Theo một cuộc khảo sát được Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) và Công ty Pricewaterhouse-Coopers (trụ sở tại Anh) công bố hôm 26-5, số lượng tỉ phú tự thân làm giàu ở châu Á đã vượt qua châu Âu và chỉ đứng sau Mỹ.
Thời kỳ vàng son…
Kết quả khảo sát 1.300 tỉ phú trong giai đoạn 1995-2014 cho thấy 917 người là tỉ phú tự lập, chiếm 66%. Trong thời kỳ vàng son này, số tỉ phú tự lập đã tạo ra khối tài sản 3.600 tỉ USD.
Hầu hết khởi nghiệp khá trẻ - 23% bắt đầu kinh doanh trước tuổi 30 và 68% trước tuổi 40. Phần lớn họ kiếm được 1 tỉ USD đầu tiên sau khi bước sang tuổi 40.
Ông Jack Ma là một trong những tỉ phú tự lập ở châu Á Ảnh: AP
Cũng theo khảo sát, người Mỹ chiếm 47% lượng tỉ phú tự thân làm giàu, tiếp sau là châu Á (36%) và châu Âu (17%).
Đối với các tỉ phú tự lập ở châu Á, gần 20% hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và 13% làm giàu từ bất động sản.
Trong khi đó, tỉ phú Mỹ chủ yếu làm giàu trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ tài chính.
Ngoài ra, 25% tỉ phú tự lập ở châu Á sinh ra trong nghèo khó, trong khi tỉ lệ này ở Mỹ là 8% và châu Âu là 6%. Tuổi bình quân của tỉ phú châu Á là 57, trẻ hơn 10 tuổi so với tỉ phú Mỹ và châu Âu.
Ông Joseph Poon, Trưởng bộ phận khách hàng siêu giàu của UBS tại Đông Nam Á, nhận định tại một cuộc họp báo: “Số lượng tỉ phú đang bùng nổ, đặc biệt là tại châu Á.
Sự tăng trưởng này mạnh mẽ đến mức số lượng tỉ phú châu Á dự kiến sẽ vượt qua Mỹ trong vòng 5-10 năm tới”.
Báo cáo cho biết chỉ mới cách đây 25 năm, hầu hết tỉ phú sống ở Mỹ và châu Âu. Đến năm 1996, số lượng tỉ phú tự lập ở Mỹ chiếm khoảng 45% và châu Âu là 25%.
… nhưng sắp tàn
Tuy nhiên, báo cáo nêu trên dự báo hiện tượng bùng nổ tỉ phú toàn cầu sẽ sớm chấm dứt trong vòng 10 hoặc 20 năm tới.
Có 3 nguyên nhân, trước hết là do tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, nhất là tại những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc.
Kế đến, việc chính quyền nhiều nước tăng cường giải quyết vấn đề bất bình đẳng bằng cách tăng thuế và ban hành quy định mới có thể khiến số lượng tỉ phú mới không còn nở rộ.
Cuối cùng, cộng đồng tỉ phú trên thế giới đang già đi, với nhiều người hiện trên 60 tuổi. Điều này có nghĩa là tài sản của họ sẽ giảm đi khi để lại cho người thân và các tổ chức từ thiện.
Báo cáo cũng dự báo những tiến bộ khoa học trong nhiều lĩnh vực - như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot, công nghệ nano, an ninh mạng… - cùng với nhu cầu ngày càng nhiều của một dân số đang già đi sẽ tạo cơ hội cho những tỉ phú trẻ xuất hiện.
Dù vậy, những cơ hội này không đủ để duy trì tốc độ gia tăng của tỉ phú trên thế giới như trong thời kỳ vàng son nêu trên.
“Tỉ phú mới vẫn sẽ xuất hiện nhưng số lượng không thể nhiều như trong 20 năm qua” - ông John Mathews, Trưởng Bộ phận quản lý tài sản tư nhân tại UBS, nhìn nhận.
Mỗi tuần, Trung Quốc có thêm 1 tỉ phú
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng UBS và Công ty PwC, trong quý I/2015, hầu như tuần nào Trung Quốc cũng đón nhận thêm 1 tỉ phú mới.
“Tăng trưởng kinh tế kèm theo thị trường vốn mạnh mẽ khiến Trung Quốc chứng kiến sự bùng nổ của cải trong 15 năm qua” - ông Francis Liu, Giám đốc bộ phận quản lý tài sản của UBS, lý giải về hiện tượng tỉ phú ở Trung Quốc đang gia tăng đều đặn.
Nhiều tỉ phú Trung Quốc phất lên trong những lĩnh vực bất động sản, công nghệ, y tế và các ngành công nghiệp tiêu dùng.
Thống kê của UBS cho thấy năm 2014, Trung Quốc có khoảng 200 tỉ phú, so với 570 người ở Mỹ.
Ông Liu dự đoán trong 5-10 năm tới, số lượng tỉ phú châu Á sẽ vượt qua Mỹ nhờ sự đóng góp của Trung Quốc.
Một điểm đáng chú ý khác, theo báo cáo, là giới tỉ phú Trung Quốc đang tích cực sử dụng tài sản kiếm được để làm từ thiện.
Các thế hệ cũ có xu hướng quyên góp cho y tế và giáo dục, trong khi giới doanh nhân - tỉ phú trẻ tập trung vào những vấn đề xã hội, như giúp đỡ người khốn khó.
Tỉ phú Jack Ma, nhà đồng sáng lập Công ty Thương mại điện tử Alibaba, không đứng ngoài trào lưu này.
Ông chủ Alibaba năm ngoái lập một tổ chức từ thiện hỗ trợ cho hàng loạt lĩnh vực, từ môi trường đến văn hóa.
Phạm Nghĩa