Đến thời Gia Khánh, Thanh triều đã thống trị Trung Quốc hơn 150 năm. Đây cũng là thời điểm xuất hiện ngày càng nhiều những dấu hiệu mục nát và suy tàn của triều đại cuối cùng ở Trung Quốc.
Rất nhiều “sâu mọt” của chính quyền trung ương bất chấp đến sự sống chết của bách tính, chỉ lo đến việc vơ vét công quỹ sao cho được càng nhiều càng tốt.
Trên thực tế, bất kỳ một giai đoạn nào lịch sử nào cũng đều có những vị quan thanh liêm nhưng vào thời điểm nói trên, cho dù có những người có tâm, muốn sống đúng với lương tâm đạo đức cũng không dễ dàng.
Năm Gia Khánh thứ 14 (1809), triều đình Mãn Thanh đã xảy ra một vụ án kinh thiên động địa liên quan đến vấn đề tham nhũng, cụ thể là bè lũ tội phạm, tham quan cấu kết với nhau giết hại quan thanh liêm khiến Hoàng đế khi đó nổi trận lôi đình.
Vụ việc này đã được ghi chép lại một cách rõ ràng trong cuốn “Thanh sử thảo”
Chân dung Hoàng đế Gia Khánh.
Bè lũ nô bộc, tham quan câu kết giết hại “người ngay”
Vào năm Gia Khánh thứ 13 (1808), vùng Hoài An xảy ra lũ lụt, chính quyền vùng này lập tức tấu xin tiền cứu tế, ủng hộ những nơi gặp thiên tai.
Theo quy định của Thanh triều, khi cấp tiền cứu tế, cấp trên phải cử quan lại xuống kiểm tra, đánh giá tình hình tại địa phương.
Năm 1809, Tổng đốc Lưỡng Giang khi đó là Thiết Bảo đã cử quan Tri huyện huyện Phát là Lý Dục Xương xuống huyện Sơn Dương, vùng Hoài An để làm công việc này.
Theo ghi chép trong “Thanh sử thảo”: “Lý Dục Xương tự Cao Ngôn, người Sơn Đông, đỗ tiến sĩ vào năm Gia Khánh thứ 13, nhậm chức Tri huyện huyện Phát, Giang Tô”.
Vào thời điểm đó, ai cũng biết rằng những khoản tiền cứu trợ thiên tai trong quá trình được gửi đến tay người gặp nạn ắt sẽ “thất thoát” ít nhiều và tất nhiên, những quan lại được cử đi kiểm tra, đánh giá thiệt hại cũng sẽ không bao giờ phải ra về tay trắng.
Thế nhưng, Lý Dục Xương lại hành động rất công tâm, vạch trần hành vi khai khống tình trạng thiệt hại của Tri huyện Sơn Dương là Vương Thân Hán.
Hành động này của Lý khiến Vương hoang mang tốt độ. Theo quy tắc ngầm của chốn quan trường Thanh triều, viên Tri huyện ngay lập tức nghĩ ra trò hối lộ hậu hĩnh cho Lý Dục Xương.
Thế nhưng, viên quan thanh liêm không cho phép mình rơi vào tình huống “há miệng mắc quai”.
Trong tình huống cấp bách, Vương Thân Hán liền nảy ra độc kế. Ông ta lệnh cho nô bộc của mình mua chuộc 3 nô bộc của Lý Dục Xương là Lý Tường, Bao Tường và Mã Liên Thăng hòng ăn cắp chứng cứ vạch trần tội trạng của mình.
Tuy nhiên, Lý Dục Xương đã sớm ý thức được điều này, nên đã giấu chứng cứ rất kỹ, những tên nô bộ phản phúc không có cách nào tìm ra.
Thấy Lý Dục Xương chuẩn bị rời huyện Sơn Dương, Vương Thân Hán như ngồi trên đống lửa. Ông ta nảy ra ý đồ triệt tiêu “chướng ngại vật” trước mắt.
Nhưng bằng cách nào, tên quan Tri huyện này có thể hại chết cấp trên?
Cuốn “Thanh sử thảo” đã miêu tả rất kỹ: “Lý Dục Xương ở trong phủ của Thân Hán, nửa đêm khát nước, nô bộc Lý Tường liền dâng canh có độc. Dục Xương đi ngủ, bụng đau quằn quại.
Bao Tường, Mã Liên Thăng thấy vậy liền cầm một sợi dây, siết cổ chủ nhân đến chết.”
Vụ án của Lý Dục Xương còn được ghi chép thành tài liệu lưu truyền cho đến nay.
Sau khi hạ độc thủ Lý Dục Xương, Vương Thân Hán lập tức báo cáo lên Tri phủ Hoài An rằng Lý thắt cổ tự vẫn.
Tri phủ Vương Cốc đích thân xuống hiện trường kiểm tra, phát hiện miệng Dục Xương có máu, chết rất bất thường. Trước thông tin này, Vương Tri phủ nổi giận, thông báo sang cho phủ tổng đốc Lưỡng Giang.
Tuy nhiên, sau khi nhận được thư báo, tổng đốc Lưỡng Giang đã không kiểm tra kỹ, chấp nhận tình huống cho rằng Lý Dục Xương tự vẫn.
Vì viên quan này đã chết nên nha môn tổng đốc không thể không thông báo cho gia đình Lý Dục Xương đến nhận xác người thân. Chú của ông là Lý Thái Thanh cùng một người bạn họ Thẩm đến huyện Sơn Dương để lo liệu việc này.
Khi kiểm tra giấy tờ của Lý, hai người phát hiện một bản thảo nhàu nát ghi vài dòng chữ: “Tri huyện Sơn Dương khai khống tình hình thiên tai hòng âm mưu vơ vét tiền cứu tế, hành động này không thể chấp nhận được, phụ ơn thiên tử”.
Lý Thái Thanh lờ mờ hiểu được được nguyên nhân khiến người cháu của mình mất mạng.
Sau khi mang thi thể cháu về quê nhà Sơn Đông, người nhà Lý Dục Xương đã nhờ pháp y người địa phương đến khám nghiệm tử thi mới biết vị quan này trúng độc mà chết.
Điều này đã khiến gia tộc họ Lý vô cùng phẫn nộ và căn hận. Ngay lập tức, người chú Lý Thái Thanh vào cung báo án.
Gia Khánh nghe trình báo liền sai quan chuyên trách về Sơn Đông khám nghiệm tử thi một lần nữa. Kết quả lần này khẳng định, Lý Dục Sơn bị hạ độc và siết cổ mà chết.
Sự việc đã khiến Hoàng đế đương nhiệm nổi trận lôi đình, hạ lệnh trảm những tên nô bộc phản phúc của Lý Dục Sơn. Vương Thân Hán, Vương Cốc và tổng đốc Lưỡng Giang bị xử tội theo đúng luật pháp triều đình.
Những tên tội đồ phản phúc của Lý Dục Xương bị xử tử.
Vụ án khép lại bằng một cái kết thỏa đáng nhưng khi đó, sự việc xảy ra với Lý Dục Xương đã gây chấn động cả trong, ngoài triều đình. Sử sách Thanh triều viết rằng, đây là một trong “tứ đại án oan” của triều đại Mãn Thanh.