Người giết mổ heo Nhật Bản bị khinh ghét do có... “linh hồn xấu xa“

Vĩnh Thụy (theo Independent) |

Xã hội hiện đại, nhưng người giết mổ heo Nhật Bản vẫn bị khinh ghét, và nhiều tháng qua, người theo nghề này luôn bị dọa nạt.

Người giết mổ heo Nhật Bản bị khinh ghét, bị xếp vào "giai cấp bần cùng" Burakumin, vốn còn có người theo các nghề liên quan cái chết, như người thi hành án tử hình, nhân viên nhà đòn và người đào mộ, cùng các hội kinh doanh thịt gia súc, xí nghiệp thuộc da và cửa hiệu bán giày.

Theo báo Independent (Anh) "giai cấp bần cùng" Burakumin bị quy chụp là những người “mang linh hồn xấu xa bởi vì sát sinh”.

Burakumin còn bị gọi là Eta (tiếng Nhật đọc là uế đa, tức cực kỳ ô uế).

Thời phong kiến, quý tộc hoặc các hiệp sĩ samurai có thể giết chết giai cấp Eta mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào trước pháp luật, nếu như người Eta bị nghi phạm pháp.

Giữa thế kỷ 19, một sắc lệnh hoàng gia vẫn còn tuyên bố “một Eta chỉ đáng giá bằng 1/7 một người bình thường”.

Hệ thống phân chia giai cấp trong xã hội Nhật bị loại bỏ năm 1871, khi kết thúc chế độ phong kiến. Nhưng những rào cản vẫn tồn tại, khiến "người cùng đinh" Burakumin sống bên lề xã hội Nhật.

Gần đây, ở các chợ bán thịt gia súc tại Nhật, nhiều người giết mổ, bán thịt heo đã phải nhận những bức thư đe dọa rằng sẽ mãi mãi bị kỳ thị.

Trong thư bày tỏ sự cảm thông cho đàn gia súc phải vào lò mổ vì “chúng đã bị những tên Eta sát hại”.

Independent dẫn lời bà nội trợ Masako ở huyện Yao của thành phố cảng Osaka, rằng bà đã nhận được một lá thư mà không người mẹ nào muốn con cái họ đọc.

Thư viết “Này, bọn giết bò, bọn Eta khát máu. Chúng mày không thể làm nghề gì khác sạch sẽ hơn? Chúng tao đều thù ghét chúng mày. Dù hàng chục thập niên hoặc thế kỷ trôi qua, chúng tao sẽ mãi mãi kỳ thị chúng mày”.

Bà Masako (có lẽ là tên giả) là một hậu duệ của giai cấp Burakumin, kể con bà đã hỏi “tại sao chuyện này xảy ra với chúng ta? Tại sao chúng ta khác họ, chuyện này còn kéo dài không?”. Người mẹ không thể nào trả lời.

Hàng trăm cư dân huyện Yao cũng nhận những lá thư thù hận này. Bà cụ Osamu nói bà không dám ngủ khi đêm xuống, và bà sợ đến độ không dám mở cửa khi có người gõ cửa nhà bà.

Những lá thư thù hận ấy cũng được gửi ở hai thành phố Kyoto và Kobe, riêng ở Osaka có 500 người thuộc Burakumin đã phải nhận thư, theo Independent.


Một lò thuộc da ở Kobe

Một lò thuộc da ở Kobe

Cấm con cái lấy "kẻ bần cùng Burakumin"

Hiện Nhật Bản tôn trọng chủ nghĩa tự do, nhưng các nhà hoạt động xã hội nói thái độ đối xử với giai cấp cùng khổ nhất vẫn không thay đổi.

Theo tờ báo Anh nói trên, từ hàng chục năm qua, chủ trương của chính phủ là không đề cập những rắc rối mà khoảng 3 triệu người thuộc "giai cấp" Burakumin phải đối mặt. Đa số họ đều giấu nguồn cội vì sợ bị làm nhục.

Những năm 1960, chính quyền nỗ lực giúp giai cấp này hòa nhập vào xã hội, thông qua các dự án nhà ở xã hội, và nâng mức sống, nhưng sự kỳ thị vẫn tồn tại.

Vào giữa những năm 1970, một nhóm đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp Burakumin phát hiện một danh sách viết tay 330 trang, trong đó có tên tuổi các Burakumin và nơi họ sinh sống.

Danh sách này được bán lén cho các công ty, và rất nhiều công ty lớn ở Nhật sử dụng danh sách này để xem xét tuyển dụng lao động. Những người có tên trong danh sách sẽ bị loại trước tiên.

Năm 2009, giai cấp Burakumin còn phản ứng dữ dội khi bản đồ Google Earth công khai một số địa điểm ở Tokyo và Osaka ngày nay từng là những ngôi làng Burakumin trong quá khứ.

Ngày nay, khó biết con số chính xác những người sống ở các cộng đồng Burakumin. Một cuộc thăm dò của chính quyền năm 1993 liệt kê khoảng 1 triệu người sống trong hơn 4.000 cộng đồng như thế trên cả nước.

Liên đoàn giải phóng Burakumin (BBL), một tổ chức dân sự thành lập năm 1955, cho rằng số cộng đồng này khoảng 6.000, và nói những người liên quan tới giai cấp Burakumin khoảng 3 triệu người.

Toshikazu Kondo, thuộc BLL, nói ông vẫn bắt gặp danh sách những Burakumin ngày nay, nhưng với mục đích khác.

Ông nói: “Những năm 1970 họ dùng danh sách này để tuyển dụng, nhưng giờ nhà nước đã cấm điều đó. Nay họ dùng danh sách này để kiểm tra dâu rể tương lai”.

Trong một cuộc thăm dò do chính quyền tiến hành năm 2014, cứ 10 người thì 1 người nói họ không cho phép con cái làm vợ (chồng) một người có gốc gác Burakumin.

Bà mẹ 3 con Yoshiko Suzuki, 50 tuổi, nói thế hệ bà không thật sự quan tâm ai là người Burakumin, nhưng bà cũng không làm vợ một người thuộc giai cấp này, vì cha mẹ bà phản đối. Bà cũng không muốn con bà lấy người Burakumin làm chồng (vợ).

Một lý do để lo ngại là vì mối liên hệ của giai cấp Burakumin với tổ chức tội ác Yakuza ở Nhật.

Jake Adelstein, một phóng viên người Mỹ chuyên viết về tội phạm hình sự ở Nhật trong 20 năm qua, ước tính 1/3 các yakuza có gốc gác từ dân Burakumin, khi xã hội tẩy chay họ.


Ảnh chụp người giết mổ bò thuộc giai cấp bần cùng Burakumin

Ảnh chụp người giết mổ bò thuộc "giai cấp bần cùng" Burakumin

"Anh hàng thịt" sợ lo cho con cái bị kỳ thị 

Vì là chủ đề kiêng kỵ, nên hiếm khi báo giới Nhật đề cập nạn phân biệt giai cấp. Nhưng những lá thư hận thù đã thúc đẩy một chiến dịch phá bỏ sự im lặng này, cũng là để cảnh báo các nguy cơ.

Masahiko Tanigawa, chủ nhiệm BLL ở Tokyo, nói: “Giáo dục mọi người là điều cơ bản phải làm. Các luật nhân quyền được thông qua, nên có vài tiến bộ, nhưng vẫn chưa thể đủ”.

Ông cũng nói chưa có luật nào, nên BLL chưa thể truy tố những người có thái độ hận thù giai cấp Burakumin. Ông cho biết đang ráng vận động để có một luật nhằm buộc tội sự kỳ thị, thù hận này là vi phạm pháp luật.

Tại chợ thịt Shibaura ở Tokyo, người giết mổ gia súc luôn bị coi thường. Công việc của họ đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, huấn luyện đặc biệt và cả sức mạnh tinh thần, có khi để ra nghề phải mất hàng chục năm học việc.

Nhưng nhiều người vẫn không thể tự hào về nghề nghiệp của mình. Người mổ heo tên là Yuki Miyazaki nói: “Khi người ta hỏi chúng tôi làm nghề gì, chúng tôi rất ngại trả lời.

Trong phần lớn trường hợp, vì chúng tôi không muốn gia đình mình tổn thương. Nếu chúng tôi bị phân biệt đối xử, chúng tôi có thể chống lại.

Nhưng nếu đó là con cái chúng tôi thì khó. Chúng tôi phải bảo vệ chúng. Nếu con tôi bị kỳ thị, chúng chẳng có cách nào để đối phó”.

Ông Tanagawa nói đã đến lúc phải giải quyết nạn kỳ thị giai cấp Burakumin: “Chúng tôi đang ráng loại trừ, và khi chúng xảy ra, chính quyền địa phương cần vận động công dân phản đối mạnh mẽ, nhằm dập tắt sự kỳ thị ngay lập tức”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại