Cụ thể, cảnh sát trên toàn Malawi được lệnh bắn bất cứ ai tấn công người bạch tạng.
Quan chức cảnh sát Malawi Lexten Kachama tuyên bố: "Hãy bắn mọi tên tội phạm bị bắt quả tang lúc đang tấn công người bạch tạng.
Chúng ta không thể chỉ đứng nhìn họ bị giết mỗi ngày, như những con thú. Chúng ta nhận thức rõ những kẻ tấn công vô cùng tàn nhẫn và chẳng hề có lòng thương xót. Do đó, chúng cũng cần nhận được sự đối xử tương tự".
Mệnh lệnh này được đưa ra chỉ một tháng sau khi một người đàn ông Malawi bị bắt khi đang cố gắng siết cổ đến chết một cậu bé bị bệnh bạch tạng 16 tuổi.
Năm 2009, Thủ tướng Tanzania Mizengo Pinda đã từng ban hành một mệnh lệnh tương tự. Có tin nói ông còn kêu gọi người dân "giết tại chỗ" kẻ nào bị bắt quả tang đang giữ các bộ phận cơ thể người bạch tạng.
Trong khi đó, những đứa trẻ bạch tạng sống tại Đông Phi cũng được đưa tới một khu vực đặc biệt, nằm dưới sự bảo vệ của quân đội Burundi.
Theo báo cáo từ Liên hợp quốc, ít nhất 15 người bị bạch tạng, chủ yếu là trẻ em, đã bị giết chết, làm bị thương hoặc bị bắt cóc ở Đông Phi trong vòng 6 tháng qua.
Bộ phận cơ thể họ rất có giá tại thị trường buôn bán đồ phục vụ nghi lễ phù thủy. Nhiều người tin rằng những món bùa phép phù thủy có chứa phần cơ thể của người bạch tạng luôn rất linh nghiệm.
Theo báo cáo từ Hội Chữ thập đỏ, các thầy cúng sẵn sàng trả tới 75.000 USD để mua đầy đủ các bộ phận cơ thể của người bạch tạng.
Vicky Ntetema, giám đốc điều hành của Under The Same Sun, một tổ chức phi lợi nhuận của Canada chuyên bảo vệ quyền bạch tạng, cho biết, các nhà vận động muốn đòi lại công lý cho những người đã bị bắt cóc và sát hại.
Tuy nhiên, cô nhấn mạnh: "Chúng ta phải nhớ rằng tất cả những kẻ bị bắt quả tang ... chỉ là những con cá nhỏ. Những con cá mập lớn vẫn ở ngoài kia.
Giết họ ngay tại chỗ không phải là biện pháp giúp chúng ta tìm được kẻ chủ mưu - những kẻ sẵn sàng vung tiền thuê các băng nhóm khủng bố người bạch tạng vô tội và gia đình của họ".
Bạch tạng là triệu chứng rối loạn bẩm sinh ảnh hưởng tới khoảng 1/20.000 người trên toàn thế giới. Căn bệnh này phổ biến ở khu vực cận Sahara của châu Phi và ảnh hưởng đến người Tanzania với tỷ lệ khoảng 1/1400.