Vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ XIX, danh họa Vincent Van Gogh sống trên bờ vực nghèo túng khủng khiếp cùng với chứng trầm uất nặng.
Và trong cả núi thư từ để lại, Van Gogh thỉnh thoảng viết về ngọn đèn thắp sáng bằng khí thường được ông sử dụng để làm việc trong đêm tối.
Ông không thích ngọn đèn nến vì ánh sáng quá lờ mờ mà vào thời buổi đó đèn điện còn chưa được phổ biến rộng rãi như ngày nay.
Tuy nhiên, khí thắp sáng được sản xuất từ than đá và chứa rất nhiều tạp chất, kim loại nặng và sinh ra carbon monoxide nên vô cùng độc hại cho sức khỏe con người.
Bức họa "Café de Nuit" của Van Gogh, tháng 9-1888.
Một số tác phẩm nổi tiếng của Van Gogh như bức “Café de Nuit”, được hoàn thành dưới ánh sáng đèn khí.
Vào lúc đỉnh cao tài năng (thường trùng khớp với giai đoạn trầm uất nặng nề), Van Gogh đã nghĩ đến chuyện lắp đặt đường ống dẫn khí đốt vào căn nhà ông thuê ở Arles, miền Nam nước Pháp, năm 1888.
Từ đây, một số giả thuyết mới liên quan đến vụ tự sát của Van Gogh bắt đầu xuất hiện.
Bức thư của Van Gogh gửi cho em trai Theo Van Gogh, ngày 9-4-1885.
Đầu năm 2015, kỹ sư hóa học Hà Lan Rene van Slooten đã đưa ra một số giả thuyết mới sau khi xem một phim tài liệu về Van Gogh trên truyền hình.
Trong phim, một nghệ sĩ Hà Lan đề cập đến một bức họa về căn nhà của Van Gogh ở Arles và lưu ý đến con đường bị đập vụn ra khi danh họa tiến hành lắp đặt đường ống dẫn khí đốt.
Sau đó, Van Slooten nghĩ đến một kịch bản mới có thể giải thích tình trạng bệnh tật của Van Gogh và thậm chí dẫn đến quyết định kết liễu đời mình vào năm 37 tuổi.
Là kỹ sư hóa học, Van Slooten hiểu rõ về việc sử dụng khí đốt cũng như phòng ngừa độc tố của nó trong công nghiệp.
Slooten giải thích: "Khi đèn khí được thắp sáng, các chất độc và kim loại như là carbon monoxide, chì và arsenic phát sinh.
Chúng ta biết rằng chúng là thủ phạm gây ra nhiều chứng bệnh như choáng, tính khí nóng nảy, trầm uất, rối loạn tâm thần và có xu hướng tự sát".
Bài báo về cái chết của Van Gogh trên tờ L'Echo Pontoisien, ngày 7-8-1890.
Van Gogh bắt đầu có biểu hiện bệnh tâm thần nặng lần đầu tiên ở Arles vào năm 1888, tức khoảng thời gian danh họa lắp đường ống dẫn khí đốt vào căn nhà thuê.
Bệnh tình ông càng nặng thêm do thói quen uống cây ngải đắng và rượu cognac.
Trong bức thư Van Gogh gửi cho em trai Theo van Gogh có đoạn: "Nếu bão tố trong tâm can quá dữ dội, anh sẽ uống nhiều đến choáng váng".
Theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí The American Journal of Psychiatry của Mỹ năm 2002, tâm thần Van Gogh ngày càng trở nên thất thường: "Hoạt động sáng tạo hừng hực xen kẽ với trạng thái bơ phờ mệt mỏi đến mức kiệt sức.
Tâm tính bất an lộ ra khó dự đoán xen kẽ với trạng thái phấn khích hay khổ não mơ hồ ngày càng trở nên thường xuyên hơn".
Những bức thư mà Van Gogh viết từ Arles về sau càng thấy được sự tỉnh táo song lộ vẻ hoảng sợ khi đề cập đến những gì diễn ra trong đầu ông.
Danh họa viết trong một bức thư: "Tôi không thể mô tả chính xác vấn đề gì đang xảy ra với tôi.
Bây giờ và về sau có những đợt lo âu không rõ nguyên cớ, hay cảm thấy trống rỗng và mệt mỏi trong đầu. Những lúc đó, lòng tôi trĩu nặng u sầu và hối tiếc ghê gớm".
Tháng 12-1888, sau một trận cãi vã dữ dội với danh họa Gauguin và cũng là lúc nghe thấy những giọng nói trong tai, Van Gogh quyết định cắt đứt phần tai trái của mình và gửi nó cho một gái mại dâm yêu quý nhất của ông để bảo quản hộ.
Theo Van Slooten, trong thời gian chữa bệnh tại Bệnh viện tâm thần Saint Rémy, Van Gogh tiếp tục nhiễm độc carbon monoxde từ đèn khí và paraffin. Năm 1890, Van Gogh đến Auvers-sur-Oise và tự sát trên một cánh đồng lúa mì, trong nỗi thất vọng.
Chiếc giường của Van Gogh tại Bệnh viện St. Paul de Mausole ở St. Rémy (Pháp).
Van Slooten lập luận rằng hậu quả tích lũy từ nhiễm độc khí đốt của Van Gogh tương tự như trường hợp của nhà thơ kiêm nhà văn chuyên viết thể loại kinh dị người Mỹ Edgar Allen Poe và người vợ là Virginia vào vài thập niên trước đó.
Poe mất năm 1849, còn Virginia qua đời vì bệnh lao trước đó hai năm.
Báo cáo nghiên cứu sau đó tiết lộ: "Mức độ uranium trong tóc của Virginia khi bà sống trong thành phố New York sử dụng đèn khí là rất cao, tương tự mức độ tìm thấy nơi các thợ mỏ khai thác uranium và cao xấp xỉ hơn 15 lần mức bình thường hiện nay".
Van Slooten công bố các giả thuyết của ông về Van Gogh và Edgar Poe trên tờ Baltimore Post-Examiner. Tuy nhiên, giả thuyết của Van Slooten về Van Gogh đã không thuyết phục được mọi người.
Ví dụ, Piet Voskuil - nhà thần kinh học và là chuyên gia về Van Gogh - nhận xét giả thuyết hoàn toàn không đáng tin cậy: "Van Slooten đưa ra kết luận dựa vào những điều giả định.
Những gì Van Slooten làm là thu thập sự kiện và lập luận để đi đến kết luận. Như thế là không khoa học. Còn những bệnh nhân khác ở đâu?
Tại sao những người cùng phòng với ông - Paul Gauguin nằm trong số đó - lại không bị những triệu chứng tương tự?".
Voskuil cho biết không có bằng chứng về sự gia tăng những bệnh nhân tâm thần ở Arles liên quan đến đèn khí vào thời gian đó. Voskuil nói: "Có quá nhiều cách khác để giải thích các triệu chứng của Van Gogh".
Hậu duệ của Van Gogh chăm sóc mộ phần của danh họa ở Auvers-sur-Oise (miền bắc nước Pháp) vào ngày 29-7-2015.
Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng nhiễm độc carbon monoxide và thậm chí có thể đó là yếu tố làm trầm trọng thêm bệnh tình.
Ngày nay, carbon monoxide vẫn tiếp tục là sát thủ lặng lẽ. Chỉ riêng ở Hà Lan, từ 10 đến 20 người chết mỗi năm và khoảng 80 người phải nằm viện do nhiễm độc khí đốt, cho dù đó là khí tự nhiên sạch hơn khí than đá.
Van Slooten cũng cho rằng nhiễm độc khí carbon monoxide gây ra những hiệu quả tâm lý như là: trầm uất và rối loạn tâm thần, gặp ác mộng và lo âu; trong khi các bác sĩ lại quy cho các nguyên nhân khác gây ra những vấn đề như thế.