Trứng giả chứa chất gây chậm phát triển từng bị phát hiện vài lần ở Trung Quốc. Ảnh: Sweet Morris
Cho một ít sodium alginate (một loại muối natri) vào nước và khuấy đều trong khoảng 90 phút, cho thêm gelatin (bột lấy từ da lợn và xương gia súc) rồi để trong 10 giờ.
Cuối cùng, cho thêm natri benzoat, phèn chua và một chút lactones để tạo vị. Cho thêm một ít chất tạo màu vàng rồi đổ vào chiếc khuôn tròn nhỏ.
Cho thêm canxi clorua rồi đợi dung dịch này đặc lại để thả vào hỗn hợp dung dịch không màu.
Cuối cùng, nhúng hỗn hợp này vào sáp parafin và thạch cao để nó được bao bọc trong những chiếc vỏ trứng đẹp đẽ sáng bóng.
Thế là đã có một quả trứng, được làm ra trong vòng 24 giờ với số tiền chỉ bằng 1/4 so với chi phí nuôi một con gà đẻ trứng theo cách tự nhiên. Nếu cho màu xanh lá cây vào dung dịch trên, sẽ làm ra quả nho giả.
Khi nghe tin có trứng giả Trung Quốc xuất hiện năm 2011, ông David Dodwell, Giám đốc điều hành Nhóm Chính sách thương mại APEC (trụ sở tại Hong Kong), cho biết ông không tin điều này.
Nhưng rồi ông phát hiện ra, sự thật là một nhà hóa học có thể làm ra quả trứng với chi phí rẻ hơn nuôi gà đẻ.
Trên thực tế, hầu hết các loại thực phẩm giả và thực phẩm pha trộn không tinh xảo như vậy.
Đó có thể chỉ là cho thêm nước để tăng trọng lượng thực phẩm, hoặc đổ thêm dầu hạt cải vào dầu oliu nguyên chất, hoặc ghi nhãn cá hồi nuôi là cá hồi tự nhiên.
Những chiêu trò lừa dối người tiêu dùng không có gì mới. Thời Roma cổ đại, những kẻ bán rượu cho thêm chì vào rượu chua để che giấu vị của nó.
Và có lẽ đó cũng là lý do rất nhiều người trong giới thượng lưu giàu có ở Rome bị vô sinh và tâm thần.
Theo Richard Evershed, giáo sư ngành sinh hóa tại ĐH Bristol (Anh), khi đi giữa những kệ hàng hóa trong siêu thị, người tiêu dùng cần nhớ rằng, ít nhất 10% hàng hóa ở đó bị pha trộn, vì thực tế là pha trộn thực phẩm là tình trạng quá phổ biến, và những người bán thực phẩm lúc nào cũng phải chơi trò mèo đuổi chuột với những kẻ làm hàng lừa đảo để bảo đảm thực phẩm bán cho khách hàng được an toàn và đúng những gì ghi trên bao bì.
Tại Mỹ, nhóm hoạt động môi trường biển Oceana gần đây lấy mẫu 1.200 sản phẩm từ hải sản được bán tại 674 cửa hàng bán lẻ và phát hiện 33% trong số đó bị ghi nhãn sai. Ví dụ, cá hồng cao cấp thực ra là cá rô phi nuôi.
Các nhà xuất khẩu loại mật ong manuka hiếm và đắt đỏ (do những chú ong hút mật hoa manuka ở New Zealand) gần đây gặp phải những câu hỏi khó chịu từ khách hàng trung thành khắp thế giới: nếu New Zealand chỉ sản xuất được 1.900 tấn mật ong manuka mỗi năm, tại sao sản lượng loại mật ong này trên toàn cầu lên đến 9.070 tấn trong năm ngoái?
Dân Trung Quốc tiêu thụ 127 triệu tấn gạo mỗi năm. Nước này trước đây tự cung tự cấp gạo, nhưng kể từ năm 2011 đã phải nhập khẩu vì nhiều người giàu lên và cần thêm ngũ cốc để nuôi gia súc lấy thịt.
Lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc nếu tăng 10%, tương đương 13 triệu tấn, sẽ chiếm hơn 1/3 tổng số 33 triệu tấn gạo được bán trên thế giới.
Khi gạo thiếu, giá tăng, có gì ngạc nhiên khi các nhà hóa học làm gạo giả từ nhựa và bột khoai tây?
GS Evershed ước tính, gian lận trong sản xuất thực phẩm khiến ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu thiệt hại 10-50 tỷ USD mỗi năm.
“Khi một sản phẩm bị ghi nhãn sai, người tiêu dùng bị lừa tiền, bị lừa về dinh dưỡng, và những nhà sản xuất hợp pháp bị ảnh hưởng”, ông Evershed nói. Và khi melamine bị cho vào sữa, tính mạng của người dùng gặp rủi ro.
Cách đối phó
GS Evershed đưa ra một số gợi ý giúp người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình khỏi những nguy hiểm tồi tệ nhất như sau: Trước tiên và quan trọng nhất, dùng mũi và vị giác.
Hàng nghìn năm tiến hóa dạy con người nhận ra những thứ “không ổn lắm”.
Qua thời gian, khả năng thử thực phẩm của người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm hơn; Mua thực phẩm nguyên vẹn, có thể nhận biết. Pha trộn các gói cá phi lê dễ hơn cả con cá vẫn còn đầu.
Thực phẩm chế biến sẵn dễ bị pha trộn hơn thực phẩm tươi sống; Rút ngắn chuỗi hàng hóa: Chuỗi cung cấp càng dài thì càng có cơ hội cho những kẻ lừa dối, và người tiêu dùng càng khó biết họ đang mua gì; Mua hàng từ những người đáng tin; Tránh hàng hóa có giá không thực tế. Nếu thứ gì đó rẻ khó tin thì khó có thể là thật.