Hai người Trung Quốc "xấu xí" đánh nhau vì sữa bột.
Đoạn video quay lại cảnh tranh cãi, dẫn đến xô xát giữa 2 người Trung Quốc chuyên mua đi bán lại sữa bột trước cửa một siêu thị ở Hà Lan đã được lan truyền nhanh chóng và trở thành trò mua vui cho cư dân mạng.
Theo Kankannews, sự việc trên xảy ra vào ngày 18/11/2015. Lí do chính xác dẫn đến căng thẳng chưa được xác định chính xác nhưng qua tranh cãi của 2 nhân vật chính trong video thì rất có thể là do số lượng sữa bột được mua hạn chế.
Khi người đàn ông văng lời chửi rủa người phụ nữ, cô này lập tức đá anh ta để trả miếng. “Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, cuộc tranh cãi nhanh chóng biến thành cuộc ẩu đả.
Hai “thượng đế” vì sữa bột mà vật lộn với nhau ngay trước cửa siêu thị cho tới khi một số người dân bản địa và vài người bạn đồng hương Trung Quốc chạy tới can ngăn. Cả hai người hiện đã bị cảnh sát bắt giữ trong khi tiến hành điều tra nguyên nhân gây tranh chấp.
Hai khách Trung Quốc đánh lộn nhau ngay trước cửa một siêu thị ở Hà Lan.
Kể từ khi xảy ra vụ bê bối năm 2008, khi sữa bột nhiễm melamine do một công ty Trung Quốc đã giết chết ít nhất 6 trẻ sơ sinh và làm 300.000 trẻ khác ngã bệnh, những người Trung Quốc có điều kiện đã tìm cách mua sữa bột nước ngoài cho an toàn.
Rất nhiều người ở Hong Kong và Úc đã quá quen với những người sang đây mua sữa về Trung Quốc bán lại. Trong vài năm gần đây, hiện tượng này bắt đầu nổi lên ở Châu Âu. Sản phẩm của Đức và Hà Lan đặc biệt được ưa chuộng.
Nhu cầu khổng lồ của người dân Trung Quốc đối với sữa bột nước ngoài đã đẫn đến tình trạng thiếu hụt ở các nước như Hà Lan, New Zealand và Úc.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, các nhà bán lẻ Hà Lan đã đưa ra giải pháp để hạn chế thu mua sữa bột với số lượng lớn. Mỗi khách hàng chỉ được mua một hoặc hai gói sữa công thức.
Một số siêu thị còn quy định phải mua một số lượng tối thiểu một số mặt hàng khác thì mới được mua sữa.
Tương tự, tại Úc, mặc dù một số siêu thị đã áp dụng các giải pháp hạn chế đối với sữa bột nhưng theo báo cáo thì tất cả các kệ bán sữa bột trong các siêu thị Úc đã sạch bách chỉ trong một ngày của cơn sốt mua sắm “Ngày độc thân” của Trung Quốc (11/11).