Phật Thích Ca Mâu Ni, phiên âm theo tiếng Phạn Sakya Muni, có nghĩa là Người xuất sắc nhất dòng tộc Thích Ca (Sakya).
Ngày nay, tộc Thích Ca vẫn là một dòng họ phổ biến ở Nepal - nơi đức Phật đản sinh, với những gia đình ưu tú và giàu có nhờ nghề đúc tượng đồng nổi tiếng thế giới.
Tới thủ đô Kathmandu của Nepal, hẳn bất cứ ai cũng sẽ được giới thiệu về nghề đúc đồng truyền thống nơi đây, đặc biệt là tượng Phật giáo.
Nhắc tới tượng Phật, không thể không kể tới những pho tượng do các gia tộc Thích Ca sản xuất bởi sự tinh xảo trong điêu khắc và cao cấp trong chất liệu. Họ có thể làm ra những bức tượng tốt nhất Nepal, đặc biệt là những sản phẩm đặt hàng có một không hai.
Các sản phẩm đúc tượng của dòng họ Thích Ca tại Nepal.
Sau 4 đời cha truyền con nối, tượng Phật của các gia đình Thích Ca đã trở thành một thương hiệu vững mạnh và chuyên nghiệp, có thể sản xuất và vận chuyển tận nơi ở hầu hết các nước trên thế giới qua thương mại điện tử.
Điểm làm nên sự khác biệt của tượng Phật do những người họ Thích Ca sản xuất, ngoài chất liệu và chất lượng ổn định, còn là thần thái của tượng. Mỗi một vị Phật lại có một thần thái khác nhau, tỉ mỉ nhất, khó nhất là khắc họa được trên "diện" Phật, đặc biệt là đôi mắt.
Trong lĩnh vực nghề thủ công ở mọi nơi trên thế giới, điểm phân biệt giữa người Thợ và Nghệ Nhân chính ở độ tinh xảo của sản phẩm.
Nhờ đó thương hiệu tượng Phật của các gia đình họ Thích Ca tại Nepal đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, đem lại sự giàu có, phồn thịnh cho dòng tộc.
Từ những bức tượng Phật nhỏ vài centimet tới những pho tượng Phật khổng lồ cao tới gần 50m, những nghệ nhân chế tác tượng họ Thích Ca đều có thể hoàn thành một cách chau chuốt và hoàn hảo.
Giá thành sản phẩm hoàn toàn tương xứng với độ sang trọng và chất lượng. Từ những pho tượng nhỏ từ 4-5cm được phủ vàng có giá từ vài chục USD cho tới những pho tượng cao hơn từ 14-25cm, phủ vàng hoàn toàn hoặc phủ một nửa bề mặt có giá vài nghìn USD.
Nhờ những giá trị mà ngành nghề truyền thống này đem lại, con cháu của dòng họ Thích Ca ngày nay có kinh tế khá vững chắc.
Nhờ độ phổ biến rộng rãi và đa dạng nên tượng Phật ở Nepal do các gia đình Thích Ca chế tác đáp ứng đủ mọi nhu cầu khác nhau của mọi khách hàng. Có thể nói, không chỉ giỏi nghề điêu khắc, họ Thích Ca còn rất giỏi nghề buôn bán, thương giao.
Không chỉ "hành nghề" trong nước, các nghệ sĩ điêu khắc tượng họ Thích Ca còn được mời ra các nước lân cận để chế tác tượng.
Ông Raj Kumar Shakya, người nối nghiệp đời thứ 4 của dòng họ, cũng là nghệ nhân đúc tượng nổi tiếng nhất Nepal, đã được mời tới Bhutan-quốc gia hạnh phúc nhất thế giới để thực hiện một dự án lớn tại tỉnh Lhuntche Dzong.
Khởi động từ năm 2005 cho tới năm 2014, pho tượng đồng phủ vàng ngài Đạo sư Liên Hoa Sanh trên đỉnh đồi quanh năm mây phủ chính thức được hoàn thành.
Giấc mơ Nepal
Ông Raj Kumar Sakya cho biết: "Các gia đình Thích Ca làm việc xuyên dãy Hi Mã Lạp Sơn, tới cả Trung Quốc, Tây Tạng, Bhutan và xây dựng cho nơi đây những bảo tháp tuyệt đẹp.
Sự cần mẫn, gắn bó với nghề là nền tảng để dòng họ Thích Ca duy trì nghề truyền thống và đảm bảo sự giàu có trong cuộc sống.
Nghệ thuật và văn hóa để đời của người Nepal đang mai một dần, nếu không giữ gìn bản sắc của mình, một ngày nào đó, nhân loại sẽ chỉ còn được chiêm ngưỡng nhưng pho tượng đồng tinh xảo trên điện thoại."
Ông cũng ấp ủ ước mơ xây dựng tại Nepal một tu viện hay một bức tượng lớn như tượng Liên Hoa Sanh đạo sư ở Bhutan, bởi nước ông có những nghệ nhân tài năng nhất, xuất sắc nhất, nhưng các công trình lớn đều được thực hiện ở nước ngoài.
Các gia đình Thích Ca ở Nepal là biểu tượng của niềm hy vọng đời đời, nhằm làm sống lại ngành nghề thủ công đúc đồng truyền thống.