Biển lửa Nam Kinh và số phận bí ẩn của Hoàng đế Minh triều

Trần Quỳnh |

Để lên ngôi báu, Chu Đệ đã biến cố đô Nam Kinh thành biển máu và đẩy cháu ruột là Kiến Văn đế Chu Doãn Văn vào cảnh ngộ thê thảm, không tăm tích.

Kiến Văn đế Chu Doãn Văn là Hoàng đế thứ hai của Minh triều, có cha là Chu Tiêu – con trưởng của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.

Chu Tiêu từ nhỏ đã được phong làm Thái tử, nhưng không may đoản mệnh mất sớm. Thái Tổ chiếu theo lệ cũ, lập Chu Doãn Văn làm Hoàng thái tôn.

Sau khi Chu Nguyên Chương qua đời, Chu Doãn Văn kế vị khi mới 21 tuổi, lấy quốc hiệu là “Kiến Văn”, sử cũ cũng gọi ông là “Kiến Văn đế”.

Tại vị được bốn năm, Chu Doãn Văn bị chú ruột là Chu Đệ soán ngôi đoạt vị, sau này không rõ sống chết ra sao. Cho tới ngày nay, tung tích của Kiến Văn đế vẫn là một bí ẩn đối với hậu thế.

Theo cuốn “Vĩnh Lạc thực lục” và “Minh sử cảo”: Sau khi Kiến Văn đế kế vị, nhanh chóng trọng dụng Binh bộ Thượng thư Tề Thái và Đại thường khanh Hoàng Tử Trừng nhằm thi hành chính sách bãi bỏ phiên vương.

Thời kỳ Minh Thái Tổ trị vì, để củng cố hoàng thất, ông đã phong cho con cháu làm phiên vương, nắm giữ binh quyền tại đất phong và đều có quân đội riêng để tự vệ.

Chu Đệ khi ấy đang là Yến vương lĩnh binh tại khu vực Bắc Bình (Bắc Kinh ngày nay). Khi nghe được tin này, lại sẵn dã tâm thâu tóm quyền lực tối cao về tay mình, ông đã lập tức dấy quân xuôi nam, phát động cuộc chính biến mang tên “Tĩnh Nan chi dịch”.

Cái cớ được đưa ra khi ấy là "cứu vua cháu khỏi sự thao túng của lũ quan lại tiếm quyền".

Chưa tới bốn năm, Yến vương đã dẫn quân đánh vượt Trường Giang, vây thành Nam Kinh. Mặc dù Kiến Văn đế chủ động cầu hòa, nhưng Chu Đệ không đồng ý. Động thái này của người chú ruột đã buộc Kiến Văn đế phải tử thủ tới cùng.

Trớ trêu thay, đại thần kế cận Hoàng đế khi ấy là Lý Cảnh Long lại chủ động mở cửa thành nghênh đón đại quân của Yến vương. Các bá quan văn võ trong triều đình đều đầu hàng.

Chứng kiến mọi chuyện không thể cứu vãn, Kiến Văn đế bất đắc dĩ phải hạ lệnh đốt cung. Ông đã cùng Hoàng hậu nhảy vào biển lửa tự thiêu. Các phi tần và người hầu khi ấy đều quyên sinh theo Hoàng đế.


Kiến Văn đế đốt cung tự thiêu là giả thuyết được nhiều người tin tưởng về kết cục của vị Hoàng đế này.

Kiến Văn đế đốt cung tự thiêu là giả thuyết được nhiều người tin tưởng về kết cục của vị Hoàng đế này.

Yến vương Chu Đệ sau khi vào thành đã hạ lệnh lục tung cung điện gần 3 ngày để tìm kiếm tung tích người cháu ruột vừa bị mình bức tử.

Tuy nhiên khi ấy, mọi người chỉ tìm thấy những thi thể cháy xém không phân biệt được là nam hay nữ trong đống đổ nát, liền tin rằng Hoàng đế đã quy tiên. Chu Đệ nhìn thấy những thi thể thê thảm ấy, sau khi lên ngôi đã tổ chức “Lễ táng Kiến Văn đế” (theo “Minh sử”).

Tuy nhiên, danh nhân Yên Thế thời nhà Thanh và nhà nghiên cứu Thái Đông Phiên lại có giả thuyết khác về kết cục của vị Hoàng đế này. Cả hai học giả trên đều cho rằng Kiến Văn đế không phải qua đời vì tự thiêu, mà đã cắt tóc đi tu.

Theo đó, sau khi Yến vương vào được thành, Kiến Văn đế quả thực có nghĩ tới việc tự vẫn. Nhưng khi ấy, thái giám Vương Việt lại tiết lộ cho ông một việc hệ trọng:

“Tổ phụ của bệ hạ (chỉ Chu Nguyên Chương) lúc sắp băng hà có để lại cho người một chiếc rương sắt, có dặn thần khi nào tai vạ ập tới thì giao lại cho bệ hạ. Thần vẫn thường bí mật cất giấu nó ở trong điện Phụng Tiên.”

Mọi người khi đó vội vàng đem chiếc rương tới. Sau khi mở ra, Kiến Văn đế phát hiện bên trong là ba tờ độ điệp (thẻ đi tu) chứng minh thân phận của tăng sĩ, mặt bên trên đều viết tên của mình.

Trong thành khi ấy có một nơi gọi là “Quỷ môn”. Đây thực chất là một cánh cửa bí mật nối liền với thủy đạo, chỉ đủ cho một người ra vào. Kiến Văn đế vừa bước ra khỏi Quỷ môn cùng 8 người, đã thấy một chiếc thuyền nhỏ chờ sẵn ở thủy đạo.

Trên thuyền khi đó có một vị tăng nhân. Người này khi vừa nhận ra Hoàng đế liền cúi đầu hô “Vạn tuế”.

Kiến Văn Đế khi đó mới hỏi tăng nhân vì sao biết mình gặp nạn. Tăng nhân đáp:

“Ta là Vương Thăng, là trụ trì ở chùa Thần Nhạc. Đêm qua ta mơ thấy Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Thái Tổ xưa kia vốn là người xuất gia, hôm qua có bảo ta ở đây chờ để đón người nhập chùa làm tăng.” Sau đó, Kiến Văn đế cắt tóc quy y, thừa kế “tổ nghiệp”.

Còn có một loại giả thuyết khác về tung tích của vị Hoàng đế này.

Theo cuốn “Giang Du huyện chí”, Chu Doãn Văn vì binh bại mà “quy ẩn tại núi này”. Nhưng ngọn núi ấy cụ thể ở đâu thì lại không được ghi chép tỉ mỉ.

Chu Đệ sai người đi tìm kiếm tung tích của cháu ruột là một sự thật lịch sử. Tuy nhiên mục đích thực sự của hành động ấy là gì, cho tới nay vẫn là một câu hỏi không lời giải để lại cho hậu thế.


Việc Minh Thành Tổ Chu Đệ không ngừng tìm kiếm tung tích Kiến Văn đế cho đến nay vẫn khiến hậu thế không khỏi thắc mắc.

Việc Minh Thành Tổ Chu Đệ không ngừng tìm kiếm tung tích Kiến Văn đế cho đến nay vẫn khiến hậu thế không khỏi thắc mắc.

Ngày nay, các tài liệu còn lưu lại khi viết về Kiến Văn đế cũng vẻn vẹn mấy chữ “không rõ kết cục”.

Phàm là làm Hoàng đế, ắt cần phải tạo được Hoàng quyền, dẹp được các phe cánh đối địch. Nếu không làm được những điều này, vị Hoàng đế đó phải chịu kết cục bị loại trừ. Kiến Văn đế chính là một nhân vật bi kịch như vậy.

Chu Đệ từng 7 lần phái Trịnh Hòa đi “Tây Dương” (một số khu vực ở châu Á, châu Phi), kỳ thực không chỉ vì muốn tăng thiện cảm với các dân tộc nơi đây, mà mục đích chân chính là tìm kiếm tung tích của Kiến Văn đế.

Một số tư liệu có ghi chép: Vào lần thứ 7 Trịnh Hòa đi Tây Dương, sau khi hồi cung đã mật đàm một lúc lâu cùng Chu Đệ, sau đó kết thúc công cuộc thám hiểm trên biển của mình.

Đối với điều này, nhiều người không khỏi suy đoán: Phải chăng Chu Đệ đã tìm được tung tích của Chu Doãn Văn? Tuy nhiên chân tướng sự việc đã đi theo cổ nhân, hậu thế ngày nay chỉ có thể hoài niệm mà suy đoán.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại