Hẳn chưa ai quên được cái tên Psy - hiện tượng ca nhạc đình đám thế giới đến từ Hàn Quốc với bản hit “Gangnam Style” thống trị bảng xếp hạng Youtube cùng lượng view kỷ lục gần 2,4 tỷ lượt.
Đó đựợc xem như lời “đáp trả” của Hàn Quốc với Beverly Hills - khu “hạng sang” tập trung những người giàu có và nổi tiếng tại nước Mỹ.
Tuy nhiên, đằng sau vẻ hào nhoáng của hàng loạt tòa cao ốc chọc trời, những chiếc xe siêu sang, những trung tâm mua sắm và các cô hot girl ăn mặc thời trang lại là một hình ảnh hoàn toàn khác:
Hơn 2000 người nghèo Seoul đang phải lăn lộn kiếm sống qua ngày trong những căn nhà tạm với mái tôn xiêu vẹo và chật chội, đó chính là khu làng ổ chuột Guryong.
Đây được coi là khu ổ chuột cuối cùng còn sót lại sau nỗ lực xóa bỏ các khu ổ chuột của chính phủ Hàn Quốc để phục vụ cho kì Olympic Seoul 1988.
Những người dân sinh sống ở Guryong đều thuộc tầng lớp nghèo khó nhất xã hội, phải chật vật kiếm sống qua ngày và không được tiếp cận các hạng mục cơ sở hạ tầng cơ bản.
Tại đây, họ phải tính toán làm sao để sử dụng 20 kg gạo cho 5 người ăn trong 4 tháng, và thậm chí là băn khoăn liệu có nên ăn hai bữa cơm một ngày. Kinh khủng hơn, nhà vệ sinh của họ chỉ là những chiếc hố đào trên mặt đất và được chia sẻ bởi nhiều hộ dân.
Những loại côn trùng ở đây đã “đột biến” và không sợ thuốc diệt côn trùng càng khiến cho cuộc sống ở khu ổ chuột này trở nên chật vật.
Nghiêm trọng hơn, khu vực này còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn do những đường dây điện tự mắc chằng chịt như mạng nhện.
Vào năm 2014, một vụ cháy lớn đã thiêu rụi hàng chục ngôi nhà và khiến một người thiệt mạng. Đó là vụ cháy thứ 11 tại đây kể từ năm 2009.
Trước kia, khu Gangnam vẫn còn là một vùng kém phát triển tại thủ đô Seoul. Và những người dân ở đây không thể ngờ rằng, nhiều năm sau họ sẽ trở thành “mảnh ghép” của một quận giàu có và “sang chảnh” nhất Seoul.
Tại đây, người ta sẽ thấy được sự tương phản giàu – nghèo một cách rõ nét nhất: Từ căn hộ trị giá 4,3 tỷ won (khoảng 75 tỷ VND) nhìn xuống khu Guryong, chủ nhân của nó đang suy nghĩ xem nên mua thêm chiếc TV màn hình phẳng đắt tiền nào thì ngay bên dưới, những người dân nghèo còn đang thiếu thốn những cơ sở vật chất đơn giản nhất.
Nhiều nỗ lực đã được đưa ra nhằm tái thiết khu vực này cũng như tái định cư cho các hộ dân nhưng đều không đạt kết quả do những tranh luận gay gắt trong nội bộ chính quyền cùng sự chia rẽ giữa người dân địa phương và hàng loạt vấn đề pháp lý xung quanh việc xác định quyền sở hữu đất và tiền điền bù giải phóng mặt bằng.
Cuối năm 2014, chính quyền Seoul đã đưa ra một giải pháp, đó là cho phép các tổ chức nhà nước được mua lại đất ở khu vực này và tiến hành đền bù cho các hộ dân, tuy nhiên cho đến nay vẫn không có nhiều tiến triển bởi chính quyền Seoul thiên về việc kết hợp đền bù bằng một căn hộ ở nơi khác đi kèm với một khoản tiền nhỏ - một việc mà những người dân ở đây không bao giờ đồng ý.
Với những nỗ lực rất lớn mà không mang lại kết quả như mong muốn, khu ổ chuột Guryong vẫn tiếp tục bị bỏ quên bên rìa khu thương mại Gangnam sầm uất như lời nhắc nhở về một quá khứ đã qua giữa lòng đất nước Hàn Quốc xinh đẹp.