Những bí ẩn xoay quanh cái chết của Dương Quý phi

Trần Quỳnh |

Những bí ẩn về cuộc đời, kết cục của Dương Quý phi là nguyên nhân gây nên nhiều tranh cãi đối với hậu thế.

Dương Quý phi tên thật là Dương Ngọc Hoàn – ái phi rất được yêu mến của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ.

Tương truyền rằng mỗi khi nàng ngắm hoa, hoa đều héo rũ vì hổ thẹn trước vẻ đẹp của mỹ nhân. Bởi vậy, Ngọc Hoàn được xếp trong hàng ngũ “Tứ đại mỹ nhân” Trung Quốc với mỹ danh “tu hoa”.

Quý phi mang tội “hồng nhan”?

Có hai dòng quan điểm chính xoay quanh vấn đề “định tội” Dương Quý phi trước những biến cố của Đường triều.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: “hồng nhan” chính là đại họa. Những người theo ý kiến này cũng một mực khẳng định Dương Quý phi dụ dỗ Hoàng đế, hại nước, hại dân, có chết cũng không đền hết tội.

Quan điểm đối lập lại chỉ ra: “hồng nhan” vô tội, bởi bản thân nàng cũng là một nạn nhân của thời thế. Những người này bênh vực cho Ngọc Hoàn, khẳng định Quý phi là một cô gái yếu đuối, số phận của nàng cũng chỉ là một quân cờ hi sinh trên bàn cờ chính trị mà thôi.


Sinh thời, Dương Ngọc Hoàn là ái thiếp được Đường Huyền Tông vô cùng yêu mến. (Ảnh minh họa).

Sinh thời, Dương Ngọc Hoàn là ái thiếp được Đường Huyền Tông vô cùng yêu mến. (Ảnh minh họa).

Như vậy, có thể thấy rõ: quan điểm thứ nhất một mặt định tội cho Dương Quý phi, mặt khác lại ngầm đề cao năng lực của “mỹ nữ”.

Xưa nay có câu: Đàn ông chinh phục cả thế giới để chinh phục người đẹp, mà người đẹp lại thông qua việc chinh phục đàn ông để nắm lấy cả thế giới. Đường Huyền Tông Lý Long Cơ một đời anh hùng, nhưng cuối cùng vẫn phải khuất phục dưới gấu váy mỹ nhân là vì vậy.

Nhờ vị quý phi họ Dương được sủng ái, Dương Quốc Trung, Vi Kiến Tố, Ngụy Phương mới dựa vào nàng mà thâu tóm được quyền lực trong triều đình.

Cũng theo lý luận trên đây, Dương Quý phi chính là một nhân vật gián tiếp có ảnh hưởng đến chính trị. Nàng đã khuyên Huyền Tông xuất chinh và nhập Thục. Hai hành động này của nhà vua đã đủ để chứng minh sức ảnh hưởng từ Ngọc Hoàn.

Trong khi các đại thần túc trí, đa mưu đều không thuyết phục được Hoàng đế thì đôi ba câu của người đẹp lại có thể nhanh chóng trở thành quyết sách. Vậy mới thấy, mặc dù đứng ngoài chính trị, nhưng Dương Quý phi hoàn toàn có năng lực tác động tới việc triều chính của nhà Đường lúc bấy giờ.

Đó chính là thứ gọi là “họa hồng nhan”, là “năng lực của mỹ nữ” mà quan điểm thứ nhất thể hiện.


Dương Quý phi là mối họa hồng nhan hay chỉ là một nạn nhân của những toan tính chính trị? (Tranh minh họa).

Dương Quý phi là "mối họa hồng nhan" hay chỉ là một nạn nhân của những toan tính chính trị? (Tranh minh họa).

Ngược lại, quan điểm thứ hai tuy bênh vực Dương Quý phi nhưng cũng đồng nghĩa với việc đánh giá không cao năng lực của mỹ nữ.

Chủ nghĩa Mác – Lênin từng khẳng định: Nguyên nhân bên trong bao giờ cũng quyết định sự hình thành, tồn tại và phát triển của các kết cấu vật chất. Còn nguyên nhân bên ngoài chỉ phát huy được tác dụng thông qua những nguyên nhân bên trong.

Vận dụng lý thuyết trên vào Đường Huyền Tông và Dương Quý phi, ta có thể dễ dàng nhận thấy Huyền Tông được xếp vào “nguyên nhân bên trong”, còn Quý phi chính là “nguyên nhân bên ngoài”.

Bởi vậy, ngay cả khi có năng lực ảnh hưởng tới triều chính, những ý kiến của Dương Quý phi vẫn phải được Hoàng đế thông qua mới có thể trở thành hiện thực.

Hơn nữa, Huyền Tông là Thiên tử, là Hoàng thượng, là vua của một nước. Ngay cả khi Dương Quý phi có sở hữu dung mạo đẹp hay cốt cách mỹ nhân thì việc gây ảnh hưởng tới quyết sách của nhà vua và cả một vương triều cũng là điều không hề dễ dàng.

Đối với “loạn An Sử”, Dương Ngọc Hoàn cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng đây không phải là trách nhiệm chủ chốt nhất. Quan điểm thứ hai bênh vực Dương Quý phi và coi nhẹ năng lực của mỹ nhân chính là vì những lý lẽ này.

Bí ẩn về kết cục của vị đại mỹ nhân họ Dương

Những quan điểm chính thống về kết cục của Dương Quý phi chủ yếu đến từ “Cựu Đường thư”, "Tân Đường thư" và “Tư trị thông giám”. Theo đó, sử sách và nhiều tác phẩm văn học vẫn khẳng định Dương Quý phi chết do tự vẫn.

“Đường thư” bản cũ do Lưu Hu biên soạn, “Tân Đường thư” được chỉnh sửa bởi Âu Dương Tu và “Tư trị thông giám” được Tư Mã Quang biên soạn đều là ba cuốn sách có uy tín trong lịch sử Trung Hoa.

Mặc dù miêu tả có một số sai biệt, nhưng ba nguồn sử liệu này đều ghi chép việc Dương Ngọc Hoàn tự vẫn ở sườn núi Mã Ngôi.

Bên cạnh đó, đa số những tác phẩm văn học viết về Đường triều như “Trường Hận Ca” (Bạch Cư Dị), “Ngoại truyện Cao Lực Sĩ” (Quách Thực), “An Lộc Sơn sự tích” (Diêu Nhữ Năng)…đều cùng chung ý kiến này.


Giả thuyết Dương Quý phi bỏ mạng vì tự vẫn được nhiều nguồn sử liệu và tác phẩm văn học công nhận. (Tranh minh họa).

Giả thuyết Dương Quý phi bỏ mạng vì tự vẫn được nhiều nguồn sử liệu và tác phẩm văn học công nhận. (Tranh minh họa).

Tuy nhiên, các dòng quan điểm “không chính thống” lại đưa ra nhiều giả thuyết gây được tiếng vang và thu hút sự chú ý của dư luận nhiều hơn. Những quan điểm này chủ yếu được chia thành hai giả thuyết lớn:

Ý kiến thứ nhất cho rằng Dương Quý phi không phải bỏ mạng vì tự vẫn mà chết trong tay loạn quân.

Giả thuyết này được đưa ra sớm nhất từ triều đại nhà Đường, xuất phát bởi một số văn nhân, thi nhân sống cùng thời với Dương Quý phi. Đại biểu lớn nhất của giả thuyết này phải kể tới “Thi thánh” Đỗ Phủ. Trong bài thơ “Ai giang đầu”, ông từng viết:

“Mắt ngọc mày ngài nay ở đâu, vết máu du hồn về không được.”

Có thể thấy trong câu thơ của ông xuất hiện chữ “máu”. Một số bài thơ của Lý Ích, Đỗ Mục, Trương Hựu…viết về cái chết của Quý phi cũng đều xuất hiện cảnh đổ máu.

Nếu có máu chảy, ắt không phải do thắt cổ mà chết. Bản thân Đường Huyền Tông cũng không đủ nhẫn tâm để xuống tay với ái thiếp. Như vậy, giải thích hợp lý nhất chính là việc Ngọc Hoàn bị đám loạn quân giết chết.

Giả thuyết thứ hai cho rằng: Dương Quý phi không chết mà tới Nhật Bản sống đến cuối đời. Đứng đầu quan điểm này chính là người Nhật.

Theo đó, Trần Huyền Lễ năm xưa vì thương cảm cho vị quý phi xinh đẹp nên không đành lòng sát hại. Ông bàn với Cao Lực Sĩ, dàn xếp kế sách “thay mận đổi đào”, tìm một cung nữ có ngoại hình gần giống Quý phi để thế mạng cho nàng.

Sau khi kế hoạch tráo đổi này thành công, Trần Huyền Lễ phái tâm phúc hộ tống Quý phi trốn về Nam Triệu (gần Thượng Hải ngày nay) rồi căng buồm ra biển, cuối cùng cập bến tại thị trấn Yuya (quận Otsu – tỉnh Yamaguchi).

Như vậy, điểm khởi đầu và đích đến trong cuộc hành trình “xuất ngoại” của Dương Quý phi rất rõ ràng, khiến nhiều người khó có thể không tin.

Đến nay, tại địa phương này vẫn còn tồn tại một ngọn bảo tháp được khẳng định là mộ của Dương Quý phi. Trong sân của ngôi chùa có ngọn bảo tháp này còn lưu lại hai bức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Đức Phật A Di Đà.


Người Nhật Bản khẳng định rằng quốc đảo của họ chính là nơi Dương Quý phi đã sống những năm tháng cuối đời. (Tranh minh họa).

Người Nhật Bản khẳng định rằng quốc đảo của họ chính là nơi Dương Quý phi đã sống những năm tháng cuối đời. (Tranh minh họa).

Căn cứ theo cuốn “Cố sự truyền từ Trung Hoa” của Nhật Bản, một lá thư trong đó từng ghi chép:

Đường Huyền Tông sau khi bình định loạn An Lộc Sơn đã quay về Trường An, vì tưởng nhớ Dương Quý phi nên hạ lệnh cho thân tín vượt biển tìm kiếm, mang theo hai bức tượng Phật của nhà vua để gửi tặng nàng.

Quý phi sau khi nhận được cũng tặng trâm ngọc để đáp lễ, sai người đó gửi về cho Huyền Tông.

Như vậy, mặc dù vẫn giữ liên lạc với Tổ quốc, nhưng Dương Quý phi không trở về quê cũ mà ở lại Nhật Bản cho tới cuối đời. Giả thuyết này thậm chí còn có hai bức tượng Phật là bằng chứng lưu lại tới ngày nay.

Năm 1963, một phụ nữ Nhật Bản từng công bố gia phả của dòng họ trên truyền hình và khẳng định mình là hậu duệ của Dương Quý phi. Sự kiện này đã gây nên tiếng vang lớn tại hai nước lúc bấy giờ.

Bên cạnh hai giả thuyết trên, còn có một vài quan điểm nhỏ lẻ khác. Tác giả Du Bình Bá cho rằng Dương Quý phi không chết mà xuất gia. Học giả Đài Loan Ngụy Tụ Hiền trong cuốn “Người Trung Quốc phát hiện châu Mỹ” thì khẳng định Dương Ngọc Hoàn đi tới châu Mỹ.

Chết vì binh đao loạn lạc là do văn nhân, thi nhân nói ra, khó có thể tin được. Thủ pháp văn học rất linh động, thường thường sẽ vì cái đẹp mà hư cấu sự thật.

Bởi vậy kết cục của Quý phi trong những bài thơ của họ tuy vô cùng sinh động, nhưng tính thực tế lại không cao.

Việc vượt biên sang Nhật Bản tuy rằng có bằng chứng, nhưng lại có vẻ khiên cưỡng, gán ghép. Quá nhiều nhân chứng, vật chứng, lại trùng hợp như vậy, chỉ sợ đều là ngụy tạo, do đó cũng không được nhiều người công nhận.

Về phần “xuất gia”, “đi tới châu Mỹ”, những giả thuyết này nói ra khiến ai nấy đều giật mình, có ý cố tình gây tranh cãi, hiềm nghi, độ tin cậy cũng không được đánh giá cao.

Bởi vậy, cho tới ngày nay, giả thuyết Dương Quý phi tự vẫn ở sườn núi vẫn được hậu thế tin tưởng hơn cả.

Nhưng Dương Ngọc Hoàn dù qua đời hay tiếp tục sống, dù đi Nhật hay đi Mỹ, nàng vẫn được hậu thế nhắc tới như một biểu tượng cho vẻ đẹp của phụ nữ thời Đường nói riêng và phụ nữ Trung Hoa cổ đại nói chung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại