Lý do Lỗ Tấn không bao giờ "đụng" đến Tưởng Giới Thạch

Trần Quỳnh |

Nổi tiếng là cây bút đanh thép trên mặt trận văn hóa – tư tưởng của Trung Quốc, nhưng vì sao ngòi bút của Lỗ Tấn chưa bao giờ phê bình hay đả kích Tưởng Giới Thạch?

Là người đặt nền móng cho nền văn chương hiện đại Trung Quốc, đại văn hào Lỗ Tấn nhận được vô số sự ngưỡng vọng của hậu thế.

Sinh thời, ông nổi danh ngay thẳng, thù ghét cái ác. Ngòi bút của vị văn sĩ này đã từng vạch trần vô số kẻ thủ ác, cũng từng “trảm” không ít người giả nhân giả nghĩa, bất kể đó là chính trị gia, nhà quân sự, nhà giáo dục…

Tuy nhiên, điều khiến hậu thế không khỏi thắc mắc chính là: một người “yêu chính nghĩa, ghét gian tà” như Lỗ Tấn vì sao chưa từng “đụng” tới Tưởng Giới Thạch?

Những điểm tương đồng ít biết giữa hai nhân vật đối lập

Cùng lớn lên và hoạt động trong buổi loạn lạc, Lỗ Tấn và Tưởng Giới Thạch có không ít điểm tương đồng. Thậm chí, những điều này đã tạo nên sợi dây liên kết vô hình mà sâu xa giữa hai nhân vật đối lập này.

Thứ nhất, cả hai người đều là đồng hương đến từ Chiết Giang. Lỗ Tấn ở Thiệu Hưng, Tưởng Giới Thạch sinh tại Phụng Hóa. Hai nơi này cách nhau không quá 300 dặm.

Trong lịch sử cận đại, hai người đồng hương này “một văn một võ”, tạo nên những ảnh hưởng to lớn đối với Chiết Giang nói riêng.


Lỗ Tấn là đồng hương Chiết Giang cùng Tưởng Giới Thạch. (Ảnh: nguồn internet).

Lỗ Tấn là đồng hương Chiết Giang cùng Tưởng Giới Thạch. (Ảnh: nguồn internet).

Thứ hai, Lỗ Tấn và Tưởng Giới Thạch đều từng du học tại Nhật Bản và tham gia các tổ chức cách mạng tại đây.

Trong khi Lỗ Tấn gia nhập Quang Phục hội, Tưởng Giới Thạch lại chọn Trung Quốc Đồng minh hội.

Tuy hai người không có mối giao thiệp nào với nhau ở nơi đất khách, nhưng có một chi tiết không thể bỏ qua, đó là vụ việc Đào Thành Chương (người đứng đầu Quang Phục hội) từng bị chính tay Tưởng ám sát.

Thứ ba, cả hai nhân vật này đều từng nhận những nhiệm vụ Cảm tử quân.

Quang Phục hội của Lỗ Tấn vốn là một đội ám sát cảm tử, từng hạ sát không ít nhân vật tiếng tăm trong nội bộ Thanh triều. Bản thân ông cũng nhận lời tham gia một vụ ám sát. Tuy nhiên trước ngày lên đường, Lỗ Tấn bất ngờ đổi ý.

Khi đó, ông hỏi người phụ trách: “Nếu như ta bị bắt, bị chém đầu, còn lại mẹ già, ai chịu trách nhiệm phụng dưỡng bà thay ta?” Người phụ trách đành phái người khác nhận nhiệm vụ thay Lỗ Tấn.


Thuở thiếu thời, Tưởng Giới Thạch và Lỗ Tấn từng có không ít điểm tương đồng. (Ảnh: nguồn internet).

Thuở thiếu thời, Tưởng Giới Thạch và Lỗ Tấn từng có không ít điểm tương đồng. (Ảnh: nguồn internet).

Ở phương diện này, Tưởng Giới Thạch lại hành động khác với người đồng hương của mình.

Khi quân cách mạng đi đánh Hàng Châu, họ Tưởng này đảm nhiệm vị trí đội trưởng Cảm Tử quân, đi đầu xung phong vào trận mạc.

Trước khi đi, Tưởng Giới Thạch có viết gửi mẹ mình một bài thơ. Trong thơ có câu “thứ cho con tội bất hiếu”, đồng thời cũng nói bản thân mình đã thề hi sinh vì nước, hy vọng mẹ không quá nhớ mong.

Mẹ ông cũng là một người vì nghĩa lớn, hồi âm lại cho con trai: “Con sinh ra để làm việc nghĩa, chớ vì việc nhà mà bận lòng.”

Đương nhiên, sự đối lập trong hành động trên của hai người không dùng để nhận định Lỗ Tấn nhát gan hay tán dương Tưởng Giới Thạch anh dũng. Điều mấu chốt là ở chỗ hai nhân vật này có quan điểm khác nhau và lựa chọn hai con đường cũng khác nhau.

Lỗ Tấn từng hai lần “ra mặt” ngợi khen Tưởng Giới Thạch

Vào giai đoạn đầu, Tưởng Giới Thạch là biểu tượng cho lực lượng cách mạng, lực lượng tiến bộ. Lỗ Tấn cũng đánh giá cao người đồng hương này.

Họ Tưởng xuất hiện lần đầu trong văn chương của Lỗ Tấn vào ngày 20 tháng 10 năm 1926 trong bài thơ viết tại Quảng Bình:

“Hiện tại, ta hận nhất cái gọi là ‘học giả chỉ nói học vấn, không nói đảng phái’. Giả như nói tới việc nghiên cứu, chế tạo pháo mà không nhắc tới Tưởng Giới Thạch, Ngô Bội Phu thì chẳng phải là bịa đặt hay sao?”


Lỗ Tấn từng hai lần nhắc tới Tưởng Giới Thạch trong văn chương của mình bằng sự tán thưởng. (Tranh minh họa).

Lỗ Tấn từng hai lần nhắc tới Tưởng Giới Thạch trong văn chương của mình bằng sự tán thưởng. (Tranh minh họa).

Năm đó, Lỗ Tấn 45 tuổi, đảm nhiệm chức vụ giảng viên dạy Quốc Văn tại Đại học Hạ Môn. Theo tư tưởng chính trực và tình hình lúc bấy giờ, Lỗ Tấn hoàn toàn ủng hộ Tưởng Giới Thạch.

Lần thứ hai ông nhắc tới người đồng hương họ Tưởng là vào ngày 6/12/1926. Trong bức thư của mình, Lỗ Tấn có viết:

“Nếu như trước hay sau kỳ nghỉ hè, ‘Giới Thạch đồng chí’ của chúng ta đánh tới Bắc Kinh, hay là ta cũng quay về đó, một mặt để phiêu lưu, mặt khác cũng thử xem con người ta cuối cùng là nhận được bao nhiêu đả kích.”

Khi ấy, Tưởng Giới Thạch đang chuẩn bị Bắc Phạt. Lỗ Tấn kỳ vọng rất cao vào ông, chỉ mong ông ta có thể đánh tới Bắc Kinh, khiến cho bản thân mình có chỗ “được nhờ”.

Như vậy, Tưởng Giới Thạch chỉ xuất hiện trong văn chương của Lỗ Tấn vẻn vẹn hai lần. Tên của ông đều xuất hiện ngay đầu tác phẩm và thể hiện sự tán dương của người viết.

Lỗ Tấn chưa một lần phê bình, đả kích Tưởng Giới Thạch

Khi quân Tưởng ngày càng lớn mạnh và đi theo hướng phản động, thái độ của Lỗ Tấn đối với đồng hương cũng chuyển biến. Nhưng bản thân ông vẫn chưa một lần đả kích Tưởng Giới Thạch bằng ngòi bút của mình.

Ngày 13/2/1930, Lỗ Tấn cùng Úc Đại Phu, Nhu Thạch đứng lên thành lập “Trung Quốc Tự do Vận động Đại đồng minh” – tổ chức kêu gọi quyền tự do ngôn luận. Kết quả, ông bị Quốc Dân đảng phát lệnh truy nã.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ nằm ở chỗ: lệnh truy nã trên kéo dài tới 7 năm, hành tung của Lỗ Tấn cũng không quá bí mật. Tuy nhiên ông chưa bao giờ bị bắt.

Rất nhiều người cho rằng: Lỗ Tấn có uy vọng và sức ảnh hưởng quá lớn khiến người của Quốc Dân đảng không dám hạ thủ. Kỳ thực giải thích này không hề hợp lý.

Trước đó, vô số nhân vật lớn đã từng bị Quốc Dân đảng hạ thủ. Ngay cả Sử Lượng Tài (chủ bút tờ “Trình báo”) có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn cũng đã bị ám sát thẳng tay.

Như vậy, lý do gì đã giúp Lỗ Tấn bảo toàn tính mạng trước nanh vuốt của đảng này?


Phải chăng Lỗ Tấn nhiều lần “thoát hiểm” là bởi Tưởng Giới Thạch coi trọng ông? (Ảnh: nguồn internet).

Phải chăng Lỗ Tấn nhiều lần “thoát hiểm” là bởi Tưởng Giới Thạch coi trọng ông? (Ảnh: nguồn internet).

Tháng 12/1930, có người từng mật báo cho Tưởng: “Hiện tại Bộ Giáo dục đang mời riêng biên tập Chu Dự Tài, chính là Lỗ Tấn.

Kẻ này là người khới xướng ‘Trung Quốc Tự do Vận động Đại đồng minh’ mà ngài căm ghét, cũng cầm đầu phe phái tác giả trong nước theo chủ trương ‘nhân hòa’. Đảng bộ Quốc Dân đảng ở Chiết Giang xin ý kiến Trung ương phát lệnh truy nã kẻ này.”

Vậy nhưng, Tưởng Giới Thạch không những không sai người bắt Lỗ Tấn mà còn vui vẻ nói:

“Việc này tốt. Ngươi biết rõ trong Bộ Giáo dục có bao nhiêu người từng thân thiết với Lỗ Tấn. Phái một người trong số đó đi tìm ông ta, nói cho ông ta hay rằng ta đã biết việc này, rất cao hứng. Bản thân ta ngưỡng mộ ông ấy, muốn gặp ông ấy.”

Đứng trước “thịnh tình” của Tưởng Giới Thạch, Lỗ Tấn nhất quyết cự tuyệt. Tuy nhiên, bản thân ông hiểu rõ sự nhẫn nại của Tưởng là có hạn. Có lẽ đây chính là lý do mà Lỗ Tấn không đả kích, phê phán Tưởng Giới Thạch trong văn chương.


Không đả kích Tưởng Giới Thạch cũng là một bước đi khôn ngoan của Lỗ Tấn. (Tranh minh họa).

Không đả kích Tưởng Giới Thạch cũng là một bước đi khôn ngoan của Lỗ Tấn. (Tranh minh họa).

Bản thân ông từng đối mặt với không ít đối thủ, nắm rõ được khi nào thì “mềm nắn”, khi nào cần “rắn buông”. Hơn nữa, một người từng cự tuyệt hành động ám sát như Lỗ Tấn càng hiểu hơn ai hết sự hy sinh vô nghĩa là không cần thiết.

Kế sách “tránh voi chẳng xấu mặt nào” không những giúp Lỗ Tấn tránh được những rắc rối và tai họa không cần thiết, mà còn giúp ông có cơ hội tiếp tục hoạt động cách mạng dựa trên sự “coi trọng” từ kẻ thù.

Ngày 19/10/1936, Lỗ Tấn qua đời. Khi ấy, Tưởng Giới Thạch phái Thị trưởng Thượng Hải là Ngô Thiết Thành tới dự lễ tang, thay mặt ông tặng vòng hoa kính viếng.

Hành động này thể hiện rõ sự thành kính và coi trọng của Tưởng Giới Thạch dành cho Lỗ Tấn, ngay cả khi hai người đứng ở hai đầu chiến tuyến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại