồng thời biến Dương Quảng trở thành vị Hoàng đế tai tiếng hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc. (Ảnh: phim Tùy Đường diễn nghĩa).

Trong mắt các sử gia hiện đại, Dương Quảng được nhìn nhận là một vị quân chủ có hoài bão, có tài năng, biết nhìn xa trông rộng, lại có không ít những cống hiến cho hậu thế.

Nhưng đặt mình vào thân phận dân chúng của nhà Tùy lúc bấy giờ, liệu mấy ai có thể chịu được cảnh phu phen ngập đầu đến mức “thiên hạ chết bởi lao dịch” như vậy? Đó chính là lý do vì sao một vị Hoàng đế như Dương Quảng lại không được người đời tán thưởng.

Ngay cả khi lập được nhiều công lao hơn nữa, chắc hẳn chẳng có mấy ai gọi Tùy Dạng Đế là một vị “minh quân”.

Cổ nhân có câu “giang sơn xã tắc, dĩ nhân vì bản” (đất nước lấy dân làm gốc), thoát ly khỏi đạo lý này, mọi việc dù có thành ý đến đâu cũng trở nên vô nghĩa. Suy cho cùng, Tùy Dạng Đế có công nhưng vẫn bị “mang tiếng” là bởi không thấu hiểu chân lý ấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại