Năm 1735, Ung Chính qua đời, Thái tử Hoằng Lịch kế vị khi mới 24 tuổi, sử cũ gọi là Càn Long Hoàng đế.
Trước khi băng hà, di chiếu của tiên hoàng ngợi khen Hoằng Lịch là người “nhân từ”, đồng thời hạ lệnh cho hai đại thần là Trương Đình Ngọc và Ngạc Nhĩ Thái phò tá tân đế. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến cho vị Hoàng đế “nhân từ” này đứng ngồi không yên.
Tình cảnh "ngao sò đánh nhau" trong nội bộ Thanh triều
Đối với các Hoàng đế mới kế vị, những vị đại thần tiền triều hầu như bị coi là “cái gai” trong mắt. Chưa kể tới việc Ngạc Nhĩ Thái hơn Càn Long 34 tuổi, Trương Đình Ngọc lớn hơn tân đế những 38 tuổi.
Liệu các vị đại thần công lao cái thế, lại thuộc vào hàng cha chú này có dễ dàng quy thuận dưới trướng một vị vua trẻ tuổi? Đó chính là điều luôn khiến cho Càn Long sầu muộn.
Vậy nhưng, những kinh nghiệm từ sử sách và cái “khiếu” áp chế công thần của dòng họ Ái Tân Giác La đã giúp Càn Long tìm ra giải pháp.
Năm xưa, tổ phụ Khang Hy khi mới yên vị trên ngai vàng đã bày mưu tính kế, loại bỏ cựu thần lộng quyền là Ngao Bái. Ngay tới phụ hoàng Ung Chính lúc mới kế vị cũng đem đại thần tiền triều là Niên Canh Nghiêu đạp xuống “18 tầng địa ngục”.
Tới phiên mình kế nghiệp, Ái Tân Giác La Hoằng Lịch cũng không tỏ ra thua kém so với bậc tiền nhân, ngay cả khi hai vị cựu thần này không dễ đối phó.
Đấu đá nội bộ từ lâu đã là tật xấu thâm căn cố đế của người Trung Quốc. Bộ máy triều chính của nhà Thanh cũng không ngoại lệ.
Ngạc Nhĩ Thái và Trương Đình Ngọc đã không vừa mắt nhau từ khi Ung Chính còn tại vị. Cho tới lúc Càn Long lên ngôi, công cuộc đấu đá của hai đại thần này càng diễn ra căng thẳng.
Bằng sức ảnh hưởng của mình, phe phái họ Ngạc và họ Trương phân chia nội bộ triều đình thành hai đảng. Thậm chí ngay cả lúc lâm triều, quan lại cũng đứng thành hai phía, ai “đầu quân” cho vị đại thần nào thì đứng vào hàng của vị đó.
Khi Càn Long mới lên ngôi không lâu, nội bộ nhà Thanh lục đục vì cuộc tranh đấu căng thẳng giữa hai vị đại thần tiền triều. (Ảnh minh họa).
Ngạc Nhĩ Thái là tướng soái lâu năm, thống lĩnh đại binh đánh nam dẹp bắc từ thời tiên đế, cũng đồng thời là vị quan mang dòng máu Mãn tộc, vị thế không thể xem thường. Trí dũng, trí sĩ dưới trướng của ông nhiều không đếm xuể.
Sức mạnh từ xuất thân và công trạng của họ Ngạc đã thu hút không ít các đại thần người Mãn.
Những thành viên cốt cán của phe phái này có thể kể đến là Trang Thân vương Doãn Lộc, Tổng đốc Hồ Quang Mại Trụ, Công bộ Thượng thư Sử Di Thực, Tuần phủ Ngạc Xương, Học chính Hồ Trung Tảo. Đây chính là “Ngạc đảng” mà sử cũ thường nhắc tới.
Vây cánh của Trương Đình Ngọc cũng không hề kém cạnh. Từng đảm nhiệm chức vụ đứng đầu sáu bộ, lại là văn sĩ nổi tiếng đương thời, một tay họ Trương này đã “đỡ đầu” cho không ít đệ tử thành tài.
Chưa dừng lại ở đó, Đình Ngọc còn có xuất thân không hề tầm thường. Gia tộc họ Trương của ông có tới 19 người làm quan, là danh gia vọng tộc sở hữu thế lực và tầm ảnh hưởng vô cùng lớn.
Do đó, với “quyền lực mềm” của dòng họ cùng mạng lưới quan hệ rộng lớn, Trương Đình Ngọc chính là người đứng đầu “Trương đảng” – tổ hợp chính trị chủ yếu của những quan lại, văn sĩ người Hán.
Trong triều, Ngạc Nhĩ Thái cậy có xuất thân Mãn tộc mà ngang ngược, kiêu ngạo; Trương Đình Ngọc lại cao ngạo vì tài hoa và thanh danh của bản thân mình.
Vây cánh của Ngạc đảng lớn mạnh nhờ tập đoàn hoàng thân và quan lại người Mãn, trong khi đó, Trương đảng lại tập hợp những phần tử tinh anh của người Hán và các mối giao thiệp rộng lớn.
Do đó, hai thế lực này mạnh yếu bất phân, chi phối hệ thống quan lại trong triều đình, đấu đá như nước với lửa.
Càn Long và cao kế "ngư ông đắc lợi"
Lịch sử đã nhiều lần chứng minh: nội bộ rối ren có thể dẫn tới họa vong quốc. Nhưng Càn Long Hoàng đế lại dựa vào chính sự bất đồng này để thâu tóm quyền lực vào trong tay mình để tiếp nối thời đại “Khang – Càn thịnh thế.”
Sống trong cung đình lâu năm, Càn Long đã quá quen thuộc với những thủ đoạn đấu đá chốn cung đình.
Đứng trước hai vị đại thần mưu tính thuộc vào hàng lão làng này, vị Hoàng đế trẻ càng tỏ ra “cao tay” khi sử dụng kế “Ngao sò đánh nhau, ngư ông đắc lợi” (hai người tranh đấu khiến cho kẻ thứ ba hưởng lợi).
Lợi dụng mâu thuẫn giữa vây cánh của Trương Đình Ngọc và Ngạc Nhĩ Thái, Càn Long luôn chờ thời điểm phe phái của hai lão thần này phạm quy, gây sự hay đấu đá lẫn nhau để ra tay.
Thông qua một loạt các bản án dưới đây, ông đã khiến “Trương đảng” và “Ngạc đảng” không ít lần “sứt đầu mẻ trán”.
Kế hoạch "ngư ông đắc lợi" để áp chế quần thần từ lâu đã nằm trong suy tính của Càn Long Hoàng đế. (Ảnh minh họa).
Vào năm Càn Long nguyên niên, Trương Quảng Tứ của Ngạc đảng và Trương Chiếu thuộc Trương đảng xuất binh công kích lẫn nhau ở Quý Châu, bị Hoàng đế trách phạt.
Tới năm Càn Long thứ 6, Trọng Vĩnh Đàn của Ngạc đảng và Trương Chiếu của Trương đảng bị phanh phui vụ án nhận hối lộ.
Bảy năm sau, Trương Quảng Tứ thuộc phe Ngạc đảng bị xử tử hình do thất bại trong cuộc chiến ở Kim Xuyên.
Năm Càn Long thứ 15, thông gia của Trương Đình Ngọc bị tố cáo có dính dáng tới vụ án văn học tày đình của Lã Lưu Nương (cha ruột Lã Tứ Nương) từ thời tiên hoàng Ung Chính.
Họ Trương bằng nhiều thủ đoạn và các mối quan hệ của mình đã may mắn không phải chịu án liên đới.
Năm năm sau, vào năm Càn Long thứ 20, Hồ Trung Tảo sáng tác bài thơ đả kích triều đình trong ngục. Vụ án văn học này có liên quan tới đệ tử của Ngạc Nhĩ Thái, nhưng đã được người của Ngạc đảng nhanh chóng thủ tiêu chứng cứ.
Trong suốt 20 năm đầu tại vị, Càn Long rất từ tốn công kích vào phe phái của hai vị lão thần tiền triều, từ từ tiêu diệt vây cánh của họ, đồng thời từng bước thu hồi lại quyền lực về tay mình.
Vậy mới nói, hai vị đại thần như Trương Đình Ngọc và Ngạc Nhĩ Thái dù đã lăn lộn trên chốn quan trường bao nhiêu năm, nhưng vẫn thua trong tay người sinh ra để làm Hoàng đế như Càn Long.
Nhiều năm sau đó, khi nhớ lại thuở thiếu thời, Càn Long Hoàng đế vẫn không khỏi cười hai vị trọng thần này mà nói: “Ngạc Nhĩ Thái và Trương Đình Ngọc chắc hẳn vẫn không quên kế sách cũ mà trẫm dùng khi mới lên ngôi.”
Đây chính là lời thừa nhận đầy tự hào về kế sách “ngao sò đánh nhau, ngư ông đắc lợi” mà Càn Long dùng để “trêu đùa” hai vị lão thần tiền triều năm ấy.