Đối mặt với phú quý, bất cứ ai cũng mang tâm lý giống nhau, đều muốn con cháu mình đời đời sang giàu, quyền thế. Đứng trên cương vị của người bà, người mẹ, Lữ hậu - Lữ Trĩ cũng có mong muốn như vậy.
Tuy nhiên, vị Thái hậu cơ mưu ấy không hề lường trước được rằng khát vọng đại phú đại quý của bà lại tạo nên tấn bi kịch cho hoàng tộc cùng cuộc hôn nhân đáng xấu hổ nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Chân dung Lữ hậu.
Ép con trai lấy cháu ruột để "bồi thường" cho công chúa
Sinh thời, Lữ Trĩ có hai người con ruột là Hán Huệ Đế Lưu Doanh và Lỗ Nguyên Công chúa.
Hai năm sau thất bại ở Bình Thành, năm 198 TCN, Lưu Bang quyết định đề nghị giảng hòa.
Nhà Hán lấy Trường Thành làm giới tuyến giữa Hán - Hung Nô, nhân nhượng bằng cách gả công chúa và cung cấp cống phẩm hàng năm cho các tù trưởng Hung Nô để đổi lấy hòa bình giữa hai bên.
Khi ấy, trong Hán cung có rất ít công chúa. Vì vậy Lỗ Nguyên rất có khả năng bị đưa đi cầu thân. Phàm là bậc cha mẹ, không ai muốn đẩy con mình tới một nơi xa xôi, lạnh lẽo như vậy, huống chi Lỗ Nguyên còn có thân phận là con gái trưởng của Hán triều.
Bởi vậy, Lữ hậu đã “tiên hạ thủ vi cường” (đi trước một bước để chiếm ưu thế), đứng ra làm chủ hôn, nhanh chóng đem con gái gả cho Trương Ngao, đồng thời phong phò mã làm Phú Binh hầu.
Trương Ngao là con của Trương Nhĩ – danh sĩ nổi tiếng từ thời Hán Sở tranh hùng.
Tuy vậy, bản thân Ngao không phải là người xuất chúng, cũng không có tài năng gì nổi bật. Sau khi gả cho Phú Binh hầu, Lỗ Nguyên phải chịu nhiều thua thiệt, lại chỉ sinh được hai người con gái.
Để bù đắp cho công chúa, Lữ hậu đã nghĩ ra một mối hôn sự. Cho tới ngày nay, cuộc hôn nhân này vẫn bị hậu thế nhiều đời chê cười.
Lữ Trĩ “bồi thường” cho công chúa bằng cách đem con gái lớn của Lỗ Nguyên gả cho Hán Huệ Đế (bắt cậu ruột lấy cháu gái).
Từ góc độ hiện đại mà đánh giá, đám cưới này chính là một cuộc hôn nhân cận huyết, hay còn có thể hình dung bằng hai từ “loạn luân”. Nhưng trên thực tế, loại chuyện này xảy ra tương đối phổ biến trong xã hội phong kiến.
Đối với sự chuyên chế của mẹ ruột, Lưu Doanh từ lâu vừa sợ hãi, vừa bất bình.
Qua một loạt các sự kiện từ giết hại Thích phu nhân và người em cùng cha khác mẹ Triệu Vương, Hán Huệ Đế đã phải chịu những tổn thương sâu sắc, đồng thời mất đi lòng tin dành cho mẫu thân.
Đứng trước cuộc hôn nhân cậu – cháu cưỡng ép này, hậu thế càng không thể tượng tượng được Lưu Doanh có bao nhiêu bất mãn.
Tận mắt chứng kiến sự tàn độc của Lữ hậu, Hoàng đế Lưu Doanh vô cùng uất ức, chán nản. (Ảnh minh họa).
Xuất phát từ lòng bất bình đối với mẹ ruột, lại thêm tình ruột thịt của người cậu, bản thân Huệ Đế không hề chạm qua Hoàng hậu Trương Yên từ khi thành thân cho tới lúc qua đời.
Mục đích của Lữ Trĩ khi gả cháu gái cho con trai là mong muốn Trương Yên có thể nhanh chóng sinh con nối dõi, sau đó ngồi vững trên ngôi vị mẫu nghi thiên hạ, làm chủ hậu cung, lấy đó làm niềm an ủi cho Lỗ Nguyên Công chúa.
Nhưng thái độ và hành động của Hán Huệ Đế đã đập tan ước vọng hão huyền này.
Ngay cả khi sự tình biến chuyển ngoài ý muốn, vị Thái hậu thủ đoạn cao minh này vẫn làm chủ ván cờ, nhanh chóng lừa bịp thiên hạ, rêu rao tin đồn Hoàng hậu mang thai.
Tới kỳ “sinh nở”, Lữ Trĩ liền đưa Lưu Cung, con của một phi tử trong hậu cung của Huệ Đế vào thế chỗ, lại nhẫn tâm giết chết mẹ ruột của Thái tử. Cứ như vậy, Lưu Cung nghiễm nhiên mang danh con ruột của Hoàng đế Lưu Doanh và Hoàng hậu.
Trước khi thành thân cùng Trương Yên, Hán Huệ Đế từng sủng hạnh không ít phi tử. Nhiều tư liệu lịch sử cũng khẳng định Lưu Doanh có hai người con trai. Điều này chứng minh rằng không phải Huệ Đế không gần nữ sắc.
Hành động tránh thân mật cùng Hoàng hậu của vị vua này chủ yếu thể hiện thái độ chống lại mẹ đẻ của mình.
Tấn bi kịch gia đình khiến hậu thế xót xa
Chịu sự chèn ép bởi quyền thế của mẹ, lại không thể làm gì trước những chuyện bất bình mắt thấy tai nghe, bảy năm sau khi lên ngôi, Lưu Doanh buông tay trần thế, qua đời trong tức tưởi.
Tiên đế qua đời, Thái tử Lưu Cung nối ngôi, sử cũ gọi là Tiền Thiếu Đế. Quyền hành triều chính lúc này vẫn nằm trong tay Lữ Thái hậu. Một năm sau, Lỗ Nguyên Công chúa cũng tạ thế.
Là nhân vật chính trong cuộc hôn nhân cậu - cháu đầy tai tiếng, Hoàng hậu Trương Yên phải sống cuộc đời tịch mịch dưới thân phận "hữu danh vô thực". (Ảnh minh họa).
Sinh thời, vị trưởng công chúa này hiểu rõ cảnh ngộ cô tịch cùng ngôi vị hữu danh vô thực của con gái, nhưng vì e sợ mẫu thân, nên lúc sống chỉ có thể “ngậm bồ hòn làm ngọt”, cứ như vậy mà bất lực qua đời.
Vào thời điểm vây cánh Lữ gia bị diệt trừ, các đại thần Hán triều vẫn bảo vệ Trương Yên. Họ hiểu rõ vị Hoàng hậu này hoàn toàn vô tội, bản thân nàng chỉ là vật hi sinh, là quân cờ trong tay bà ngoại.
Sau này, Trương Yên sống một đời tịch mịch trong Bắc Cung. Tới thời Hiếu Văn Đế tại vị, Trương Yên qua đời trong cô độc, được an táng tại Vu Lăng.