Mười năm sau khi hoàn toàn không nhìn thấy gì, Thomas trở thành "phượt thủ"chuyên nghiệp bị khiếm thị duy nhất trên thế giới. Năm 2008, anh trở thành người khiếm thị đầu tiên hoàn thành 3.500km đường mòn Appalachian Trail một mình không có người hỗ trợ.
"Tôi cực kỳ mê các môn thể thao mạo hiểm. Lúc tôi ba tuổi, cha mẹ tôi đã bắt đầu cho tôi trượt tuyết xuống dốc. Tôi đã từng đạp xe địa hình vượt núi, trượt tuyết và đua xe Porsches.
Sau khi bị khiếm thị tôi vẫn muốn tham gia các hoạt động mạo hiểm nhưng chẳng ai cho tôi tham gia. Danh sách những điều tôi không thể làm thực sự rất dài." Thomas chia sẻ.
Mặc dù không có bạn đồng hành nhưng Thomas cho biết con đường này khá đông đúc và anh luôn gặp những phượt thủ khác để... hỏi đường.
Hiện tại, Thomas dùng một loạt ứng dụng và thiết bị công nghệ để giúp anh du lịch bộ và định hướng an toàn hơn. Công nghệ cũng giúp ích cho Thomas trong việc giao tiếp với những người hâm mộ anh.
Số lượng người hâm mộ Thomas ngày càng tăng nhanh. Anh đã phát triển hẳn một cộng đồng và thành lập một tổ chức có tên FarSight Foundation, một tổ chức khuyến khích trẻ em khiếm thị tham gia vào các hoạt động ngoài trời.
Mạng xã hội là một trong số các công nghệ mà anh sử dụng. Với những người khiếm thị các công nghệ phụ thuộc hình ảnh như Facebook, Instagram chẳng có gì hấp dẫn.
Người khiếm thị thường sử dụng máy tính, điện thoại dựa vào một phần mềm có thể đọc những văn bản trên màn hình cho họ.
Họ thực hiện các thao tác bằng cách ra lệnh bằng giọng nói cho máy tính, điện thoại. Nếu không được hỗ trợ bởi công nghệ, người khiếm thị hoàn toàn chẳng có hứng thú gì với những hình ảnh, trạng thái mà chúng ta thường chia sẻ trên mạng xã hội.
Hiện tại, trong các chuyến đi, Thomas thường mang theo thiết bị cứu hộ cá nhân trong trường hợp khẩn cấp. Thiết bị này có thể xác định vị trí chính xác của Thomas nhờ được kết nối với vệ tinh.
Ngoài ra nó còn có một tính năng khá hữu ích đó là cập nhật vị trí của Thomas 10 phút một lần lên Facebook.
Nhờ những cập nhật này mà điều phối viên của đoàn có thể phát hiện ra anh gặp khó khăn nếu anh không đến đích đúng thời gian hoặc di chuyển chậm hơn bình thường.
Thomas tìm đường nhờ vào chiếc iPhone của mình. Trước khi bắt đầu chuyến đi, anh thường vạch ra tuyến đường sau đó sử dụng phần mềm đọc để có thể nghe chỉ dẫn về hành trình.
Anh theo dõi khoảng cách mình đi được nhờ những thiết bị tính toán tốc độ cũng như thời gian.
Bây giờ, đôi mắt của anh là chú chó Tennille, phượt thủ 4 chân này gắn bó với Thomas từ năm 2012 và nó là chó dẫn đường đầu tiên được huấn luyện để dẫn người mù đi những cung đường thám hiểm khó khăn.
Những chuyến đi bộ đường dài của Thomas đã được công nhận nhưng anh còn là một người tiên phong trong giới công nghệ.
"Chẳng có gì được thiết kế riêng cho tôi", anh nói. "Tôi cố sử dụng những công nghệ thông thường nhất để giúp chính mình".