Từ xưa tới nay, Hoàng đế được mệnh danh là người “phú hữu tứ hải” (giàu khắp bốn biển), ngồi trên vinh hoa phú quý của thiên hạ. Nhưng trong lịch sử Trung Quốc lại có một vị vua vô cùng tiết kiệm, thậm chí đến mức keo kiệt. Đó là Đạo Quang Hoàng đế.
Vị Hoàng đế này đã đưa tiết kiệm trở thành mục tiêu, mà còn lấy đó làm chỉ tiêu để đánh giá năng lực và phẩm chất của các vị đại thần.
Tuy nhiên, khi bình phẩm về phong cách tiết kiệm của Đạo Quang, các sử gia phần lớn đều mỉa mai, chế nhạo.
Vậy, vì sao một vị Hoàng đế cần kiệm lại không để lại tiếng thơm mà còn bị hậu thế chê cười? Là vua của một nước, cuộc sống thực sự của Đạo Quang hà tiện tới mức nào? Lối sống tiết kiệm là bản tính của ông hay bắt nguồn từ một nguyên do khác?
Thiên tử keo kiệt độc nhất vô nhị
Tính cách tiết kiệm của Đạo Quang được thể hiện khi ông còn ở ngôi Thái tử.
Vào năm Gia Khánh thứ 23 (năm 1818), Đạo Quang theo cha là Gia Khánh Hoàng đế đi Thịnh Kinh (tên gọi khác của Thẩm Dương) để tế lễ tưởng nhớ tổ tiên. Tối đó Hoàng đế và Thái tử nghỉ tại cố cung Thẩm Dương.
Tuy nói nơi đây là “cung điện”, nhưng thực tế lại khá tồi tàn, chật hẹp, thậm chí còn không bằng với thương phủ Sơn Tây hay phủ đệ của Vương gia.
Gia Khánh Hoàng đế khi đó cố ý đưa Đạo Quang tới phòng lò sưởi phía đông của Thanh Ninh cung, lại sai người lấy di vật của Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích và Thái Tông Hoàng Thái Cực cho Thái tử xem qua.
Di vật có khang đèn (đèn đốt từ kê, cám), một đôi giày U – la làm từ da trâu đã cũ (loại giầy độn cỏ bên trong), một chiếc trượng gỗ không được trang trí.
Nhìn những vật phẩm đơn sơ, lại nghe phụ hoàng hồi tưởng lại những năm tháng gian nan lập nghiệp của tổ tiên, Đạo Quang từ đó quyết chí rèn luyện tính tiết kiệm.
Sau khi hồi kinh, Đạo Quang và thê tử vô cùng ăn ý, lập tức sai người dời đi nhiều vật phẩm trong phòng, chỉ để lại giường, bàn và một vài đồ trang trí.
Từ đó về sau, vào lúc 4 giờ chiều mỗi ngày, Đạo Quang thường phái thái giám ra ngoài cung mua bánh nướng. Do đường xa, thái giám dù đã cất bánh trong ngực, nhưng bánh vẫn bị lạnh và cứng.
Tuy nhiên, Hoàng đế và Hoàng hậu không hề trách cứ, dùng một bình trà nóng để hâm lại, sau khi ăn xong liền ngay lập tức lên giường đi ngủ, ngay cả đèn cũng không dùng đến.
Hoàng đế Đạo Quang và Hoàng hậu có đời sống giản dị đến khó tin.
Đạo Quang lên ngôi Hoàng đế ngay lập tức khởi xướng phong trào tiết kiệm trong nước. Vào năm Đạo Quang thứ nhất, ông ban hành tuyên ngôn về tiết kiệm có tên là “Ngự chế Thanh sắc hóa lợi dụ”, đại ý là:
Thứ nhất: trọng nghĩa khinh lợi, không tích tư tài, trước là vì quốc gia, sau là vì thiên hạ, vì bách tính. Ông còn trích dẫn câu nói của cổ nhân: “bách tính no đủ, quân vương có thể giàu, nhưng bách tính thiếu thốn, quân vương sao có thể đủ đầy?”
Thứ hai: đình chỉ việc các tỉnh tiến cống. Đạo Quang cho rằng các tỉnh tiến cống đều là những đặc sản như hoa quả, rau dưa, lá trà, dược liệu…
Những thứ này đều là mồ hôi, nước mắt của nhân dân, bỏ đi phần nào có thể giảm bớt phần đó gánh nặng cho dân. Hơn nữa, đường sá xa xôi, việc vận chuyển có thể gây lãng phí nhân công, tài lực.
Thứ ba: không xây thêm các cung điện, lầu các. Qua nhiều lần tu sửa, xây dựng từ các đời Khang – Ung – Càn, nơi ở của hoàng thất đã “tận thiện tận mỹ”, ngoại trừ việc giữ gìn, không cần thiết phải xây thêm.
Những kẻ đề cử ý kiến xây thêm cung điện sẽ trở thành tội nhân, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau khi được ban hành, “Ngự chế Thanh sắc hóa lợi dụ” này được các quan viên tích cực nghiên cứu, nhiệt tình thảo luận, lĩnh hội sâu sắc, thậm chí còn nhận được vô số lời tán dương. Tuy nhiên những điều trên nói thì dễ, thi hành lại rất khó.
Đạo Quang hạ lệnh đình chỉ tiến cống, nhưng lại không nắm được việc các quan cấp tỉnh có chấp hành hay không? Bản thân quan lại cũng nhận được không ít lợi lộc từ việc này, nên việc tiến cống thực chất vẫn tiếp diễn dưới hình thức “hiếu kính”.
Hoàng đế khi nhận được cống phẩm cũng vô cùng khó xử. Ông không thể phạt các quan viên “hiếu kính” với mình, nhưng cũng không thể lật lọng mà nhận cống vật. Triều thần lại nói rằng số vật phẩm này dù Hoàng thượng không nhận, thì Nội vụ phủ cũng sẽ thu mua.
Đạo Quang nghe vậy miễn cưỡng thu nhận. Dù là nhận đồ “hiếu kính”, nhưng ông vẫn đình chỉ tiến cống. Nếu là vật phẩm quý giá tuyệt nhiên cũng cấm “hiếu kính”.
Hương Thủy hằng năm chỉ được phép tiến cống 200 quả lê. Quan Nội Vụ có hỏi: “Hoàng gia nhiều người như vậy, chỉ có hai trăm quả lê ăn sao đủ?" Đạo Quang liền nói: “Không ăn, giữ lại làm đồ cúng bái, 200 là đủ rồi!”
Vì cắt giảm cống phẩm, nên Đạo Quang cũng đem kinh phí cung đình hằng năm giảm xuống chỉ còn 20 vạn lượng. Trên thực tế, cung đình cần ít nhất 40 vạn lượng mỗi năm mới đủ chi tiêu. Khi bị giảm xuống còn một nửa, sinh hoạt cung đình quả thực rất “chật vật”!
Trong việc tiết kiệm, Đạo Quang là người đi đầu trong triều. Ông chỉ dùng bút lông, nghiên mực thông thường, mỗi bữa ăn không quá 4 món, ngoại trừ long bào bên ngoài, y phục bên trong nếu bị rách sẽ vá lại dùng tiếp.
“Mãn Thanh ngoại sử” ghi chép: “ Đạo Quang Hoàng đế “y phi tam hoán bất dịch”. Thượng tuần, trung tuần, hạ tuần của mỗi tháng lần lượt sẽ gọi là thượng hoán, trung hoán, hạ hoán, hợp lại làm một tháng. Đạo Quang “một hoán” mới đổi một bộ quần áo."
Ông còn ban hành quy định: trong cung ngoại trừ Thái hậu, Hoàng đế và Hoàng hậu, những người khác trong hoàng thất nếu không phải dịp lễ tết thì không được ăn thịt. Phi tần bình thường cũng không được dùng đồ trang điểm, không được mặc y phục gấm vóc.
Hoàng hậu của Đạo Quang cũng là một người cần kiệm, đem việc hậu cung bố trí phó đâu vào đó. Hoàng đế vô cùng hài lòng, quyết định tổ chức sinh thần cho Hoàng hậu.
Bá quan văn võ đều nghĩ yến tiệc hoàng gia nhất định sẽ phô trương. Không ai ngờ rằng trong bữa tiệc mỗi người chỉ được một bát mì. Sau đó, các quan còn nghe nói vì yến tiệc này, Hoàng thượng đã “đặc biệt” sai ngự thiện phòng làm hai chiếc thủ lợn để chiêu đãi.
Sinh hoạt tiết kiệm, trị quốc keo kiệt
Trong phương diện giáo dục, chăm lo cho con cái, Đạo Quang Hoàng đế cũng đặc biệt tiết kiệm.
Vào năm 1831, Đạo Quang ban hành “Ngự chế thận đức đường ký” để nhắc nhở các Hoàng tử, Hoàng tôn về những năm tháng khó khăn của tổ tiên khi xây dựng đế nghiệp.
Qua đó, ông răn dạy các con “không ăn đồ trân quý, coi thường ham muốn vật chất…mọi thứ đều là từ mồ hôi nước mắt của nhân dân, đừng vì muốn khoe mẽ mà hoang phí.”
Chuyện kết hôn của hoàng thất xưa nay vốn là chuyện đại sự tốn kém. Đạo Quang có 9 Hoàng tử, 10 Công chúa. So với các vị vua khác, ông được tính là người thưa con, cho đến khi ông qua đời vẫn còn nhiều vị Hoàng tử, Công chúa chưa đến tuổi thành thân.
Nhưng khi Đạo Quang còn tại vị, việc tổ chức hôn lễ cho các Hoàng tử được tiến hành vô cùng giản lược. Hoàng đế khi đó còn yêu cầu nhà gái không được không được dùng của hồi môn xa hoa, nếu cố tình thì không những không được đáp lễ mà còn bị xử phạt.
Các loại lễ vật con dâu phải dâng lên cha mẹ chồng cũng đều được miễn.
Về phần Công chúa xuất giá, chi phí không được vượt quá 2000 lượng bạc trắng. Sính lễ của Phò mã đối với hoàng gia cũng được giảm, ngay cả lễ vật thiết yếu là “cửu cửu lễ” cũng được miễn.
Sau này, Đạo Quang lại thấy làm như vậy chẳng khác nào đem con mình đi tặng không thiên hạ, nên đã khôi phục “cửu cửu lễ”, nhưng đổi thành “dê chín con” để tượng trưng.
Tuy nhiên Hoàng đế vẫn không làm yến tiệc, thịt dê của Phò mã sẽ đưa đến Ngự Thiện phòng, các khách mời chỉ hàn huyên uống trà vài câu liền được tiễn.
Chân dung của Đạo Quang Hoàng đế - ông vua keo kiệt nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Đạo Quang Hoàng đế đã trở thành “tấm gương” thay đổi chốn quan trường vốn dĩ hủ bại trong triều đình Đại Thanh.
Ông nhìn thấy quan viên nào ăn vận chải chuốt ngăn nắp liền không vui, thậm chí còn hạ lệnh quan lại dưới “lục phẩm” không được mặc quần áo tơ lụa, chỉ được mặc đồ làm từ vải thường, đi giày vải.
Đối với quan viên không tiết kiệm, Đạo Quang càng thẳng tay xử phạt. Vào năm 1830, có người tố cáo tướng quân ở Thịnh Kinh thường tổ chức yến tiệc trong nhà, Hoàng đế ngay lập tức hạ lệnh cách chức.
“Thanh tuyên tông thực lục” có ghi lại: Mùa đông năm 1834, Đạo Quang thân chinh kiểm tra đội cấm vệ quân kinh thành, thấy quan binh đều mặc y phục giản dị, liền vô cùng cao hứng khen ngợi, còn hạ lệnh thăng chức.
Dưới ảnh hưởng của Hoàng đế, bầu không khí quan trường có nhiều thay đổi. Các quan sau đó đều mặc y phục vá từ vải vụn. Khi nghị sự kết thúc, bên trong Càn Thanh cung đều thấy các quan viên mặt mày chán nản, quần áo tả tơi, so với thường dân ngoài đường cũng không khác là mấy.
Khi đó các cửa hàng đồ cũ, y phục rách nát đều bán rất chạy, giá cả so với quần áo mới còn đắt hơn.
Những viên quan nghèo còn mua không nổi, chỉ đành lấy y phục mới của mình ra phá nát. Hoàng đế thấy quan viên trong triều đều mặc đồ cũ nát, lại nghĩ rằng ý niệm tiết kiệm của mình đã truyền được vào lòng người, liền vô cùng đắc ý.
Có lần một vị đại thần báo cáo công tác, Đạo Quang nghe xong liền vui vẻ, hạ lệnh “thưởng yến” (ban thưởng yến tiệc). Nghe Hoàng đế nói vậy, các đại thần trong lòng tự hiểu, liền cùng nhau tìm một chỗ tự đi ăn cơm.
Ai nấy đều biết rằng Hoàng thượng sẽ không thực sự mời cơm, việc ban thưởng chẳng qua là câu nói xuông. Vậy mới thấy Đạo Quang quả thực đã đạt đến trình độ keo kiệt hiếm có.
Trên phương diện trị nước,ông vua này cũng tìm mọi cách để hà tiện.
Vào năm Đạo Quang thứ nhất, ở Tân Cương có Trương Cách Nhĩ tạo phản, mấy vạn quân được cử đi chinh chiến nhiều năm, cuối cùng thắng lợi trở về.
Năm 1828, Ngọ Môn tiến hành lễ “hiến phu” (dâng tù binh), Đạo Quang khi ấy trong lòng vui mừng, lập tức làm ra một “hành động vĩ đại”: mở tiệc chiêu đãi tướng sĩ có công dẹp giặc.
Vài ngày sau, yến hội được tổ chức ở Thanh Y Viên (Di Hòa Viên sau này). Trong bữa tiệc, các tướng sĩ chỉ được chiêu đãi một ít rau dưa. Số thức ăn ít ỏi ấy chẳng mấy mà hết, tướng sĩ lại không dám ra về trước khi yến tiệc kết thúc, chỉ còn biết ngây người nhìn nhau.
Khi bố trí phương án phòng vệ ở Tân Cương, các tướng quân vốn biết tính Hoàng đế, chỉ dám đề cử 1 vạn 8000 lính trấn thủ. Nhưng Đạo Quang “mặc cả” xuống còn một phần ba, chỉ cho sáu ngàn người.
Các tướng quân thấy vậy liền cho đề xuất phương án chỉ phòng thủ phía Đông. Ai ngờ Hoàng đế nghe xong lại giận dữ, cho rằng tướng lĩnh vì có ý đồ riêng nên mới bỏ bê Tân Cương.
Trong cuộc chiến tranh thuốc phiện, việc Đạo Quang Hoàng đế nhanh chóng thỏa hiệp phần lớn cũng có liên quan tới tính cách keo kiệt này.
Dưới thời Đạo Quang, quốc khố Thanh triều chỉ còn dư 2000 vạn lượng. Khi Càn Long còn tại vị, ngân khố cao nhất có khi lên tới 8000 vạn lượng
Trên thực tế, chính sách tiết kiệm của ông vua này có phạm vi ảnh hưởng rất hữu hạn. Ngoài thành Bắc Kinh, quan lại địa phương vẫn ngày ngày mặc nhiên tham ô, hưởng thụ.
Tính cách cần kiệm của Đạo Quang còn vô dụng với chính con cái của ông. Bằng chứng là Hoàng đế Hàm Phong sau này vẫn mặc sức hưởng thụ, con dâu Từ Hy thậm chí còn nổi tiếng với thói sống xa xỉ cho đến tận ngày nay.
Vậy mới thấy, làm vua của một nước, điều quan trọng là làm cho đất nước hưng thịnh, chứ không phải đi tính toán chi li với miếng cơm manh áo. Tiết kiệm như cách của Đạo Quang, chẳng khác nào “bỏ gốc lấy ngọn”.