Những ngày này, thời tiết ở thành phố Nam Kinh (Trung Quốc - TQ) càng chiều tối càng lạnh giá. Mưa gió rét mướt khiến mọi người chỉ muốn ở nhà ủ ấm.
Vì thế, trên con đường dẫn ra cầu cảng Yancang, hình ảnh ông bà cụ thay nhau ngồi chầu chực để giữ chỗ đỗ xe cho các con ở một bãi xe công cộng đã khiến nhiều người phẫn nộ.
Như bao ông bố bà mẹ ở TQ, họ đã hy sinh vô điều kiện để nuôi con lớn khôn. Khi về già, lẽ ra phải nhận được sự chăm sóc tử tế thì ngược lại, họ càng cô đơn vì sự thờ ơ từ những núm ruột của mình.
Người mẹ ngồi trong giá rét giữ chỗ đậu xe cho con - Ảnh: Internet
Ông bà cụ có một con trai và một con gái. Đều đặn mỗi chiều, ông bà đem chiếc ghế gỗ ngồi ngay trên làn xe ô tô đỗ, mòn mỏi chờ con.
Những hôm con về trễ, hai cụ vẫn ngồi đó, mặc cho cái rét thấu xương. Nhiều lúc lo bù khú với bạn bè, anh con trai chẳng hề nghĩ đến cảnh bố mẹ mình đang phơi mình trong đêm tối giá rét chỉ để giữ bằng được chỗ đậu xe cho con.
Bức ảnh chụp ông bà được đăng tải trên mạng xã hội khiến không ít người thương cảm, trách con cái sao quá vô tâm.
Liệu những lời trách móc của người dưng có làm cho hai người con đó thức tỉnh hay họ vẫn mặc nhiên cho rằng, tình thương yêu vô điều kiện của bố mẹ là lẽ tất nhiên “nước mắt chảy xuôi”?
Tháng Chín vừa qua, một câu chuyện khác xảy ra ở thành phố An Lục, tỉnh Hồ Bắc, lan truyền trên các trang mạng ở TQ cũng khiến nhiều người lên tiếng.
Đội cảnh sát tuần tra tại khu vực này vô tình kiểm tra một chiếc SUV màu trắng và bất ngờ phát hiện một bà cụ ngồi gọn trong cốp xe.
Tìm hiểu mới biết, đây là chiếc xe con trai bà cụ mua từ tiền để dành bao nhiêu năm tháng của bà. Cả nhà đang đi chơi về, thì cháu nội của bà buồn ngủ. Do xe không đủ chỗ cho bé nằm, con trai bà có “sáng kiến” cho mẹ vào cốp xe.
Bà cụ chẳng nề hà gì với con cháu nhưng dư luận thì không, vì ai cũng hiểu, một bà cụ ngồi trong tư thế ấy sẽ khó chịu, bức bối như thế nào.
Giấc ngủ của cháu trai chẳng lẽ lại quan trọng hơn sự an toàn của bà? Chẳng lẽ con cái có thể tùy thích “nhét” bố mẹ vào bất cứ xó xỉnh nào trong cuộc đời của chúng?...
Hàng loạt câu hỏi cộng đồng mạng đặt ra khiến ai đọc cũng nghẹn đắng trong lòng. Cả đời dành dụm cho con nhưng đoạn kết cuộc đời, nhiều ông bố bà mẹ phải nuốt nước mắt cay đắng vì con cái bỏ rơi.
Đó là chuyện của người đàn ông góa vợ, họ Đào, sống ở tỉnh Giang Tô. Hơn 10 năm trước, ông chia đất cho hai con và chuyển ra ngoại thành sống.
Không muốn gây phiền hà cho con cái, ông âm thầm xin một chân nhặt rác, kiếm rau cháo qua ngày. Ông dành dụm từng đồng, xếp những tờ tiền nhàu nát đó cho phẳng phiu đem gửi tiết kiệm, phòng khi mình qua đời cũng có của để lại cho con.
Khi ốm đau, một viên thuốc ông cũng không dám uống nên dần dà sức khỏe ông đến mức kiệt quệ. Ông quyết định gom tiền dành dụm, về sống với con cái. Hai đứa con chẳng ai sẵn lòng đón bố về nhà mình.
Ông Đào lặng lẽ đem toàn bộ 210.000 NDT (gần 750 triệu VNĐ) đã rút ra từ ngân hàng cho vào chiếc áo quan đã chuẩn bị cho ngày ông lìa đời.
Chỉ khi nhân viên hỏa táng phát hiện những tờ tiền cháy dở bên cạnh thi thể ông, báo cho các con ông biết, họ mới sững sờ.
Bà cụ ngồi trong cấp xe để nhường chỗ ngủ cho cháu trai - Ảnh: Weibo
Những câu chuyện trên chỉ là vài lát cắt nhỏ trong cuộc sống của hàng triệu gia đình TQ hiện nay. Từ tháng 7/2013, Luật Hiếu thảo được áp dụng ở TQ.
Theo đó, người con đến tuổi trưởng thành bắt buộc phải chăm nom bố mẹ hoặc giữ liên lạc thường xuyên qua điện thoại nếu đi làm xa.
Luật là như thế nhưng làm sao có thể đong đếm được mức độ thế nào là chăm sóc đầy đủ và thực tế thì chính những bậc sinh thành cũng không muốn gây khó cho con.
Ai cũng có thể biện bạch là mình quá bận rộn với cuộc sống khó khăn nên chậm một nhịp yêu thương, chăm sóc cha mẹ.
Một khảo sát mới đây ở TQ cho thấy, khoảng 12% người được hỏi thừa nhận đã nhiều năm không về thăm bố mẹ, 30% cho biết mỗi năm chỉ gặp bố mẹ một lần.
Trong khi đó, điều mà các nhà hoạch định chính sách xã hội TQ đau đầu là dân số già ở nước này không ngừng tăng, dự báo lượng người trên 60 tuổi sẽ tăng gấp 2,5 lần - lên 487 triệu người vào năm 2053.
Ở tuổi già, chẳng ai mong chờ điều gì ngoài sự ân cần, hiếu thảo của con cháu. Nhưng thực tế, nhiều người già ở TQ không thể chạm đến được ước mong nhỏ nhoi ấy. Cam chịu và lặng lẽ, họ tiếp tục sống vì các con…