Năm Kiến Hưng thứ 6 (228 sau công nguyên), Gia Cát Lượng thân chinh tiến đánh Kỳ Sơn, nhanh chóng dẹp xong Nam An, Thiên Thủy, thu phục Tam Quận, chiến công vang dội khắp Quan Trung.
Sau đó, Ngụy Minh Đế Tào Duệ tự mình dẫn quân trấn thủ Trường An, hạ lệnh cho tướng Trương Hợp nghênh chiến. Gia Cát Lượng phái Mã Tốc dẫn quân ứng chiến với Trương Hợp tại Nhai Đình.
Tuy nhiên, Mã Tốc làm trái với phương án tác chiến của Khổng Minh, bị Trương Hợp đánh cho đại bại, Nhai Đình thất thủ. Mất đi chỗ dựa để tiến công, Gia Cát Lượng không còn cách nào khác, đành phải lui về Hán Trung.
Đây chính là hai cố sự “mất Nhai Đình” và “chém Mã Tốc” nổi tiếng Tam Quốc, cũng là nguyên nhân khiến Ngọa Long đi nước cờ “tự hạ mình ba cấp”.
Hành động “xưa nay hiếm” của Ngọa Long tiên sinh
Sau thất bại ở Nhai Đình, Gia Cát Lượng xin Lưu Thiện xử phạt mình. Mặc dù Hán Hoài đế đã hết lòng khuyên giải, nhưng Khổng Minh vẫn một mực không nghe, kiên quyết muốn tự giáng chức xuống ba cấp bậc.
Trước sự kiên quyết của Thừa tướng đương triều, Lưu Thiện không còn cách nào khác, đành phải phê chuẩn, giáng Gia Cát Lượng xuống làm Tả Tướng quân. Mặc dù cấp bậc thay đổi, nhưng Khổng Minh vẫn nắm trong tay quyền lực cai quản triều đình như trước đây.
Từ cổ chí kim, xử phạt đều là việc làm của cấp trên đối với cấp dưới. Mục tiêu của các triều đại phong kiến là độc chiếm thiên hạ, thi hành chính sách một người thống trị.
Trong đó, Hoàng đế là vị trí tối cao, nắm trong tay quyền xét xử người khác, cũng không ai có quyền xử phạt nhà vua.
Là thần tử của Hoàng thượng, các vị đại thần có quyền được đề xuất vấn đề cách chức hay thăng chức, nhưng quyền định đoạt và thực thi vẫn nằm trong tay Hoàng đế.
Do đó, việc một bề tôi như Gia Cát Lượng lại có quyền tự quyết định cấp bậc của mình là điều “xưa nay hiếm”.
Dù không ở ngôi Thiên tử, Gia Cát Lượng vẫn nắm trong tay quyền lực không thua kém Thiên tử. (Tranh minh họa).
Tuy là hiếm, nhưng sự việc trên cũng không phải chưa từng có tiền lệ. Chiêu bài “dùng tóc thay thủ cấp” của Tào Tháo – một đại nhân vật cùng thời với Gia Cát Lượng – chính là minh chứng cho điều này.
Trong một lần xuất chinh, đoàn quân của Tào Tháo có đi qua một ruộng lúa mạch. Khi ấy, ông hạ lệnh: “Sĩ tốt không được làm hư hao lúa mạch, ai trái lệnh sẽ bị chém đầu.”
Kết quả là binh sĩ không ai dám phạm đến đồng ruộng, chỉ có con ngựa của Tào Tháo vì giật mình mà xéo nát cả một vùng.
Tào Tháo vì việc này mà nhận tội với chủ bộ. Chủ bộ dùng điển cố Xuân thu để khuyên giải: “Từ xưa tới nay hình phạt vốn không sử dụng với người tôn quý.”
Nhưng Tháo nói: “Người định ra luật lệ mà còn làm trái luật, vậy sao có thể chỉ huy thuộc hạ? Nhưng ta thân là người cầm quân, chưa thể lĩnh tội chết, nay sẽ tự phạt mình.” Nói xong, Tào Tháo rút kiếm, cắt tóc rồi ném xuống đất.
Tự xử phạt mình hay chiêu bài để “thị uy”?
Có người cho rằng, không thể đánh đồng hành động tự hạ ba cấp của Gia Cát Lượng và việc cắt tóc của Tào Tháo, bởi một người là đại trung thần, kẻ kia lại là gian thần.
Trên thực tế, địa vị của hai nhân vật này không có nhiều điểm khác nhau, đều từng là người để “Thiên tử cậy nhờ”.
Chỉ khác ở chỗ Tào Tháo hoàn toàn khống chế Hán Hiến Đế, biến nhà vua trở thành bù nhìn còn quyền hành “nắm toàn bộ việc chính sự” của Gia Cát Lượng lại được Hán Hoài Đế Lưu Thiện "ban" cho.
Thực chất, hành động tự giáng ba cấp của Gia Cát Lượng là một cách "thị uy". Nhưng Khổng Minh đã nắm trong tay quyền lực gần như tuyệt đối, vì sao còn phải làm như vậy?
Nước cờ thâm sâu này của Gia Cát Lượng chủ yếu hướng tới hai đối tượng. Đó là đại thần Lý Nghiêm và Hán Hoài Đế Lưu Thiện.
Năm xưa, Lý Nghiêm cũng là một trong những vị trọng thần từng được tiên đế phó thác. Năm Chương Vũ thứ 3 (năm 223), trước lúc lâm chung, Lưu Bị có ủy thác cho ông cùng Gia Cát Lượng phò tá Lưu Thiện.
Theo di chiếu, Lý Nghiêm được quyền “thống lĩnh quân sự”. Nhưng sau đó, Lý Nghiêm đều ở tại Vĩnh Yên, việc nam chinh, bắc phạt đều không thấy bóng dáng vị đại thần này ở vai trò “thống lĩnh”.
Kết cục thất bại trong chuyến Bắc Phạt năm 228 của Gia Cát Lượng là một vấn đề quân sự. Phàm là việc liên quan tới quân cơ, chiến sự, triều đình đều họp bàn để xử lý công – tội của những người có liên quan.
Thiết nghĩ đợi kẻ khác tố lỗi không bằng tự mình nhận sai, Gia Cát Lượng đã nhanh tay thỉnh tội với Hoàng đế, sau đó tự hạ mình ba cấp.
Hành động này không chỉ tránh được việc chỉ trích từ phía quần thần mà còn là một nước cờ để Khổng Minh thị uy trước đại thần Lý Nghiêm.
Hành động tự hạ cấp bậc của mình phải chăng chỉ là cách để Ngọa Long tiên sinh chứng minh sức ảnh hưởng và quyền lực của bản thân? (Tranh minh họa).
Chưa dừng lại ở đó, chiêu bài của vị Thừa tướng này còn hướng tới một người khác – Hán Hoài Đế Lưu Thiện.
Khi mới lên ngôi, tân đế mới 17 tuổi, chỉ là một thanh niên chưa trưởng thành. Dựa vào việc Lưu Thiện chưa có đủ năng lực và kinh nghiệm điều hành đất nước, Gia Cát Lượng công khai nắm toàn bộ quyền chấp chính.
Nhưng khi Khổng Minh thất bại trong chiến tranh Bắc Phạt, Hán Hoài Đế đã 22 tuổi. Ngay cả khi sự việc này không phát sinh, Gia Cát Lượng cũng nên trao lại quyền hành cho Hoàng đế từ lâu.
Thực tế, ông không hề làm như vậy. Mặc dù danh nghĩa bên ngoài là xin Hoàng thượng trừng phạt, nhưng việc giáng chức vẫn do Gia Cát Lượng tự quyết. Trong quyết định này, Lưu Thiện chỉ đóng vai trò như một “cán sự” để đóng dấu vào chiếu chỉ mà thôi.
Kỳ thực, đây không phải là lần đầu tiên Khổng Minh chứng tỏ thực quyền của mình. Năm 288, quân Thục chiếm được “tam quận”, Gia Cát Lượng thu nhận Khương Duy. Chẳng bao lâu sau, ông phong cho đệ tử của mình là “Phụng Nghĩa Tướng quân, Đông Dương hầu.”
Dựa vào bối cảnh lúc bấy giờ mà nói, tước “hầu” chỉ được phong cho người có công trạng to lớn, mà Khương Duy lúc này lại chưa lập được chiến công hiển hách nào.
Nhưng quyết định này là do chính Gia Cát Lượng tự mình đưa ra, cũng không có ai dám lên tiếng phản đối.
Hơn nữa, Hoàng đế vốn là “con nuôi” của Gia Cát Lượng, bản thân ông cũng chính là “tướng phụ”, là người mà Lưu Thiện phải “cung kính như cha”.
Vậy mới nói, chiêu bài tự giáng chức của Khổng Minh một mặt để tránh sự dị nghị từ thiên hạ, mặt khác cũng là một nước cờ để chứng minh cho quyền lực và địa vị “chí cao vô thượng” của ông.