Không phải nhan sắc, hoa hậu TQ thời xưa đẹp nhất ở vị trí nào?

Trần Quỳnh |

Từ xa xưa, Trung Quốc đã xuất hiện những cuộc thi hoa hậu song tiêu chí để đánh giá mỹ nhân của cổ nhân có nhiều điểm khác biệt so với hiện nay.

Những tiêu chuẩn về mỹ nữ của cổ nhân

Những khái niệm về “người đẹp”, “mỹ nữ” bắt đầu được nhắc tới từ khi có các cuộc tuyển chọn phi tần cho Hoàng đế.

Thời xưa, các vị vua Trung Hoa đã có hình thực “chiếu thư tuyển mỹ”. Đây là một loại chiếu chỉ bố cáo thiên hạ nhằm mục đích “tuyển dụng” mỹ nữ vào cung làm phi tần.


Những cuộc tuyển chọn mỹ nữ cho Hoàng đế chính là tiền đề cho các cuộc thi hoa hậu sau này. (Tranh minh họa).

Những cuộc tuyển chọn mỹ nữ cho Hoàng đế chính là tiền đề cho các cuộc thi hoa hậu sau này. (Tranh minh họa).

Theo “Tấn thư” và “Tư trì thông giám”, Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm từng ra một “chiếu thư tuyển mỹ” vào năm Thái Thủy thứ 9 (năm 273). Chiếu chỉ này đưa ra bốn tiêu chí để lựa chọn mỹ nữ như sau:

“Một là xuất thân hiển quý.

Hai là dung mạo xinh đẹp.

Ba là vóc dáng cao ráo.

Bốn là làn da trắng nõn.”

Chiếu chỉ này còn đi kèm một số phụ chú với nội dung: “che giấu mỹ nữ là tội bất kính”, “nếu tuyển chọn không hết, liền cấm cả thiên hạ cưới gả.”

Với những tiêu chí “trên trời” và lời răn đe trên, đây được xem là “chiếu thư” hoang đường nhất từng được ghi nhận trong lịch sử nước này.

Tuy nhiên, cuộc thi hoa hậu chính thức đầu tiên tại Trung Quốc lại không dùng những tiêu chí tuyển phi như Tư Mã Viêm đưa ra, mà lại có chuẩn mực vô cùng…kỳ dị.

Dung mạo đẹp không bằng... chân đẹp!

Theo nhiều nguồn sử liệu, cuộc thi hoa hậu đầu tiên tại Trung Quốc thực chất chính là cuộc… "so chân” giữa các thiếu nữ. Theo đó, “tú túc” (chân đẹp) và “tam thốn kim liên” (gót sen ba tấc) được lấy làm chuẩn mực cho các hoa hậu Trung Hoa cổ đại.

Xuất phát từ quan niệm thẩm mỹ của đa số đàn ông thời bấy giờ, thì bàn chân người phụ nữ càng nhỏ, càng bó sẽ được coi là đẹp.


Những phụ nữ có bàn chân bó nhỏ được xem như hoa hậu thời xưa. (Ảnh minh họa).

Những phụ nữ có bàn chân bó nhỏ được xem như "hoa hậu" thời xưa. (Ảnh minh họa).

Loại “mỹ cảm” này cũng được ghi lại trong nhiều tư liệu lịch sử và các tác phẩm văn học.

Phàm là người đọc qua “Thủy Hử truyện” đều biết việc Phan Kim Liên vụng trộm tư tình cùng Tây Môn Khánh. Họ Tây khi hẹn hò cùng Kim Liên thường cố tình làm rơi đũa rồi giả vờ cúi xuống để có cơ hội chạm vào “gót sen ba tấc” của người đẹp.

Những cuộc thi hoa hậu đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc thường được nhắc tới với tên gọi “tái túc hội”, “liên tục hội”, “sái túc hội”. Nói cách khác, đây chính là cuộc “so chân” theo đúng nghĩa đen của các phụ nữ thời bấy giờ.

Tục bó chân ở nữ giới Trung Hoa xuất hiện từ thời Hậu Chủ thuộc nhà Nam Đường, nhưng phải tới nhà Minh, những cuộc thi hoa hậu với hình thức “so chân” mới xuất hiện.

Có ý kiến cho rằng, loại so tài này bắt đầu có từ những năm Chính Đức (1506 – 1521) dưới thời vua Minh Vũ Tông.


Đánh giá vẻ đẹp qua những bàn chân đã biến dạng chính là quan niệm thẩm mỹ dành cho phụ nữ thời xưa. (Ảnh minh họa).

Đánh giá vẻ đẹp qua những bàn chân đã "biến dạng" chính là quan niệm thẩm mỹ dành cho phụ nữ thời xưa. (Ảnh minh họa).

Thời bấy giờ, Sơn Tây là địa danh nức tiếng gần xa với những cuộc thi hoa hậu dưới hình thức này. Cuộc thi thường được tổ chức vào tháng 6, tết Nguyên Tiêu hoặc ngay trong dịp hội làng, chợ phiên.

Các cô gái tới so tài thường đội khăn che kín đầu, ngồi trong xe ngựa, bậc thềm cửa, hoặc tập trung tại các khoảng sân rộng để…”so chân”. Những người này đều không để cho người khác nhìn thấy dung nhan của mình mà chỉ để lộ ra đôi chân để giám khảo bình phẩm.

Sau thời gian đánh giá về những đôi chân này, giám khảo liền phỏng theo hình thức khoa cử mà bình chọn ra những người đạt giải theo thứ tự từ cao xuống thấp.

Theo đó, người có đôi chân đẹp nhất sẽ là “Trạng nguyên”, người về nhì là “Bảng nhãn”, người về thứ ba là “Thám hoa”.

Những người này sau đó sẽ nhanh chóng trở nên nổi tiếng với danh hiệu “mỹ nữ”. Nếu những cô nương chưa gả chồng đạt giải sẽ càng trở nên “cao giá”, các mối ăn hỏi nhanh chóng tìm đến đầy cửa.

Lầu xanh cũng tổ chức thi hoa hậu?

Đến thời nhà Thanh, không chỉ có những cuộc so chân của các cô gái “nhà lành”, mà ngay cả lầu xanh, kỹ viện cũng tổ chức thi hoa hậu.

Cuộc thi này có tên là “Hoa quốc tuyển cử”, do một người tên Lý Bá Nguyên – chủ bút của tờ “Báo Du Hí” đứng lên tổ chức và năm Quang Tự thứ 22 (năm 1896).

Một cuộc thi so tài giữa các mỹ nữ lần đầu tiên được công khai trên các mặt báo đã mang đến một luồng gió mới cho xã hội lúc bấy giờ. Các kỹ viện liên tục tổ chức thi thố để tìm ra hoa khôi. Các độc giả cũng vô cùng hoan nghênh tin tức về những cuộc thi này.

“Hoa quốc tuyển cử” không chỉ dựa vào chân để đánh giá đẹp xấu, mà còn dựa vào tài nghệ để tìm ra người đứng đầu. Những người này sẽ được đưa vào một bảng xếp hạng có tên gọi là "bình hoa bảng".

Tuy nhiên, cuộc thi này thực chất chỉ mời đến những danh kỹ nổi tiếng, sau đó bình chọn ra một người làm “hoa khôi”. So với các cuộc thi “so chân” thời nhà Minh thì còn thua xa về sự công tâm, thành thật trong đánh giá.

Dù vậy, việc bình chọn ra “bình hoa bảng” đã tạo ra chỗ đứng cho các cô gái phong trần, đồng thời cũng khiến cho việc làm ăn của các thanh lâu thời đó càng thêm hưng thịnh.

Nếu những hoa hậu thời xưa được gọi là “Trạng nguyên”, Bảng nhãn”, “Thám hoa”, thì các hoa hậu ngày nay được xếp hạng theo “Quán quân”, “Á quân”, “Quý quân”.

Dù khác nhau về danh xưng, nhưng các danh hiệu này đã phản ánh được phần nào “mỹ cảm” của con người qua các thời đại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại